Thứ ba, 14/4/2009, 13h04

Thiếu nhân lực: Khu công nghệ cao có nguy cơ thành khu công nghiệp

Cơ cấu nguồn nhân lực khoa học công nghệ của Việt Nam còn nhiều bất hợp lý, bởi bậc đào tạo ngày càng có xu hướng phát triển thiên về các ngành sản xuất phi vật chất, nhân lực có trình độ trên đại học trong lĩnh vực khoa học công nghệ chỉ chiếm khoảng 10%. Đó là đánh giá của viện Khoa học và công nghệ Việt Nam đưa ra tại hội thảo quốc gia về đào tạo nhân lực công nghệ cao (CNC) theo nhu cầu xã hội, do bộ Giáo dục – đào tạo và bộ Khoa học – công nghệ tổ chức tại Bình Dương hôm 11.4.2009.

Thiếu “nhạc trưởng”
Sự thiếu gắn kết giữa hoạt động đào tạo và nghiên cứu sản xuất dẫn đến hậu quả là các kết quả nghiên cứu chậm được đưa vào ứng dụng và thương mại hóa gây nhiều lãng phí. (ảnh: SV khoa công nghệ sinh học tại trường ĐH Quốc tế, Đại học quốc gia TP.HCM trong giờ thực hành thí nghiệm. Ảnh: N.Th)
Theo bộ Khoa học – công nghệ, chỉ tiêu tuyển sinh của ngành công nghệ thông tin tăng rất nhanh trong ba năm qua: năm 2008 khoảng 50.000 người, tăng 125% so năm 2007 và 160% so với 2006. Các trường đại học, cao đẳng cả nước cung cấp cho thị trường mỗi năm trung bình 110.000 kỹ sư công nghệ thông tin, nhưng thực tế chỉ 10% số đó có thể phục vụ tốt cho ngành này.
Tự động hoá là một trong những ngành thiếu nhân lực trầm trọng nhất. Ông Đỗ Hữu Hào, chủ tịch hội Tự động hoá Việt Nam cho biết, hầu hết các trường thuộc khối ngành kỹ thuật đều có ngành này, nhưng nhân lực cho ngành tự động hoá vẫn bị khan hiếm. Hiện số người làm việc trong các lĩnh vực có liên quan của ngành này của cả nước chỉ vỏn vẹn năm ngàn người.
Tương tự, nhân lực cho ngành công nghệ sinh học cũng không khả quan hơn. Đến năm 2007, Việt Nam mới có 1.500 cử nhân/kỹ sư, 400 thạc sĩ và 90 tiến sĩ về công nghệ sinh học. Theo thứ trưởng bộ Khoa học – công nghệ Nguyễn Văn Lạng, ngành công nghệ này hiện rất hiếm “nhạc trưởng” xứng tầm để điều khiển “dàn nhạc công nghệ sinh học nông nghiệp” một cách nhịp nhàng, đồng bộ. Ông Lạng cho biết, dù mạng lưới phòng thí nghiệm về công nghệ sinh học được thiết lập ở nhiều nơi, nhưng vẫn chưa có sự phối hợp trong nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng.
“Nhạc công” cũng thiếu!
Thứ trưởng Nguyễn Văn Lạng cảnh báo, nếu Việt Nam không sớm có đủ nhân lực cao cấp, các khu CNC đã và đang hình thành tất nhiên sẽ trở thành một khu công nghiệp kỹ thuật cao với những nhà máy, dây chuyền và chỉ cần công nhân, kỹ thuật viên điều khiển máy, kiểm tra, lắp ráp... các sản phẩm CNC. Như vậy, việc đầu tư ngân sách lớn của nhà nước để xây dựng các khu CNC và chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực này sẽ không đạt được mục tiêu đề ra là: thúc đẩy năng lực nội sinh về công nghệ, tiến tới sáng tạo CNC, mới, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam.
Một số kết quả nghiên cứu trong thời gian qua, mặc dù được áp dụng vào sản xuất, nhưng chưa thực sự ổn định, các hướng nghiên cứu còn dàn trải và mang tính thăm dò. Đặc biệt, sự thiếu gắn kết giữa hoạt động đào tạo và nghiên cứu sản xuất, dẫn đến hậu quả là các kết quả nghiên cứu chậm đưa vào ứng dụng và thương mại hóa, gây nhiều lãng phí.
Bộ Khoa học – công nghệ kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần có những đề xuất khuyến khích đối với hoạt động phát triển CNC, nhanh chóng huy động tối đa các thành phần kinh tế tham gia trực tiếp vào quá trình đào tạo nhân lực, khuyến khích mở các trường đại học, viện nghiên cứu công nghệ quốc tế hoặc khu vực tại Việt Nam. Giải pháp cần nên triển khai thực hiện sớm là tăng cường đào tạo nhân lực cho hoạt động phát triển CNC, bao gồm đào tạo công nhân kỹ thuật có tay nghề cao cho các ngành CNC như công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu và ngành tự động hóa...
Như Thuần (SGTT)
Nhu cầu đội ngũ nhân lực một số ngành công nghệ cao từ nay đến 2020:
Năm
Công nghệ thông tin
Công nghệ
sinh học
Công nghệ
tự động hoá
Công nghệ
vật liệu
2008
15.000
8.000
10.000
5.000
2009
18.000
12.000
12.000
8.000
2010
20.000
15.000
15.000
12.000
2015
25.000
20.000
20.000
18.000
2020
30.000
25.000
25.000
25.000