Thứ ba, 2/1/2018, 11h50

Thiếu nhân lực ngành tâm lý

Nhu cầu tư vấn tâm lý của xã hội hiện nay rất lớn nhưng người được đào tạo bài bản còn quá ít. Bên cạnh đó, các nhà tham vấn mới chỉ 'ban bố lời khuyên' chứ chưa thực sự làm đúng vai trò của một chuyên gia tâm lý.

Thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An trong một buổi giảng dạy /// Ảnh: A.H
Thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An trong một buổi giảng dạy. ẢNH: A.H
Còn non yếu
Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nói nhu cầu nhân lực thực tế hằng năm ở riêng khu vực phía nam lớn gấp chục lần số sinh viên các trường ĐH có đào tạo ngành này ra trường.
Tiến sĩ Nam cho biết: “Đời sống ngày càng phát triển, con người ngày càng tất bật và lo toan khiến tinh thần thường bị áp lực, dễ trầm cảm, các bệnh về rối loạn tâm lý tăng cao. Người ta luôn mong muốn có một đời sống tâm lý bình yên và các mối quan hệ gia đình, xã hội thật suôn sẻ, tốt đẹp. Do đó, ngành tâm lý học trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong vai trò giúp con người có một tinh thần khỏe mạnh”.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Nam, ngành tâm lý học ở VN còn non trẻ trong khi ở các nước phát triển đã có lịch sử hàng trăm năm. “Nhân lực đào tạo bài bản, có quy mô ở nước ta còn quá ít trong khi nhu cầu lại hết sức cấp thiết, đa dạng và phong phú. Các bệnh viện, trường học, cơ quan, doanh nghiệp… rất cần lực lượng tốt nghiệp ngành này. Xã hội muốn phát triển thì con người phải khỏe mạnh cả về thể chất, tâm lý lẫn các mối quan hệ. Trong 2 yếu tố cuối, bác sĩ tâm lý có vai trò hết sức quan trọng”, tiến sĩ Nam nhìn nhận.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho biết nhu cầu nhân lực ngành tâm lý học trong thời gian tới rất lớn. Riêng TP.HCM cần đến hàng ngàn người mỗi năm. Trong đó, có những công việc kết hợp giữa ngành tâm lý học với khoa học xã hội, pháp luật, giáo dục như tư vấn học đường, tâm lý xã hội, tâm lý điều trị bệnh lý…
Học tâm lý cần tố chất gì?
Tiến sĩ Ngô Xuân Điệp, Trưởng khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng muốn học ngành tâm lý và trở thành một chuyên gia giỏi, người học cần nhạy cảm, tinh tế, nhẹ nhàng. “Đây là nghề chăm sóc, hỗ trợ tinh thần cho người khác. Ngoài ra, phải có tâm hồn phóng khoáng, tấm lòng vị tha, độ lượng, không toan tính. Trong quá trình làm việc, sử dụng trí tuệ cảm xúc nhiều hơn trí tuệ logic. Khả năng giao tiếp, ngôn ngữ hoạt bát cũng là điều cần thiết để làm việc thành công”, tiến sĩ Điệp nhận định.
Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Văn Nam nhấn mạnh kỹ năng đặc biệt cần có của một người làm công tác tâm lý là biết lắng nghe, thấu hiểu để giúp người khác tự giải quyết vấn đề trong tâm tư của họ, chứ không phải là “dạy đời”, “ban bố lời khuyên” hay “làm thay” người khác. “Nhà tâm lý không khác gì một cái “thùng” để cho bệnh nhân tâm lý “trút” lòng mình vô đó. Chỉ cần biết kiên nhẫn lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ là họ đã cảm thấy giải quyết được một phần rối loạn của mình. Việc còn lại là trợ giúp bệnh nhân bằng các phương pháp phù hợp”, tiến sĩ Nam nêu quan điểm.
Nói về vấn đề đào tạo, thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, Ủy viên BCH T.Ư Hội Tâm lý học xã hội VN, nhìn nhận các trường ĐH hiện nay đã tăng thời lượng thực hành, tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội cọ xát với thực tiễn cuộc sống. “Tuy nhiên, ngành khoa học tâm lý của ta vẫn còn thiếu những công trình khoa học hoặc thực nghiệm tâm lý mang tính ứng dụng cho thực tế cuộc sống. Với sự phát triển còn khá non trẻ, thì việc học tập và trau dồi thêm tri thức từ những quốc gia có bề dày kinh nghiệm là rất quan trọng. Việc này đòi hỏi chương trình đào tạo cần được nâng tầm và chính người học cần chủ động tiếp cận với những nguồn tài liệu khoa học của các nước phát triển. Muốn vậy, tiếng Anh phải giỏi”.

Mỹ Quyên/TNO