Thứ năm, 23/2/2017, 20h54

Thiếu nhi đang cần một đời sống âm nhạc phong phú

LTS: Báo Giáo dục TP.HCM số ra ngày 22-2 có đăng bài Lối đi nào cho ca khúc thiếu nhi? Sau khi báo phát hành, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến ủng hộ, đồng tình của nhiều độc giả. Xin được tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc.

Các em thiếu nhi cần hát những ca khúc phù hợp với lứa tuổi của mình. Ảnh: Y.Hà 

Dù ở giai đoạn nào thì âm nhạc vẫn luôn là một phần không thể thiếu của cuộc sống. Do đó, nếu không có nhạc hay đúng tuổi thì các em sẽ chọn dòng nhạc người lớn, nhạc quốc tế để giải trí mỗi ngày. Giáo dục TP.HCM lược trích một số ý kiến về vấn đề này để thấy thị trường âm nhạc cho thiếu nhi hiện nay rất cần một sự khởi sắc.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: “Giáo dục các bé những điều tốt đẹp trong cuộc sống”

Hiện nay, nhiều nhạc sĩ không “mặn mà” với nhạc thiếu nhi vì yếu tố lợi nhuận. Viết nhạc thiếu nhi thì không thể bán cho các bé thiếu nhi, hoặc nếu bán được thì giá cũng không cao. Nhạc thiếu nhi cũng không thể thu hút trên Youtube hay nhạc chờ, biểu diễn... Chính vì không nhiều “đất” diễn lại tiềm ẩn nhiều “rủi ro” có lẽ là trở ngại lớn nhất với nhạc sĩ trẻ khi quyết định có nên viết ca khúc cho thiếu nhi.

Ngoài viết những bản tình ca, tôi mong muốn mình gắn với mảng nhạc thiếu nhi để giáo dục các em những bài học nhân văn về cuộc sống. Viết nhạc cho thiếu nhi tưởng chừng như đơn giản nhưng là cả một vấn đề bởi đòi hỏi người nhạc sĩ phải dồn nhiều tâm sức, không thể qua loa là được. Người sáng tác cần phải có sự am hiểu về tính cách, tâm tư, tình cảm của tuổi nhỏ cũng như đặt mình vào tâm hồn trẻ thơ trong sáng của các em để nhìn cuộc sống. Khi sáng tác nhạc cho các bé, tôi muốn phải lồng vào đấy một bài học nhỏ hoặc một chi tiết nhỏ nào đó mang giá trị nhân văn tươi đẹp để các em có cái nhìn tươi hồng về cuộc sống.

Thời gian tới, tôi muốn gia tài sáng tác của tôi sẽ có thật nhiều những bài hát ý nghĩa cả về tình yêu lẫn gia đình. Khi nhận được những phản hồi tích cực từ phía người nghe, tôi ngày càng tìm thấy niềm vui trong việc này, tôi mong muốn sẽ có nhiều bài hát cho các em hơn để các em không phải hát những bài hát thiếu nhi rất cũ, hoặc những bài hát dành cho người lớn. Tuy nhiên, để phổ biến và đưa ca khúc thiếu nhi vào đời sống tinh thần rất cần sự chung tay, kết hợp từ nhiều phía. Có như vậy mới mong những sáng tác cho thiếu nhi được trả lại vị trí xứng đáng trong đời sống âm nhạc và sẽ được thấy các em hát và trình diễn những bài hát đúng với lứa tuổi của mình.

Nhạc sĩ, NSƯT Huỳnh Khải, Trưởng khoa Âm nhạc, Nhạc viện TP.HCM: “Cần vực dậy thị trường ca khúc cho thiếu nhi”

Hai năm gần đây, những sáng tác đờn ca tài tử cho thiếu nhi hiện nay đã có sự khởi sắc. Cuộc thi sáng tác đờn ca tài tử và các bản đờn ca tài tử cho thiếu nhi đã được tổ chức và chọn ra những ca khúc để các em thể hiện. Dẫu chưa thật sự có những bản đờn ca tài tử nổi trội, làm nên tên tuổi như giai đoạn trước nhưng đây cũng là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, một vấn đề trăn trở cho dòng nhạc thiếu nhi hiện nay là các em đang quá thiếu những ca khúc dành cho độ tuổi của mình. Nếu các em hát những ca khúc dành cho người lớn sẽ khó thể hiện được nội tâm của ca khúc và có những ảnh hưởng không tốt về tâm lý, sự hình thành nhân cách cho trẻ. Do đó, những sáng tác cho thiếu nhi cần phải được vực dậy, trả lại vị trí xứng đáng trong đời sống âm nhạc và sẽ được thấy các em hát và trình diễn những bài hát đúng với lứa tuổi của mình.

Chị Nguyễn Thanh Ngân (Q.3): “Trước hết phải vì các em”

Việc đầu tư phát triển âm nhạc cho trẻ là cần thiết bởi sẽ bồi dưỡng tâm hồn, trí tuệ, nhân cách cho những mầm non tương lai của đất nước. Tôi không hiểu tại sao hiện nay nhiều chương trình trên sóng truyền hình lại để các em nhỏ thể hiện những ca khúc dành cho người lớn với những ca từ không phù hợp độ tuổi của các em. Gia đình có con nhỏ nên tôi cẩn trọng khi cho cháu xem những chương trình giải trí. Ca khúc cho thiếu nhi tuy đơn giản nhưng rất khó, phải hóm hỉnh, gần gũi với các em. Nhiều nhạc sĩ sáng tác thường áp đặt cảm xúc của người lớn vào ca khúc, giai điệu đều đều, ca từ hời hợt, sáo rỗng. Trong khi đó, ca khúc viết cho thiếu nhi thì ca từ, giai điệu cần phải phù hợp với tâm lý trẻ thơ. Thế nên, trước hết, muốn viết ca khúc cho các em thì phải vì các em.

Em Trần Thị Mai Thy (sinh hoạt tại Nhà Thiếu nhi Q.10): “Thích những ca khúc vui tươi, ngộ nghĩnh”

Em thích được hát những ca khúc vui tươi, ngộ nghĩnh, ví dụ như “Bà còng đi chợ trời mưa, cái Tôm cái Tép đi đưa bà còng…”. Nhiều khi xem các chương trình giải trí trên ti vi, ba mẹ thấy các bạn đồng trang lứa với em hát những bản nhạc dành cho người lớn là ba mẹ chuyển qua kênh khác. Ngoài những ca khúc được học ở trường, em và các bạn sinh hoạt ở nhà thiếu nhi cũng thích hát nhạc ngoại thuộc thể loại ca khúc thiếu nhi. Em mong sẽ có nhiều hơn các ca khúc phù hợp với lứa tuổi của em.

Yên Hà (ghi)