Thứ sáu, 26/8/2016, 16h28

Thiếu sáng tác cho thiếu nhi

Từ nhiều năm qua, lĩnh vực văn học nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc thiếu hụt trầm trọng những ca khúc mới, chất lượng dành cho thiếu nhi. Các em chỉ được nghe, hát những ca khúc ra đời từ những năm 1980 và một số ít các ca khúc cũ được làm mới lại bằng cách hòa âm phối khí khác đi, nhịp nhanh hơn, thêm phần hát bè. Trong khi đó, các gameshow dành cho thiếu nhi với phần dàn dựng và cách chọn bài hát lại làm mất đi sự trong trẻo, hồn nhiên của lứa tuổi này.
Trống vắng
Đứng trước tình hình hoạt động sáng tác âm nhạc thiếu nhi eo sèo, hiếm hoi những sân chơi âm nhạc mang tính đặc trưng dành riêng cho trẻ thơ, nhạc sĩ Vy Nhật Tảo, Trưởng ban Thiếu nhi Hội Âm nhạc TPHCM, trăn trở: “Tình hình âm nhạc thiếu nhi TP và cả nước hiện rất chán. Hôm trước, chúng tôi có buổi làm việc với Ban Tuyên giáo Thành ủy, tôi đã đặt ra vấn đề với mong muốn phải có sự quan tâm nhiều hơn cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật, sáng tạo, sáng tác tác phẩm cho thiếu nhi trong thời gian tới. Trước đây, chỉ có đài VTV và HTV thôi mà tối nào cũng có chương trình Những bông hoa nhỏ từ 19 giờ đến 19 giờ 30, còn bây giờ chúng ta có nhiều kênh truyền hình, nhưng lại không có chương trình nào dành cho thiếu nhi vào giờ đẹp nhất. Chưa kể, các gameshow sử dụng ca sĩ nhí quá nhí nhố, cộng thêm ảnh hưởng từ công nghệ: hát nhép và tệ hơn nữa là hát nhái (lấy hẳn sản phẩm của người khác, hát nhái theo)…".

Các sân chơi âm nhạc thiếu nhi luôn “khát” ca khúc mới

Nhiều năm qua, cùng với nhiều lĩnh vực văn hóa nghệ thuật khác, các sáng tác âm nhạc dành cho trẻ thơ ngày càng thưa dần. Tại các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn văn nghệ thiếu nhi, những ca khúc cũ luôn được trình diễn lặp đi lặp lại đến nhàm, dù các đơn vị tham gia đã cố gắng làm mới những tác phẩm cũ, nhưng sự trình diễn dày đặc một số ca khúc quá quen thuộc với các em khiến nhiều cuộc thi, liên hoan giảm dần sức cuốn hút với con trẻ.
Chính vì lực lượng sáng tạo, sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật dành cho trẻ em hiếm hoi, đã dần tạo nên một khoảng trống tác phẩm thiếu nhi. Thực tế, cuộc sống hiện đại hiện có nhiều loại hình giải trí mang tính công nghệ như internet, trò chơi điện tử, phim ảnh… Đặc biệt, âm nhạc các nước du nhập ào ạt vào Việt Nam, có sức thu hút người trẻ mãnh liệt. Từ đó, cộng với việc thiếu trầm trọng những sáng tác mới, phù hợp với thời đại… đã kéo các em ngày một xa dần với văn hóa, nghệ thuật nước nhà.
Đẩy mạnh sáng tác
Trước tình hình đó, Hội Âm nhạc TPHCM đã đưa ra đề án xây dựng kế hoạch đẩy mạnh phong trào sáng tác âm nhạc thiếu nhi, tổ chức các chuyến đi thực tế sáng tác cho hội viên, đặt hàng những nhạc sĩ tên tuổi chuyên viết cho thiếu nhi và những nhạc sĩ trẻ gắn bó với phong trào thiếu nhi để có những sáng tác mới dành cho các em. Và theo lộ trình, đến năm 2017, hội sẽ thành lập CLB Thiếu nhi, chuyên tổ chức biểu diễn ca hát, trình diễn nhạc cụ, tuyên truyền và quảng bá các sáng tác mới.
Nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Âm nhạc TPHCM, cho biết: “Hiện nay, các gameshow, chương trình giải trí, mạng xã hội đang lấn át hoạt động văn hóa nghệ thuật thiếu nhi. Tuy vẫn có những tác phẩm mới dành cho thiếu nhi nhưng còn hạn chế. Mặt khác, những bài hát cũ thể hiện quan điểm thẩm mỹ, tư tưởng, tâm sinh lý không phù hợp với thiếu nhi ngày nay. Trước thực trạng đó, năm 2015, hội đã tổ chức chuyến đi thử nghiệm thực tế sáng tác tại Long An, có 25 ca khúc thiếu nhi và tuổi hồng ra đời. Sau khi thẩm định và dàn dựng xong, hội phối hợp với Đài TNND TPHCM thực hiện lên sóng phát thanh vào tháng 9-2016, với hình thức chuyên đề ca khúc thiếu nhi, giới thiệu tác phẩm, tác giả và biểu diễn ca khúc mới. Riêng với chuyến thực tế sáng tác năm nay, hội đã đặt hàng các nhạc sĩ viết 30 tác phẩm cho thiếu nhi và tuổi trẻ học đường (có hỗ trợ về kinh phí bồi dưỡng sáng tác, thực hiện đĩa audio, hòa âm phối khí…)”. Theo kế hoạch, hoạt động của CLB Thiếu nhi được duy trì bằng các chương trình biểu diễn phục vụ tại nhiều địa điểm, trong đó có Sân khấu Sen Hồng - công viên 23-9, Nhà Thiếu nhi TPHCM, các nhà thiếu nhi 24 quận huyện…
Nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật TPHCM, nhận định: “Chúng ta cần phải quan tâm đến lứa tuổi học đường - lứa tuổi có nhiều phát triển trong suy nghĩ, thay đổi về tâm tư, tình cảm, tâm lý. Phải làm sao dùng âm nhạc như liều thuốc bổ dưỡng cho trí tuệ, thể xác, tâm hồn các em. Lâu nay, văn học nghệ thuật tuy có gắn bó nhưng chưa nhiều, chưa phổ biến trong giới học đường. Sự đoàn kết, mối liên kết, phối hợp giữa liên hiệp, các hội âm nhạc, văn học… với Sở GD-ĐT, các trường còn thiếu. Mặt khác, tác phẩm âm nhạc lâu nay đều thiên về tình yêu, mang tính giải trí nhiều quá, mà tình yêu là tình yêu riêng tư, đơn phương, còn tình yêu đối với thầy cô, quê hương, đất nước, Tổ quốc lại vắng bóng trong các tác phẩm. Người sáng tác cho thiếu nhi cần có nhiều tác phẩm phục vụ đối tượng đặc biệt này”.
Bước đi đầu tiên là đầu tư sáng tác ca khúc đã được thực hiện, nhưng quan trọng nhất vẫn là việc quảng bá và đưa các ca khúc mới đến gần với trẻ thơ, tuổi trẻ học đường, thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, các đài phát thanh, đài truyền hình. Hơn tất cả, giới sáng tác, phụ huynh và các em nhỏ mong muốn mỗi đài truyền hình có một giờ phát sóng “vàng” (lúc 19 giờ) dành cho các em, dù chỉ khoảng 15-20 phút, vào một tối trong tuần, giống như chương trình Những bông hoa nhỏ ngày xưa.

THÚY BÌNH (SGGP)