Thứ ba, 7/1/2014, 21h01

Thơ cho ta gặp một nỗi niềm

Cách đây 5 năm tôi đọc tập Trường ca thành phố hoa mặt trời, 3 năm sau đọc tập thơ Hoa nguyệt quế của nhà thơ Trúc Chi. Bây giờ đọc tập thơ Tứ tuyệt chầm chậm giêng về của nhà thơ mới vừa ra mắt bạn đọc (ảnh). Một khoảng cách thời gian thơ Trúc Chi là một bước mới, một bắt kịp cảm xúc đời sống. Nếu trước đây, thơ anh đi về phía diễn đạt sự kiện bằng tư duy, bằng hàm súc trí tuệ thì Tứ tuyệt chầm chậm giêng về nhà thơ rung động từ hồn và cảm. Hồn và cảm phát sáng của trái tim. Hồn và cảm có từ đời sống nhà thơ, vốn sống của nhà thơ. Nếu trước đây thơ phô, thơ diễn, thơ trình bày bằng khúc bằng chương của nhà thơ thì bây giờ Tứ tuyệt chầm chậm giêng về bài thơ như đúc, câu thơ như tạc, ý thơ như đọng ở thể tứ tuyệt một cách hoàn mỹ.
Chỉ có tứ tuyệt của thơ mới làm cho thơ như đóa hoa tỏa hương, mới làm cho thơ như đốm than hừng lửa. Ở Tứ tuyệt chầm chậm giêng về Trúc Chi tỏ ra có một lợi thế câu thơ ít lời, ý thơ kiệm chữ, tình thơ như giọt sáng của hạt mưa. Nhà thơ nói về bà, viên cuội theo bà: “Ngày cháu lớn về sông đã thành bãi/ Viên cuội theo bà nằm khuất phía xanh”. Nhà thơ nói về em, em là ngọn lửa trong anh: “Có lúc tắt niềm tin vụt dậy/ Em là ngọn lửa nhỏ trong anh”. Nếu chỉ có tứ tuyệt ít lời kiệm chữ nhưng câu không đổi, vần không thay để làm bất ngờ cảm xúc người đọc ở sự ngắn dài của câu, ở dạng 5 chữ, 7 chữ, 10 chữ, có khi 2 hay 3 chữ thì tứ tuyệt hạn chế tác dụng về thẩm mỹ. Tứ tuyệt chầm chậm giêng về Trúc Chi tinh tế và chắc tay về nghệ thuật dùng trường độ, về nghệ thuật đoản cú để làm tứ tuyệt phong phú, đa dạng, ít mà đầy, ngắn mà sâu như ở bài Hoa đại đêm: “Hoa đại quỳ đêm/ Tinh khiết trắng/ Nồng nàn hồng thắm/ Rạng đông em”. Cái ngắn của câu, chữ ít của lời mà làm cho người đọc như bất ngờ khám phá và bất ngờ gặp một điều gì đó ở tứ tuyệt.
Thơ làm cho người đọc gặp nỗi niềm chính đó là cái lợi hại của thơ, cái phẩm chất của thơ mà Tứ tuyệt chầm chậm giêng về, tập thơ thứ tám của nhà thơ Trúc Chi một phần đã thể hiện được.
Sách do NXB Thời đại ấn hành.
Vương Anh
(TBT Tạp chí VHNT Lam Kinh - Thanh Hóa)