Thứ ba, 18/4/2017, 15h54

Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị chuyển đổi thể chế

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 17-4 tuyên bố chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 16-4 cho phép chuyển đổi Thổ Nhĩ Kỳ từ thể chế nghị viện sang tổng thống và bãi bỏ văn phòng thủ tướng. Tỷ lệ nói “có” đạt 51,5% với khoảng 90% phiếu được kiểm.

Kết quả tranh cãi

Theo Reuters, các khu vực ở phía Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có đa số người Kurd sinh sống và 3 thành phố lớn nhất của nước này bao gồm cả thủ đô Ankara và thành phố lớn nhất Istanbul bỏ phiếu “không”. Phát biểu trước đám đông ủng hộ tại thủ đô Ankara, ông Erdogan nói: “Lần đầu tiên trong lịch sử của nước Cộng hòa, chúng ta đang thay đổi hệ thống cai trị của chúng ta thông qua nền chính trị dân sự”. Những thay đổi này có hiệu lực sau cuộc bầu cử tiếp theo vào năm 2019, theo đó tổng thống sẽ chỉ định nội các và một số phó tổng thống. Ngoài ra, tổng thống cũng có thể lựa chọn và cách chức các quan chức cấp cao mà không cần sự chấp thuận của quốc hội.

Những người ủng hộ Tổng thống Erdogan vui mừng trước trụ sở của AKP tại Istanbul

Tuy nhiên, các đảng phái đối lập chính, trong đó có đảng Nhân dân Cộng hòa (CHIP) đặt vấn đề tính hợp pháp của cuộc trưng cầu dân ý. Họ cho biết sẽ yêu cầu tái kiểm phiếu. Ủy ban bầu cử lúc đầu không định kiểm các phiếu không có đóng dấu đã bầu nhưng sau đó đổi ý, kiểm cả những phiếu này và cho rằng miễn là phiếu không được mang từ bên ngoài vào. CHIP cho rằng đây là cơ sở của gian lận khi có tới gần 40% số phiếu không có đánh dấu đã bầu.
Tại một số khu phố giàu có ở Istanbul, người dân đã xuống đường phản đối kết quả trưng cầu dân ý. Tại khu vực Besiktas của Istanbul, hơn 300 người biểu tình dùng xe phong tỏa đường phố. Trong khi đó, hàng ngàn người ủng hộ đảng Công lý và phát triển (AKP) của Tổng thống Erdogan cũng đã xuống đường ăn mừng. Những người ủng hộ cho rằng, việc tăng quyền cho tổng thống nhằm tránh các bế tắc sau các cuộc bầu cử nhưng không thể thành lập chính phủ vì không đảng nào chiếm đa số. Ngoài ra, theo họ, tăng quyền cho tổng thống trong tình hình Thổ Nhĩ Kỳ cần tập trung cuộc chiến chống khủng bố và ly khai là điều cần thiết.
Theo Ủy ban bầu cử, kết quả chính thức sẽ được công bố trong vòng 10 ngày sau ngày bỏ phiếu (16-4) và mọi khiếu nại sẽ được xem xét giải quyết.

Phản ứng quốc tế

Các chính trị gia châu Âu, những người có quan hệ ngày càng căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ, bày tỏ mối quan ngại. Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành của Liên minh châu Âu (EU), cho biết, kết quả sít sao này có nghĩa là Ankara nên tìm kiếm thêm sự đồng thuận trước khi tiến hành các thay đổi.
Trong khi đó, một số nước đã chúc mừng kết quả của cuộc trưng cầu dân ý trong đó có Nga, Kazakstan và nhiều nước Arab. Hiện chưa có phản ứng từ Mỹ. Quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ căng thẳng trong thời kỳ Tổng thống Barack Obama về việc Mỹ ủng hộ người Kurd ở Syria trong khi Thổ Nhĩ Kỳ xem người Kurd là mối đe dọa của chủ nghĩa ly khai. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc giáo sĩ Fethullah Gulen, sống lưu vong tại Mỹ, là chủ mưu vụ đảo chính hụt năm 2016; đồng thời yêu cầu Washington dẫn độ. Nhưng quan hệ hai bên đã cải thiện sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đến Thổ Nhĩ Kỳ cuối tháng 3 và Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố hoan nghênh cuộc không kích của Mỹ vào Syria.

Các nhà quan sát quốc tế ngày 17-4 ra phán quyết cho rằng cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi của Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra “không công bằng”. Theo đó, chiến dịch vận động bỏ phiếu thuận thống trị truyền thông, các cử tri đã không được cung cấp đầy đủ thông tin. Tiếng nói phản đối đã bị bóp nghẹt và các quy tắc bỏ phiếu được thay đổi vào phút cuối cùng. Báo cáo của các giám sát viên kết luận sơ bộ rằng khung pháp lý vẫn chưa đủ để tổ chức một cuộc trưng cầu dân chủ thực sự.

KHÁNH MINH (SGGP)