Thứ năm, 25/1/2018, 22h50

Thời của gameshow ẩm thực

Thời gian gần đây, gameshow ẩm thực đang nhận được sự quan tâm của nhiều khán giả. Sự xuất hiện của “món ăn” lạ vị này đã phát huy nét đẹp văn hóa dân tộc, tôn vinh món ngon Việt Nam và vinh danh những đầu bếp tài năng.

Gameshow Cuộc chiến mỹ vị được khán giả trẻ yêu thích. Ảnh: S.VÀNG

“Chiếm sóng” truyền hình

Giữa nhiều gameshow giải trí, gameshow ẩm thực lớn, nhỏ đã và đang diễn ra trên khắp đất nước luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đầu bếp chuyên nghiệp và cả đầu bếp tương lai đã tạo nên bức tranh ẩm thực Việt Nam muôn sắc màu. Vua đầu bếp Việt Nam (Masterchef Vietnam), Thiên đường ẩm thực, Chiếc Thìa Vàng, Chuẩn cơm mẹ nấu, Bếp cười cùng sao, Cuộc chiến mỹ vị... là những gameshow ẩm thực thu hút sự chú ý của khán giả. Trong đó, Masterchef Vietnam thật sự trở thành gameshow truyền hình thực tế được nhiều “tín đồ” ẩm thực và khán giả cả nước đón nhận. Khi show truyền hình thực tế Masterchef ra mắt phiên bản Việt với tên gọi Vua đầu bếp vào năm 2013, khán giả Việt Nam mới chính thức làm quen và chú ý tới một mảng chủ đề khá hấp dẫn, đang thu hút ngày một đông đảo khán giả đó là các show truyền hình thi nấu ăn.

Đến với Masterchef, các thí sinh yêu thích ẩm thực sẽ có cơ hội giới thiệu tới khán giả, Ban giám khảo những món ăn sở trường của mình, đôi khi do chính họ sáng tạo nên. Đồng thời, do quy tụ thí sinh từ khắp mọi nơi, Masterchef cũng là cơ hội để khán giả hiểu biết thêm về văn hóa ẩm thực mỗi vùng miền và mỗi quốc gia trên thế giới.

Việt Nam là nơi đa dạng món ngon, chứa đựng nét văn hóa độc đáo, thấm sâu vào tâm hồn, cốt cách người Việt. Nắm bắt nhu cầu đó, nhà sản xuất đã đẩy mạnh khai thác các gameshow về ẩm thực. Thông qua chương trình, người xem sẽ có cơ hội trải nghiệm, học hỏi và khám phá thêm những nét mới lạ, độc đáo về ẩm thực Việt Nam và cập nhật cho mình những kiến thức bổ ích trong việc chọn lựa thực phẩm, cũng như chế biến các món ăn có lợi cho sức khỏe bản thân và gia đình.

Đổi “món ăn” cho khán giả

Trên thế giới, các show truyền hình thi tài nấu nướng luôn nằm trong top đầu các chương trình có tỷ suất người xem cao nhất. Hiện nay, thị trường giải trí với hàng loạt gameshow ồn ào, scandal luôn là “chiêu trò” được các đơn vị tổ chức sử dụng để đạt được mục đích mà họ mong muốn. Nhiều nghệ sĩ khi tham gia gameshow cũng thích dùng “chiêu trò” để tạo nên sự bất ngờ, đồng thời hâm nóng tên tuổi nên dễ tạo sự nhàm chán cho khán giả. Những gameshow về ẩm thực như làn gió mới, đổi “món ăn” cho khán giả.

Ẩm thực không chỉ là ngành tiêu dùng mà đó còn chính là hồn thiêng sông núi, giúp bảo tồn, phát triển văn hóa Việt, là cái nôi chuyên chở tất cả hồn Việt từ bao đời. Một tín hiệu đáng mừng khi gameshow ẩm thực không chỉ dành cho người lớn tham gia mà các thí sinh nhí cũng có cơ hội được thể hiện tài nấu nướng của mình. Năm 2013, gameshow Khi trẻ vào bếp - sân chơi ẩm thực dành cho thiếu nhi chính thức ra mắt tại Việt Nam và đã nhận về những phản hồi tích cực. Đây là chương trình đầu tiên về dạy trẻ nấu ăn dành cho lứa tuổi từ 8-10 của Việt Nam sản xuất. Nối tiếp sau đó là sự ra đời của gameshow Vua đầu bếp nhí.

Hiện nay, thị trường giải trí với hàng loạt gameshow ồn ào, scandal luôn là “chiêu trò” được các đơn vị tổ chức sử dụng để đạt được mục đích mà họ mong muốn. Nhiều nghệ sĩ khi tham gia gameshow cũng thích dùng “chiêu trò” để tạo nên sự bất ngờ, đồng thời hâm nóng tên tuổi nên dễ tạo sự nhàm chán cho khán giả. Những gameshow về ẩm thực như làn gió mới, đổi “món ăn” cho khán giả. 

Nhiều nhà sản xuất rất chịu đầu tư khi mời các chuyên gia ẩm thực gốc Việt nổi tiếng trên thế giới về Việt Nam để tham gia chương trình, đồng hành cùng các thí sinh. Jack Lee - đầu bếp gốc Việt từng phục vụ cho các gia đình hoàng gia, các chính khách, tỷ phú và nhiều ngôi sao Hollywood cũng bày tỏ sự thích thú, hào hứng khi tham gia các chương trình ẩm thực trên truyền hình Việt Nam, như: Chuẩn cơm mẹ nấu (VTV3), Thiên đường ẩm thực (HTV7), Món ăn với ngôi sao (Yan TV), Vua đầu bếp nhí 2016…

Rất nhiều gameshow ẩm thực đã thể hiện được hình ảnh văn hóa và phong tục tập quán cũng như con người Việt Nam trong mỗi khung hình của chương trình. Không những thế, chương trình còn là cầu nối giữa ẩm thực Việt Nam và thế giới.

Số lượng gameshow ẩm thực dường như đang có xu hướng tăng lên. Tháng 1-2018, gameshow Đấu trường ẩm thực cũng chính thức ra mắt khán giả. Chương trình khai thác tối đa sự duyên dáng của các nghệ sĩ và đầu bếp, cùng với sự linh hoạt của các giám khảo để tạo ra những khoảnh khắc có giá trị giải trí cao, đồng thời, song song đó cũng tôn vinh các đầu bếp, và giới thiệu các món ăn mới lạ, hấp dẫn, hứa hẹn sẽ thu hút khán giả khi lên sóng vào năm 2018.

Vẫn còn quá sớm để nói về sức sống của những gameshow ẩm thực tại Việt Nam hiện nay. Dù vẫn còn nhiều “hạt sạn” trong một số chương trình, tuy nhiên, sự nỗ lực của những nhà sản xuất để mang đến những chương trình giải trí thiết thực, ý nghĩa thật đáng ghi nhận.

Yên Hà