Thứ hai, 17/5/2010, 09h05

Thủ đoạn bán vé máy bay giả

Gần đây liên tiếp xảy ra những vụ lừa đảo mua vé trực tuyến trên mạng bằng thẻ tín dụng ăn cắp rồi bán lại cho khách với giá rẻ. Nhiều hành khách bị mắc lừa mua phải vé máy bay giả, tiền mất, không thể bay được.

Thủ đoạn
Cách đây không lâu, một đại lý bán vé máy bay tại Q.1, TP.HCM đã bị hành khách khiếu nại tới cơ quan chức năng vì đã bán 14 vé máy bay giả. Đại lý này thực ra đã "mắc bẫy" những kẻ lừa đảo trên mạng. Ban đầu, chúng cử người đến đại lý, nói rằng sẽ cung cấp vé máy bay với giá rẻ hơn giá chính hãng, vì ở Mỹ có thể mua được vé với giá rẻ hơn. Thủ đoạn của những kẻ này là tạo lòng tin cho các đại lý bằng cách chịu lỗ mua những vé thật và giao cho đại lý, để khách đi trót lọt xong mới lấy tiền. Lúc đầu, đại lý được chào hàng cẩn trọng, gọi điện thoại đến hãng hàng không để kiểm tra và được xác nhận là vé thật, rồi mới chuyển tiền sớm vào tài khoản theo yêu cầu của chúng. Những lần sau đó, chúng cung cấp toàn là vé giả, trong khi tiền mua vé đã được chuyển vào tài khoản.
Nhu cầu đi lại bằng máy bay ngày một tăng, là cơ hội để bọn lừa đảo bán vé giả ra tay - Ảnh: Diệp Đức Minh
Các vụ lừa đảo như vậy gần đây liên tiếp xảy ra, nhất là khi các hãng hàng không như Vietnam Airlines (VNA), Jetstar Pacific Airlines, Cathay Pacific... đều có hình thức bán vé qua mạng. Để có thể mua được vé máy bay trực tuyến qua mạng, hành khách cần có thẻ tín dụng như Visa, Master, Dinner Club hay American Express. Sau khi giao dịch qua mạng thành công, ngân hàng phát hành thẻ tín dụng sẽ gửi thông báo chi tiết các giao dịch trong tháng tới chủ thẻ và yêu cầu thanh toán. Thời gian từ khi giao dịch thực hiện thành công cho đến khi chủ thẻ thanh toán tiền thường là 1 tháng. Thanh toán chậm chính là điều cốt lõi cho các đối tượng lừa đảo lợi dụng.
Các loại tội phạm qua mạng thường lợi dụng sự chủ quan của khách hàng để ăn cắp thông tin thẻ, cần cảnh giác khi nhận được các
e-mail yêu cầu điền thông tin cá nhân mà không rõ xuất xứ. Khách hàng cũng không nên lưu các thông tin cá nhân và thẻ tín dụng trên máy tính cá nhân, đề phòng kẻ gian cài các phần mềm gián điệp hoặc nguy cơ lộ thông tin ra bên ngoài. Chỉ nên thực hiện mua hàng qua mạng ở các trang web thương mại điện tử có uy tín, xuất xứ rõ ràng và có chế độ bảo mật tốt.
Bằng những cách thức khác nhau, những kẻ lừa đảo đã lấy cắp mã số thẻ tín dụng của những chủ thẻ. Sau đó, chúng dùng các thẻ đánh cắp này để mua vé máy bay hoặc các sản phẩm, dịch vụ được bán trực tuyến trên mạng. Đối với vé máy bay, chúng thường chọn "khách hàng" là những đại lý mới (ít kinh nghiệm) và không phải là đại lý được các hãng hàng không ủy quyền. Tại VN, có rất nhiều đại lý bán vé máy bay, song không phải tất cả đều là những đại lý được ủy quyền. Những đại lý này sẽ giúp chúng giao dịch với hành khách, lấy thông tin về họ tên, lộ trình cụ thể của chuyến bay, rồi cung cấp cho chúng qua Yahoo, MSN chat hoặc e-mail. Sau khi có thông tin, chúng dùng những thẻ tín dụng ăn cắp để mua vé qua mạng. Vé sẽ được gửi qua e-mail cho đại lý, sau đó đại lý sẽ giao vé cho khách và thu tiền mặt. Đại lý được chúng cung cấp số tài khoản tại một ngân hàng ở VN để thanh toán các giao dịch và đại lý sẽ nộp tiền vào tài khoản đó sau khi nhận vé.
Thiệt hại
Đại diện của hãng Cathay Pacific cho biết, lý do đại lý và hành khách dễ bị mắc lừa là vì vé thường được bán với giá rẻ hơn giá chính hãng từ 20% trở lên. Một vé máy bay từ VN đi Mỹ được bọn chúng bán với giá 950 USD, trong khi giá chính hãng vào khoảng 1.200 - 1.700 USD. Đại lý thanh toán tiền vé còn thấp hơn, như trường hợp bị lừa đảo nói trên, chỉ phải thanh toán từ 700 - 800 USD, nên lợi nhuận từ vé này là rất cao. Lý do "hấp dẫn" nữa là lộ trình bay của khách cũng luôn được đáp ứng, kể cả mùa cao điểm như Tết Nguyên đán, vì bọn chúng sẵn sàng mua những vé hạng đắt tiền như hạng thương gia và bán với giá của hạng thông thường.
Đối với trường hợp mua vé thật từ thẻ tín dụng bị đánh cắp, thì một trong ba bên là chủ thẻ, ngân hàng và hãng hàng không sẽ bị mất tiền. Bởi vì những thẻ tín dụng này thường dùng để mua vé trước giờ khởi hành chỉ vài ngày, để chắc chắn là chủ thẻ vẫn chưa nhận được bản sao kê giao dịch. Khi hành khách đã đi máy bay xong, chủ thẻ mới biết và từ chối giao dịch với ngân hàng. Khi đó, chủ thẻ, ngân hàng và hãng hàng không phải làm rất nhiều thủ tục để chứng minh, tìm hiểu và tùy theo quy định của từng ngân hàng, một trong ba bên sẽ bị thiệt hại.
Sau khi các thẻ tín dụng đánh cắp bị phát hiện và ngân hàng từ chối lưu hành những thẻ này, bọn chúng sẽ làm một cú chót là giao vé giả cho các đại lý, thu tiền rồi... biến mất. Tài khoản ngân hàng, điện thoại, chat, e-mail đều đóng. Các đại lý sẽ rơi vào tình trạng dở khóc khi hành khách không bay được quay lại đòi tiền, trong khi tiền thì đã trả cho bọn lừa đảo.
Đại diện của hãng hàng không Jetstar Pacific cho biết hãng đã từng bị thiệt hại khoảng 1 tỉ đồng do kẻ lừa đảo mua vé bằng thẻ tín dụng đánh cắp. Hiện nay, hầu hết các ngân hàng đều yêu cầu chủ thẻ đăng ký thanh toán online trước khi thực hiện thanh toán qua mạng. Điều này nhằm giúp các ngân hàng quản lý tốt việc thanh toán trực tuyến đồng thời hỗ trợ công tác bảo mật cho khách hàng.
Các đại lý bán vé máy bay của Jetstar Pacific hiện nay đều được cấp tài khoản giao dịch riêng của hệ thống bán vé (không phải tài khoản qua thẻ tín dụng), trong trường hợp khách hàng mua vé qua các điểm bán vé lợi dụng danh nghĩa đại lý được ủy quyền nếu có nghi ngờ liên quan đến thanh toán, có thể liên lạc đến số điện thoại 19001550 hoặc 08.39550550 để được hỗ trợ kiểm tra.
VNA cũng khuyến cáo, để tránh mua phải vé giả, hành khách nên liên hệ các phòng vé và đại lý chính thức của hãng trên toàn quốc, qua tổng đài: 08.38 320 320; website: www.vietnamairlines.com. Hiện VNA có 2 kênh bán vé là: Kênh bán trực tiếp qua web (B2C), phân phối trực tiếp sản phẩm của VNA đến khách hàng và thanh toán trực tuyến. Khách hàng có thể tự đặt chỗ và mua vé, thanh toán qua trang web của VNA (www.vietnamair.com.vn); Kênh bán qua đại lý web (B2B), phân phối sản phẩm của VNA qua hệ thống các đại lý bán web. Các đại lý được tạo lập một số đăng ký (user) dùng làm kết nối trực tuyến với trang web của VNA để đặt chỗ và bán vé cho khách.
 Mai Vọng / Thanh Niên