Thứ hai, 13/4/2009, 09h04

Thủ khoa ĐH Ngoại thương 2008: Tích cực... thi thử

Với số điểm 27.5, Nguyễn Thị Thùy Dung đã trở thành thủ khoa kỳ thi đại học năm 2008 khối D1, Trường ĐH Ngoại thương. Đặc biệt, Dung đã đạt điểm tối đa môn Toán: 10 điểm, và 8.5 điểm Văn, 8.75 điểm Anh.  Một trong những bí quyết của cô thủ khoa này là tích cực tham gia các cuộc thi thử đại học. 
Môn Toán: Nắm vững kiến thức cơ bản
Nguyễn Thị Thùy Dung đạt điểm tuyệt đối môn Toán trong kỳ thi ĐH 2008. Ảnh: Nguyễn Yến
Đối với đa số thí sinh thi khối D thì môn Toán là môn khó học nhất, nhưng Dung đã giành được số điểm tuyệt đối: 10 điểm trong kì thi Đại học 2008.
Bí quyết của Dung là nên nắm vững các kiến thức cơ bản để làm tốt một số câu dễ ăn điểm: tích phân, khảo sát hàm số…
Còn đối với những dạng bài phức tạp, một kinh nghiệm mà Dung rút ra là: “câu khó chính là câu tổng hợp của những kiến thức cơ bản”, chỉ cần tinh ý dùng một số phép biến đổi là có thể chuyển từ bài phức tạp thành bài dạng cơ bản. Vì vậy, trước khi làm bài phải bình tĩnh, quan sát kỹ đề bài để nhìn ra mối liên hệ với các dạng bài cơ bản đã làm.
Ngoài ra, khả năng tính toán nhanh, chính xác và trình bày khoa học cũng là những kỹ năng hết sức quan trọng để người chấm dễ theo dõi và không bị bỏ sót ý. Khi làm bài, phải chia thành các bước rõ ràng bằng các dấu “*”, dấu khoanh tròn, khi làm phải luôn nhớ phần điều kiện, kết luận bài.
Môn Văn: Học bài kỹ, luyện viết nhanh
Dung cho rằng: một bài văn hay không chỉ là đủ ý, quan trọng hơn bài văn ấy phải có cảm xúc, tình cảm và ngôn ngữ của người viết.  Bài văn cần phải có lập luận sắc bén, dẫn chứng cụ thể, có khả năng thuyết phục được người đọc.
Trước hết, phải học thuộc các dẫn chứng, các bài thơ, nắm vững hệ thống ý của mỗi bài, đặt các tác phẩm trong giai đoạn văn học cụ thể và liên hệ với cuộc đời, sự nghiệp, phong cách sáng tác của các tác giả.
Bên cạnh đó, phải liên hệ với các tác giả, tác phẩm khác, học thuộc những dẫn chứng mở rộng, những nhận định của các nhà phê bình văn học để bài viết sinh động và thuyết phục hơn.
Dung thường tự đặt ra đề bài cho mình và làm nghiêm túc trong đúng thời gian 3 tiếng giống như khi thi thực sự.
Một bài thi môn Văn thường dài khoảng 3 tờ giấy thi, do đó cần phải rèn luyện khả năng viết nhanh: 13-15 phút/mặt giấy. Tuy nhiên, bố cục bài văn vẫn phải đảm bảo rõ ràng, diễn đạt gãy gọn, thoát ý, chữ viết sạch đẹp.
Một lưu ý nữa là: trước khi làm bài thì, phải phân bố thời gian hợp lý đối với từng câu hỏi, không nên mất quá nhiều thời gian vào một câu nào đó vì rất dễ rơi vào tình trạng “đầu voi đuôi chuột”.
Môn Tiếng Anh: Tích lũy nhiều kiến thức
Hai năm liền tham gia kỳ thi quốc gia môn Tiếng Anh, nên đây được coi là môn “đinh” của Dung. Theo Dung, học tiếng Anh cần phải luyện tập thường xuyên, mỗi ngày dành ra khoảng 30-60 phút để thực hành.
Ngoài ra, cần phải làm nhiều bài tập để nắm vững các kiến thức cơ bản và các dạng bài. Đối với các bài tập về ngữ âm, phải nắm chắc các quy luật. Đối với những bài tập về từ vựng, phải đọc sách nhiều, thực hành nhiều, với mỗi từ phải đặt vào trong văn cảnh, cụm từ cụ thể để biết được từ đó hay đi kèm với giới từ nào, thuộc loại từ nào, từ đó có thể nhớ lâu và hiểu sâu về từ đó.
Khi làm bài phải quan sát cẩn thận, không nên đánh mất điểm ở những câu đơn giản. Chú ý các tín hiệu, cụm từ chỉ thời gian để xác định xem câu đó diễn tả hành động xảy ra ở thì nào, từ đó có cách chia động từ cho phù hợp.
Còn đối với các dạng bài đọc hiểu, thường có rất nhiều từ mới chưa biết, thì mình chỉ nên nắm nội dung chính, sau đó đoán từ để trả lời các câu hỏi ở phần sau.
Một “bí quyết” quan trọng giúp Dung tránh khỏi bế tắc khi gặp những câu quá khó trong đề thi là sử dụng phương pháp loại trừ. Khi chưa biết được đáp án nào là chính xác, thì sẽ dùng cách loại bỏ những đáp án biết chắc là sai, đáp án còn lại sẽ là đáp án đúng. Với dạng đề thi trắc nghiệm thì đây là một phương pháp vô cùng quan trọng và hiệu quả.
Tích cực... thi thử
Với Dung, bài thi muốn đạt được điểm cao phải có phương pháp làm hợp lý. Kiến thức nhiều người có thể tích lũy được như nhau, nhưng áp dụng vào bài làm như thế nào để được điểm cao thì tùy thuộc vào cách bố cục, trình bày của mỗi người.
Dung thường luyện kỹ năng ở các dạng bài cụ thể, sau đó tổng hợp thành cách làm bài chung cho các dạng đề. Vì vậy, trước khi làm bài, chỉ cần xác định bài tập đó thuộc dạng đề nào, rồi hình dung ra các bước để giải quyết bài tập đó.
Ngoài ra, tích cực tham gia các kỳ thi thử đại học ở trường cũng như ở những nơi khác.
Tuy nhiên, nếu điểm thấp thì cũng không nên quá buồn. Vì thời gian của các cuộc thi thử thường vào khoảng tháng 3, tháng 4. Khi đó, có thể mình vẫn chưa chuẩn bị tốt lượng kiến thức cần thiết, hoặc có thể do mình quá hồi hộp, lo lắng mà chưa thể hiện hết khả năng. Do đó, 3 tháng cuối trước khi thi chính thức sẽ là thời gian quan trọng để mình chuẩn bị kỹ càng về mặt kiến thức và tâm lý.
Nguyễn Yến (Vietnamnet)