Thứ ba, 12/12/2017, 21h01

Thu phí xe ô tô lưu thông TP: Có chắc hạn chế được ùn tắc

Ngày 12-12, Ủy ban MTTQVN TP.HCM đã tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo dự án “Thu phí xe ô tô lưu thông TP để hạn chế ùn tắc giao thông”. Dự án do UBND TP.HCM làm chủ đầu tư, dự kiến triển khai trong giai đoạn 2020-2035.

Dự kiến TP.HCM sẽ thu phí ô tô lưu thông trong trung tâm TP để giảm ùn tắc giao thông. Ảnh: N.Tr

Việc xây dựng dự án thu phí nhằm giảm ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, thúc đẩy người dân sử dụng vận tải hành khách công cộng, giảm ô nhiễm môi trường, bổ sung ngân sách bảo trì đường bộ TP. Mức thu dự kiến trung bình 40 ngàn đồng/lượt ô tô.

Dự án sẽ triển khai hệ thống thu phí trên một vành đai khép kín của khu vực trung tâm TP và một số trục giao thông chính bên ngoài thông qua 36 cổng thu, sử dụng công nghệ nhận diện vô tuyến kết hợp tự động nhận dạng biến số. Theo đó, phương án 1 sẽ áp dụng thu phí tất cả các xe ô tô lưu thông vào trung tâm TP trong khoảng từ 6h đến 19h. Phương án 2, thu các xe ô tô đi vào trung tâm trong giờ cao điểm  từ 6h-9h và 16h-19h. Ở cả 2 phương án các xe ô tô đăng ký tại TP.HCM được khấu trừ khoản phí bảo trì đường bộ đã đóng nhằm tránh phí chồng phí. Nguồn phí thu được sẽ bổ sung vào quỹ bảo trì đường bộ, phát triển vận tải hành khách công cộng.

Tại hội nghị, ông Đồng Văn Khiêm - Ủy viên Ủy ban MTTQVN  TP.HCM - đánh giá cao dự án vì có nhiều ý tưởng mới nhằm mục đích giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên ông Khiêm cho rằng, có nhiều nguyên nhân gây ùn tắc, trong đó có cả ý thức tham gia giao thông của người dân chứ không hẳn do các phương tiện vì thế trước khi đưa dự án đi vào thực hiện cần cân nhắc kỹ về mặt đồng thuận của người nhân. Mặt khác, dự án chưa nêu ra được cụ thể số lượng các loại xe lưu thông hàng ngày vào giờ cao điểm là bao nhiêu. Trong khi đó, đây là cơ sở để phân tích, đánh giá đưa ra giải pháp. Việc thu phí sẽ kéo theo gia tăng các mặt hàng hóa nhưng dự án chưa tính đến, dễ gây ra bất đồng của người dân. Hoặc ngay quận 1, quận 3 là nơi tập trung nhiều xe cơ quan hành chính, nếu thu sẽ khó tránh được phản ứng.

Ông Hà Ngọc Trường - Phó Chủ tịch Hội cầu đường TP.HCM - cũng cho rằng, để đảm bảo tính khả thi, dự án cần nêu rõ các cơ sở pháp lý, đảm bảo tính đồng bộ với các giải pháp khác trong kế hoạch giảm ùn tắc giao thông của TP. Đặc biệt dự án phải tăng cường phát triển vận tải hành khách công cộng vì liên quan đến nhiều loại xe. Riêng đối với phí sau khi đã thu thì phải công khai minh bạch trong việc sử dụng để tránh gây bất đồng trong nhân dân.

Một trong những mục tiêu của dự án là giảm ùn tắc, hướng người dân sử dụng vận tải hành khách công cộng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Lê Minh - Ủy viên Ủy ban MTTQVN TP - nhấn mạnh, 76% người dân tại TP.HCM mưu sinh bằng phương tiện cá nhân thì rất khó để khuyến khích họ đi xe buýt. Đây cũng là hạn chế của dự án vì chưa nghiên cứu đến mặt đời sống nhân dân. Dự án không chỉ nghiên cứu thêm về mặt xã hội học mà phải nghiên cứu, phân loại, quy định rõ các loại xe vào TP như taxi, xe buýt, du lịch của nước ngoài, xe tải...; những loại xe nào được lưu thông trong TP, chỉ lưu thông đường vành đai... Từ đó mới đưa ra được phương thức thu và mức thu phù hợp.

Ghi nhận các ý kiến của đại biểu, ông Võ Khánh Hưng - Phó Giám đốc Sở GT-VT TP.HCM - cho biết, sẽ đưa các ý kiến này vào dự án để tham mưu lên UBND TP. Mọi giải pháp, việc làm sẽ được nói rõ và không né tránh.

Ông Võ Thành Lưu - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM - cũng cho biết, các ý kiến này sẽ được xem xét để có những điều chỉnh, kiến nghị giúp dự án đi vào thực hiện phù hợp, hiệu quả.

Ngọc Trinh