Chủ nhật, 8/11/2015, 08h44

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển: Không giảm bớt thời lượng của giáo dục lịch sử

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển. Ảnh: I.T

Trước ý kiến của các nhà sử học về tích hợp môn lịch sử (LS) trong môn giáo dục công dân với Tổ quốc (GDCDVTQ), Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, quan điểm của bộ là tiếp thu những gì hợp lý.

PV: Vậy theo ông, những ý kiến của chuyên gia vừa qua có hợp lý không?

Tôi nghĩ là vấn đề chưa được trao đổi kỹ. Đúng là đề xuất của Ban Xây dựng chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) tổng thể có khác với ý kiến của các chuyên gia và giáo viên LS. Tuy nhiên về tầm quan trọng của GDLS và yêu cầu cần bắt buộc HS phổ thông học môn này thì đã được thống nhất. Chúng tôi khẳng định trong CTGDPT mới môn LS được học bắt buộc từ tiểu học đến THPT. Ở tiểu học và THCS, LS được học ở môn tìm hiểu xã hội và môn khoa học xã hội; đến THPT tất cả học sinh bắt buộc phải học môn công dân với Tổ quốc trong đó có môn LS với thời lượng mỗi tuần 1 tiết, mỗi lớp 35 tiết/năm.

Ngoài ra ở cấp học này, tất cả những HS có ý định đi vào các ngành KHTN và công nghệ - kỹ thuật sau THPT đều bắt buộc phải học LS trong môn khoa học xã hội; còn lại, tất cả những HS theo định hướng nghề nghiệp sẽ làm việc trực tiếp hoặc liên quan đến lĩnh vực LS sẽ học môn LS (với yêu cầu cao hơn). Như thế vấn đề còn lại chỉ là ở cấp THPT môn LS có tách thành môn học riêng hay tích hợp với môn GDCD và quốc phòng - an ninh (QP-AN) thành môn GDCDVTQ? Theo dự thảo, LS ở THPT được tích hợp trong môn GDCDVTQ dựa trên cơ sở sau:

Thứ nhất, tích hợp và tái cấu trúc các môn học nhằm “tinh giản, tránh chồng chéo nội dung giáo dục, giảm hợp lý số môn học…” là yêu cầu của Nghị quyết 88-QH13. Việc tích hợp các môn học này cũng nhằm thực hiện yêu cầu Nghị quyết 29 của TW lần thứ 8: “Xây dựng và chuẩn hóa nội dung GDPT theo hướng hiện đại, tinh gọn, bảo đảm chất lượng; chủ trương tích hợp và phân hóa, giảm số môn học bắt buộc; tăng môn học, chủ đề và hoạt động giáo dục tự chọn”.

Theo các yêu cầu trên, nhiều nội dung về giáo dục QP-AN nêu trong Luật GD quốc phòng - an ninh như: “Bảo đảm cho học sinh có những hiểu biết ban đầu về nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; về truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, của lực lượng vũ trang nhân dân và nghệ thuật quân sự Việt Nam” cũng là nội dung của các môn LS, ngữ văn, đạo đức - công dân, địa lý, thể dục - thể thao và hoạt động trải nghiệm… trừ một số nội dung mang tính thực hành như kỹ thuật, chiến thuật, kỹ thật phòng thủ dân sự… Như thế nhiều nội dung GDQP-AN cần được và có thể tích hợp với GDLS, GDCD (và ngược lại) để tránh được sự chồng chéo, trùng lặp, đồng thời tạo thuận lợi cho giáo viên, học sinh có nhiều cơ hội vận dụng tổng hợp các nội dung giáo dục theo tinh thần tích hợp nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục.

Giờ học môn lịch sử với cô giáo Trần Thị Hà (giảng dạy môn sử trên 30 năm) tại Trường THPT Nguyễn An Ninh (TP.HCM). Ảnh: A.Khôi

Thứ hai, đặt các nội dung của 3 phân môn này trong một môn sẽ có tác dụng bổ sung, hỗ trợ và làm sáng tỏ cho nhau khi cùng hướng đến một mục tiêu chung là: Tập trung trang bị các tri thức quan trọng, cần thiết nhất với học sinh cấp THPT, khi ra trường tròn 18 tuổi, trở thành công dân Việt Nam với những giá trị truyền thống dân tộc, quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Đây là các nội dung tiếp nối, nâng cao những tri thức phổ thông nền tảng về CD, LS và QP-AN đã được hoàn thành ở giai đoạn GD cơ bản.

Chúng tôi cho rằng, điều quan trọng là các nội dung GDLS vẫn được coi trọng, còn nó có tách riêng ra hay không thì cần nhìn nhận theo tinh thần và yêu cầu mới, đặt trong tổng thể toàn bộ CT. Nếu nói không có tên là làm mất hoặc thủ tiêu môn học này, thì các môn lý, hóa, sinh tích hợp trong môn khoa học tự nhiên và địa lý trong khoa học xã hội… cũng bị thủ tiêu ư? Vì trong dự thảo CT mới, chúng cũng không còn là môn học có tên riêng nữa. Các môn học lý, hóa, sinh, địa lý, tin học, công nghệ… đều rất quan trọng nhưng cũng chỉ là môn học tự chọn ở cấp THPT; còn LS, QP-AN và GDCD do yêu cầu GD tư tưởng, chính trị đã thành môn học bắt buộc cùng với 3 môn công cụ khác là toán, tiếng Việt và ngoại ngữ 1.

Ai cũng đồng tình GDLS luôn quan trọng, luôn là cốt lõi; không ai coi thường GDLS nhưng lại có cách tiếp cận và hiểu biết khác nhau về việc này. Quan điểm của bộ là không có môn nào không quan trọng. Các môn học đã đưa vào nhà trường thì đều là quan trọng, còn mức độ như thế nào phụ thuộc vào tính chất mỗi môn học, cấp học và năng khiếu, định hướng nghề nghiệp… của từng học sinh. Lâu nay các hội thảo liên quan đến LS hay tập trung chứng minh LS là quan trọng. Trong khi đó, không có văn bản nào khẳng định LS không quan trọng. Điều còn vướng mắc hiện nay là môn sử đứng độc lập hay không và còn nhiều người đồng nhất giữa GDLS, khoa học LS và môn học LS.

Bộ sẽ giải quyết thế nào về vấn đề này, thưa ông?

Bộ sẽ xem xét các góp ý, trao đổi thêm, những gì hợp lý thì tiếp thu, xử lý trong mối quan hệ tổng thể với các môn học khác, đảm bảo yêu cầu đổi mới để nâng cao chất lượng và hiệu quả GD.

Nếu bộ thấy hợp lý, môn LS sẽ được đặt riêng (như ông nói ở trên) thì  cấu trúc tổng thể các môn học ở THPT có bị phá không, có làm khó cho bộ không, thưa ông?

Nếu thật sự hợp lý trong toàn bộ chương trình thì tách nhưng vấn đề là ở chỗ nếu tách riêng các môn độc lập thì có nhiều nội dung phải lặp lại ở cả môn LS, môn GDCD và môn QP-AN vì môn nào cũng phải bảo đảm tính lôgic, toàn diện; mặt khác nhiều kiến thức liên quan nhưng khó có điều kiện hỗ trợ, soi sáng lẫn nhau vì được học trong những môn khác nhau, ở những thời điểm khác nhau. Các môn học khác cũng có những vấn đề tương tự. Cần phải sắp xếp lại nội dung các môn học là vì thế. 

Xin cảm ơn ông!

Nghiêm Huê