Thứ năm, 12/10/2017, 23h08

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Cương quyết di dân khỏi vùng nguy hiểm

Trước diễn biến mưa lũ phức tạp, ngày 12-10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã v Ninh Bình chỉ đạo ứng phó với ngập lụt, bảo vệ an toàn đê điều.

Th tưng Chính ph Nguyn Xuân Phúc ch đo công tác phòng chng mưa lũ ti Ninh Bình sáng 12-10. Ảnh: VGP

Theo đó, Thủ tướng đã đi thị sát đập tràn Lạc Khoái (xã Gia Lạc, huyện Gia Viễn), đi ca nô trên sông Hoàng Long để thị sát tinh hình lũ. Sau đó đã có cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Bình tại nhà vận hành đập tràn Lạc Khoái.

Tại cuộc làm việc, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình cho biết, năm nay, mực nước sông dâng cao đến 5,53 m, cao nhất trong hơn 30 năm qua. Tối 11-10, tỉnh đã tiến hành di dân (tại một số xã thuộc huyện Nho Quan và Gia Viễn với tổng số hơn 3000 hộ dân và trên 200.000 người), xử lý các điểm sạt lở. Nếu mực nước sông lên 10 cm thì sẽ tiến hành phương án xả lũ.

Thủ tướng đánh giá cao tinh thần chủ động của tỉnh Ninh Bình trong việc hạn chế thiệt hại, chỉ đạo di dân, chủ động phương án phân lũ, theo dõi sát tình hình, có căn cứ khoa học chưa phá đê xả lũ khi mực nước đã dâng trên 5,50 m. Đến nay, phương án này được xem là sáng suốt, giảm thiểu thiệt hại cho người dân. 

Cho rằng nguy cơ mưa lớn vẫn còn khi áp thấp nhiệt đới có khả năng thành bão, cùng với gió mùa Đông Bắc tràn về, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục theo dõi sát tình hình thời tiết, trực ban 24/24, thành lập ban chỉ huy ngay tại đập tràn, tổng kiểm tra, gia cố hệ thống đê điều - hiện đã no nước, có nguy cơ thẩm thấu. Đây là điều rất quan trọng khi mà “nước dâng 5-10 cm nữa là rất nguy hiểm”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh tinh thần cương quyết di dân khỏi vùng nguy hiểm, tiến hành cưỡng chế di dời khi cần thiết.

* Cùng ngày, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cùng lãnh đạo TP.Hà Nội đã đi kiểm tra tình hình ứng phó với mưa lũ tại huyện Chương Mỹ.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trên địa bàn huyện Chương Mỹ đã có mưa lớn, nước sông Bùi tại Yên Duyệt lên mức 7,14 m (trên báo động 3 là 0,14m). Mưa lớn đã làm ngập khoảng 92ha lúa mùa; diện tích thủy sản bị ngập khoảng 125ha; làm chết hàng trăm gia súc, gần 10.000 con gia cầm. Đặc biệt, có 9.900m đê bị ngập…

Trước tình hình đó, chính quyền cơ sở đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng quân đội, công an kịp thời di dời 618 hộ với 5.558 nhân khẩu đến nơi an toàn. Hiện nay, các lực lượng ứng trực tại hiện trường vẫn duy trì quân số 100%, bảo đảm an ninh trật tự, hướng dẫn, hỗ trợ người dân di dời đến nơi an toàn.

Tin mới nhất từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, áp thấp nhiệt đới đang di chuyển nhanh và có thể mạnh lên thành bão. Sáng 13-10 bão sẽ đi vào Biển Đông với sức gió giật cấp 10.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền huyện Chương Mỹ, các xã trong vùng ngập lụt và các cơ quan thành phố đã tập trung mọi sức lực để khắc phục thiệt hại do mưa lũ, bảo đảm an toàn cho  nhân dân.

Lưu ý tình hình mưa lũ còn tiếp tục diễn biến phức tạp, đồng chí Hoàng Trung Hải chỉ đạo, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương bám sát dự báo thời tiết để có biện pháp ứng phó kịp thời. Đồng thời, địa phương cần thực hiện khẩn cấp các biện pháp khắc phục sự cố đê ở xã Hoàng Văn Thụ.

“Các cấp, các ngành phải bám sát chặt chẽ tình hình dân cư, huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, nắm chắc tình hình sức khoẻ, cung cấp nước sạch cho người dân. Các cơ quan chức năng thành phố tập trung mọi biện pháp để bơm rút nước, đồng thời khi nước rút đến đâu phải chăm lo ngay việc phòng, chống dịch bệnh cho người và gia súc, gia cầm đến đấy”, Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ đạo.

* Cùng với Hà Nội, Ninh Bình, nhiều địa phương khác như Thanh Hóa, Nghệ An, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Quảng Trị... đang tích cực khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra. Đợt mưa lũ này đã khiến hơn 60 người chết, mất tích và bị thương...

Nhóm PV