Thứ bảy, 15/10/2016, 20h25

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chung tay hạn chế tái nghèo

Sáng 15-10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành Tổng kết công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2015 và triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.

Sau khi được đi học nghề và vay vốn giảm nghèo của TP, anh Huỳnh Văn Chánh (ấp Trung Việt, Phước Hiệp, Củ Chi) không chỉ thoát nghèo mà còn trở thành nông dân giỏi. Ảnh: Q.Huy

Hộ nghèo cả nước giảm gần 10%

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm từ 14,2% (năm 2010) xuống còn 4,25% (năm 2015), bình quân giảm 2%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 58,33% (năm 2010) xuống còn 28% (năm 2015), bình quân giảm trên 6%/năm, đạt mục tiêu kế hoạch Quốc hội đề ra. Đáng chú ý, thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước tăng lên 1,6 lần so với cuối năm 2011 (riêng các hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi tăng gấp 2,5 lần).

Đặc biệt, đã bố trí khoảng 66.875 tỷ đồng để mua thẻ BHYT cho người nghèo, người dân tộc thiểu số; trên 38.757 tỷ đồng thực hiện chính sách miễn, giảm học phí, trợ cấp học bổng, qua đó mỗi năm có trên 2 triệu lượt học sinh nghèo được hỗ trợ; khoảng 2.660 tỷ đồng thực hiện các chính sách về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt; khoảng 4.230 tỷ đồng để thực hiện công tác đào tạo nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động; trên 2.000 tỷ đồng hỗ trợ 531.000 hộ nghèo xóa nhà tạm và 700 hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà phòng tránh lũ…

Tại TP.HCM, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu cho biết, từ năm 1992 đến cuối năm 2015, chương trình giảm nghèo của TP đã hỗ trợ cho hơn 150.000 hộ nghèo vượt mức chuẩn nghèo bình quân thu nhập 16 triệu đồng/người/năm (khoảng 8% tổng hộ dân TP), góp phần giảm dần chênh lệch về mức sống giữa các nhóm dân cư trong xã hội của TP.

Mặc dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, kết quả giảm nghèo chưa bền vững; các chính sách giảm nghèo chưa khuyến khích người nghèo tích cực vươn lên  thoát nghèo. Qua đó, các đại biểu đề nghị cần giảm dần chính sách cho không; tăng chính sách hỗ trợ cho vay, có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn và thời hạn thụ hưởng nhằm khuyến khích sự tích cực, chủ động vươn lên của người nghèo.

Thoát nghèo cần phải bền vững

Giai đoạn 2016-2020, Ban Chỉ đạo TW về giảm nghèo bền vững đưa ra những chỉ tiêu phấn đấu như giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1-1,5%/năm; riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm; hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3-4%/năm; bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước cuối năm 2020 tăng lên 1,5 lần so với cuối năm 2015, riêng hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn, hộ nghèo dân tộc thiểu số tăng gấp 2 lần...

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Công tác xóa đói, giảm nghèo luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, nhằm đảm bảo tiến bộ công bằng xã hội, chăm lo đời sống nhân dân”.

Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế, thách thức phải vượt qua trong công tác giảm nghèo, đó là: tỷ lệ tái nghèo còn cao, đặc biệt cả nước có đến 41 huyện nghèo với tỷ lệ hộ nghèo trên 50%; thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 mức thu nhập chung của cả nước. Bên cạnh đó, nhiều chủ trương về chính sách giảm nghèo triển khai chưa tốt, chưa sáng tạo để thực hiện hiệu quả; hạ tầng, dân trí nhiều nơi vùng sâu, vùng xa còn khó khăn…

Phát động phong trào thi đua: “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, Thủ tướng yêu cầu: Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia phải làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng tâm, hiệp lực toàn xã hội về chương trình thoát nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. “Tuyên truyền để cả xã hội vì người nghèo và quan tâm đến người nghèo; tinh thần tự thân, tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo; lao động sáng tạo, cần cù để giảm nghèo, vươn lên làm giàu, thực hiện phong trào giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các địa phương”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật và nguồn lực cho xóa đói giảm nghèo; công tác giảm nghèo phải triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, trong đó tập trung thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản.

Lê Quang Huy