Thứ tư, 10/5/2017, 15h39

Thủ tướng sắp gặp gỡ, đối thoại hàng nghìn doanh nghiệp

Ngày 17/5 tới, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) sẽ diễn ra Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017 với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp”.

Hội nghị sẽ đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 35. Các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp hiến kế, kiến nghị; các bộ, ngành, địa phương trao đổi, thảo luận với doanh nghiệp để giải quyết các vướng mắc, kiến nghị. Thủ tướng Chính phủ sẽ kết luận hội nghị. Sau hội nghị, Thủ tướng có chỉ thị cụ thể để các cơ quan nhà nước thực hiện.

Tham dự hội nghị qua hình thức trực tuyến có lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố cùng các đại biểu doanh nghiệp, với số lượng 50-100 người mỗi điểm cầu. Ngay sau hội nghị, trong cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ sẽ họp với các bộ, ngành, cơ quan để xem xét, xử lý kiến nghị của doanh nghiệp; Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và VCCI đồng chủ trì họp báo về Hội nghị.

Đây là lần thứ 2 Thủ tướng Chính phủ đối thoại với doanh nghiệp. Được biết, từ sau hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp lần thứ nhất tổ chức vào năm 2016, số doanh nghiệp thành lập mới đã đạt mức kỷ lục.

Được biết, hàng loạt doanh nghiệp đã có những kiến nghị gửi tới Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017.

Trong số những kiến nghị này, Công ty CP Tập đoàn CEO cho rằng, một số quy định về thủ tục mua bán nhà ở xã hội theo Nghị định số 100 chưa phù hợp với thực tế, gây khó khăn cho chủ đầu tư và người mua nhà. Cụ thể, đối với người mua nhà, từ ngày 10/12/2015, áp dụng quy định tại Điều 22 Nghị định 100, người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp khi mua nhà ở xã hội phải có giấy xác nhận của cơ quan, nơi làm việc về đối tượng và thực trạng nhà ở. Thực tế, người mua nhà gặp khó khăn khi đi xin xác nhận vì các tổ chức này không nắm được thực trạng hoặc không muốn. Đề nghị sửa đổi đổi đối tượng xác nhận là UBND xã, phường nơi cư trú.

Bên cạnh đó, đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội: theo quy định, để bán nhà ở xã hội, chủ đầu tư phải thực hiện qua nhiều bước, khâu…, với mỗi đợt mở bán mất tối thiểu 60 ngày để chỉ tiếp nhận được hồ sơ mua nhà của khách hàng. Thời gian này là quá lâu, đề nghị sửa đổi rút ngắn thời gian thông báo và nhận hồ sơ đăng ký mua, thuê nhà ở xã hội, quy định rõ thời hạn sở xây dựng phải đăng tải thông tin trên website.

Ngoài ra, ngân hàng chính sách xã hội đã có văn bản số 2526 hướng dẫn nghiệp vụ cho vay ưu đãi nhưng đến nay các ngân hàng xã hội vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về thủ tục, điều kiện vay mua nhà ở xã hội, một số ngân hàng trả lời hiện tại chưa có nguồn vốn cho vay.

Còn Tổng Cty Xây dựng Trường Sơn (Bộ Quốc Phòng), nguồn vốn cho vay các doanh nghiệp đang gặp khó khăn: các ngân hàng có xu hướng thắt chặt tín dụng, định mức cho vay giảm sút, do cân đối thực trạng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, Cty CP đầu tư Xây dựng HUD 4 bày tỏ, do lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng đang ở mức cao, trong khi đó, việc tiếp cận vốn vay còn nhiều khó khăn, thủ tục cho vay rườm rà, thời gian kéo dài, Vì vậy, cần có chính sách ưu đãi hỗ trợ, giảm trừ thuế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp ổn định đầu tư, phát triển trong thời kỳ khó khăn hiện nay. Các tổ chức tín dụng tiếp tục hạ lãi suất cho vay, có chính sách hỗ trợ, ưu đãi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp cận vốn. Đảm bảo quyền kinh doanh, quyền bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp.

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp thành lập mới cả nước năm 2016 đạt 110.000 doanh nghiệp, cao nhất từ trước tới nay, tăng 16,2% so với năm 2015. Những vùng có tốc độ tăng doanh nghiệp thành lập mới cao so với cả nước trong năm 2016 gồm: Trung du và miền núi phía bắc tăng, Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ...

Ngọc Mai/ TPO