Thứ năm, 27/4/2017, 22h03

Thực hiện 4 đề tài cấp quốc gia về chữ viết của các dân tộc thiểu số

Theo chinhphu.vn, Bộ Khoa học và Công nghệ vừa phê duyệt danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đối với 4 đề tài thuộc cụm đề tài “Những vấn đề cấp bách để bảo tồn và phát huy vai trò, bản sắc ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, góp phần phát triển bền vững đất nước thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” để tuyển chọn thực hiện trong kế hoạch năm 2017. Theo đó, đề tài 1 là: Nghiên cứu xác định thành phần ngôn ngữ các dân tộc thiểu số trong mối quan hệ với vấn đề xác định thành phần dân tộc. Định hướng mục tiêu là làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn trong việc xác định thành phần ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam trong mối quan hệ với vấn đề xác định thành phần dân tộc; nhận diện những ngôn ngữ dân tộc ở Việt Nam cần xác định lại thành phần trong mối quan hệ với vấn đề xác định thành phần dân tộc… Đề tài 2: Hoạt động truyền thông bằng ngôn ngữ dân tộc thiểu số của Việt Nam. Định hướng mục tiêu là nhận diện chính xác ưu điểm, nhược điểm của việc sử dụng ngôn ngữ dân tộc thiểu số trong truyền thông ở Việt Nam thời gian qua, nhu cầu sử dụng và yêu cầu nâng cao hiệu quả sử dụng ngôn ngữ dân tộc thiểu số trong truyền thông hiện nay, góp phần nâng cao chất lượng thông tin - tuyên truyền và hoạt động văn hóa để phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số... Đề tài 3: Vấn đề chữ viết của các dân tộc thiểu số. Định hướng mục tiêu là đánh giá thực trạng sử dụng, cải tiến và xây dựng chữ viết ngôn ngữ dân tộc thiểu số, đặc biệt là việc lựa chọn phương án sử dụng kiểu chữ viết đối với những ngôn ngữ có nhiều kiểu chữ viết khác nhau trong những năm vừa qua ở Việt Nam... Đề tài 4: Nghiên cứu chính sách và giải pháp bảo tồn những ngôn ngữ dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một. Định hướng mục tiêu là đánh giá thực trạng, chỉ rõ nguyên nhân, xác định danh sách những ngôn ngữ dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một ở Việt Nam hiện nay. Đề xuất những kiến nghị cụ thể về chính sách, biện pháp bảo tồn các ngôn ngữ có nguy cơ mai một nhằm bảo vệ quyền của các dân tộc đối với ngôn ngữ, bảo đảm sự đa dạng ngôn ngữ - tộc người trong quốc gia đa dân tộc, đa ngôn ngữ, đa văn hóa, góp phần phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

T.Châu