Thứ bảy, 26/12/2015, 22h24

Thực hiện Thông tư 32, nhiều trường sẽ lúng túng

Giữa tháng 12-2015 Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư số 32 về xác định chỉ tiêu tuyển sinh thay thế Thông tư 57 trước đó. Thông tư này có một số thay đổi ảnh hưởng trực tiếp đến việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh và quy mô đào tạo của các trường ĐH.

PGS.TS Lê Hữu Lập 

Trao đổi với Giáo dục TP.HCM, PGS.TS Lê Hữu Lập - Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông - nhìn nhận: Khi nói đến Thông tư 32, cần nói đến bối cảnh ra đời của nó. Thứ nhất, từ hiện trạng giáo dục ĐH trong thời gian qua, việc mở ồ ạt các trường ĐH mới đã đẩy quy mô đào tạo tăng đột biến. Quy mô tăng trong khi chất lượng đào tạo tại các trường mới mở, trường mới nâng cấp còn yếu vì cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên cơ hữu có trình độ cao rất thiếu. Nhưng với các trường này, để tồn tại, phải mở rộng quy mô. Với những trường tự chủ về kinh phí thì quy mô phải đạt đến mức độ nhất định mới đủ kinh phí cho đào tạo.

Thứ hai, trước 2011, quản lý chỉ tiêu tuyển sinh khá lỏng lẻo và theo chế độ cấp phát, dưới xin, trên duyệt. Sau 2011 với Thông tư 57 công tác quản lý chặt chẽ hơn. Bộ GD-ĐT quản lý chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên 2 tiêu chí là diện tích sàn và số lượng giảng viên quy đổi. Từ đó đến nay, không còn chế độ xin cho, các trường tự xác định chỉ tiêu và chịu trách nhiệm. Nhưng cả nước có gần 500 trường ĐH, Bộ GD-ĐT không thể kiểm tra hết nên vẫn còn “điểm mờ”. Hơn nữa hai tiêu chí đó chưa hẳn đã đủ đảm bảo chất lượng đào tạo nói chung. Đứng về phía quản lý, theo tôi, bằng một thông tư không giải quyết được hết vấn đề. Nhưng dẫu sao Thông tư 57 ra đời là một điều tốt, buộc hiệu trưởng các trường phải chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, đào tạo là một quá trình, Thông tư 57 ra đời trong lúc số lượng đào tạo ĐH hàng năm tốt nghiệp ra trường lớn hơn nhiều so với nhu cầu nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội. Đào tạo của các trường phát triển theo hướng tự phát không có định hướng về ngành nghề, lĩnh vực chung của Nhà nước. Nhiều trường mới ra đời đều tập trung mở các ngành kinh tế, do việc đầu tư mở ngành đào tạo này đỡ tốn kém trong khi đó lĩnh vực công nghệ kỹ thuật rất ít trường mới mở, vì vậy dẫn đến sự lệch lạc, chỗ thừa chỗ thiếu.

Thứ ba, một số trường ĐH tuyển hệ CĐ rất nhiều chỉ tiêu, Bộ GD-ĐT không có sự quản lý cụ thể chỉ tiêu từng bậc học. Điều này làm cho các trường CĐ khó khăn trong tuyển sinh.

Những yếu tố trên dẫn đến tình trạng sinh viên ra trường thì nhiều, chất lượng không đảm bảo. Lao động ĐH thất nghiệp là đương nhiên. Nên mới có tình trạng sinh viên tốt nghiệp ĐH phải giấu bằng để làm công nhân.

PV: Vậy Thông tư 32 của Bộ GD-ĐT đã giải quyết được vấn đề gì, thưa ông?

PGS.TS Lê Hữu Lập: Thứ nhất, so với Thông tư 57 thì Thông tư 32 điều chỉnh việc quy đổi giảng viên theo hướng đề cao các giảng viên có học hàm học vị cao, và giảm mức quy đổi đối với giảng viên chỉ có trình độ ĐH. Điều đặc biệt là số lượng giảng viên quy đổi cho riêng từng khối ngành đào tạo. Nghĩa là nếu trường có nhiều giảng viên về kinh tế thì sẽ có nhiều chỉ tiêu đào tạo về kinh tế, nhiều giảng viên về khoa học kỹ thuật thì sẽ được đào tạo nhiều chỉ tiêu về đào tạo các ngành khoa học kỹ thuật (không tính chung cho toàn trường như trước đây). Tỷ lệ giảng viên quy đổi/sinh viên một số khối ngành cao hơn so với quy định trước đây.

Thứ hai, về cơ sở vật chất của các trường cần phải tăng cường. Diện tích các giảng đường, phòng thí nghiệm, thực hành, thư viện… trước là 1 sinh viên/2m sàn thì giờ là 1 sinh viên/2,5m sàn.

Thứ ba: Các trường ĐH đào tạo CĐ cần phải có lộ trình giảm chỉ tiêu đào tạo để kết thúc sứ mệnh đào tạo vào năm 2020.

Ba điều trên cho thấy thông tư kỳ vọng là các trường sẽ nâng cao được chất lượng đào tạo.

Thứ tư là tổng quy mô. Tùy theo khối ngành thì quy mô đào tạo của các trường cao nhất không vượt quá 15.000 sinh viên. Đây là vấn đề nhiều trường ĐH băn khoăn. Tuy nhiên khi mà quy mô đào tạo chung cả nước cung vượt quá cầu thì đây là việc làm bắt buộc. Tôi nghĩ tiêu chí này có vẻ hơi cứng nhắc. Vì hiện nay có nhiều trường có quy mô đào tạo đã trên rất xa 15.000 sinh viên và năng lực đào tạo vẫn đảm bảo. Đặc biệt là các trường ĐH công lập do Nhà nước đầu tư, xác định định biên giảng viên, đầu tư cơ sở vật chất nên không có chuyện các trường công lập giảng viên bị giảm biên chế và theo thông tư thì những trường này bắt buộc phải báo cáo Bộ GD-ĐT để có quyết định riêng. Theo tôi nên có một hướng khác, đó là việc phân tầng xếp hạng các trường ĐH. Những trường đảm bảo chất lượng đào tạo tốt hơn (xếp hạng cao hơn, và đảm bảo các tiêu chí của thông tư) được đào tạo với quy mô lớn hơn và ngược lại. Sẽ tránh quay lại tình trạng: Xin cho cấp phát.

Câu chuyện cuối cùng vẫn là giảm quy mô. Giảm quy mô để nâng chất lượng. Vì trước đây bố trí các lớp 50-60 sinh viên bây giờ chỉ 20-30 sinh viên/lớp. Như vậy giảng viên không thiếu giờ và họ còn có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Như thế chất lượng sẽ tăng lên. Nguyên nhân chất lượng đào tạo ĐH của chúng ta kém là do cơ sở vật chất thiếu, sinh viên đông, thiếu giảng viên trình độ cao.

Theo lộ trình, các trường ĐH phải dừng hoàn toàn đào tạo CĐ trước năm 2020. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?

Đây là câu chuyện xuất phát từ thực tế. Nếu các trường ĐH có đào tạo CĐ, chắc chắn người học sẽ lựa chọn các trường này vì vừa có “tiếng” lại thuận lợi cho việc liên thông. Như vậy việc tuyển sinh của các trường CĐ rất khó khăn.

Điều ông chưa thực sự hài lòng ở thông tư này?

Thông tư ra có lẽ hơi chậm so với yêu cầu của thực tế. Chính vì vậy, nhiều trường khi thực hiện sẽ lúng túng. Khi quy mô đào tạo của họ đã quá lớn so với quy định thì việc xử lý các bước tiếp theo cũng phải có thời gian và lộ trình.

Xin cảm ơn ông!

Nghiêm Huê