Thứ bảy, 2/1/2016, 20h32

Thực phẩm bẩn trà trộn ra chợ

Những ngày cận Tết Nguyên đán, nhu cầu mua nguyên liệu, thực phẩm chế biến tăng, đây cũng là cơ hội cho thực phẩm bẩn trà trộn ra thị trường.

Hàng khô bán tại chợ Bình Tây

Theo Ban quản lý chợ Bình Tây, địa chỉ cung cấp thực phẩm Tết lớn nhất nhì TP.HCM, ngay từ đầu tháng 12-2015, thực phẩm chế biến đã nhập về chợ với số lượng lớn phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân. Ghi nhận tại các ki-ốt, cửa hàng, thực phẩm chế biến, khô các loại phong phú, tuy nhiên tại đây cũng xuất hiện nhiều sản phẩm nhái thương hiệu, hoặc lập lờ tên tuổi trên bao bì của các thương hiệu có uy tín.

Kiểm tra là phát hiện vi phạm

Theo ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, kết quả của các đợt kiểm tra cho thấy thực phẩm bẩn chủ yếu phát hiện tại các cơ sở chế biến quy mô hộ gia đình, cá thể. Trong đó, rất nhiều cơ sở không có giấy phép kinh doanh và chế biến thực phẩm hoặc có nhưng đã hết hạn, thậm chí đã ngưng hoạt động từ nhiều năm nay. Thường các cơ sở này chỉ hoạt động vào mùa Tết, tập trung nhiều nhất là thực phẩm chế biến sẵn như giò chả, nem chua, lạp xưởng, khô các loại. Đến hẹn lại lên, thực phẩm trôi nổi lại trà trộn ra thị trường. Thực tế hàng năm, kiểm tra là phát hiện vi phạm. Trong đó, không thể không lo lắng về các loại thực phẩm như gà đông lạnh, giò chả… đã hết hạn sử dụng nhưng có dấu hiệu đóng gói, vô bao bì lại. Một số khác sẽ bán trực tiếp đến các cửa hàng thức ăn nhanh, quán cơm hoặc tái chế, đóng gói mới mà người tiêu dùng không tài nào phát hiện.

Các cơ sở chuyên làm kiệu, hành chua, dưa món… cũng đang vào mùa làm ăn, tuy nhiên đây cũng là những địa chỉ vi phạm nghiêm trọng quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Nguy hiểm hơn, một số cơ sở chế biến giò chả sử dụng nguồn thực phẩm trôi nổi, cụ thể là thịt quá hạn sử dụng, thịt thối, sử dụng hàm lượng cao chất phụ gia, hóa chất xử lý mùi…

Mặt hàng khô các loại, lạp xưởng, mắm cá… cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ chứa và phát tán mầm bệnh. Những ngày này, lượng hàng là khô cá, khô mực, mắm các loại cũng ồ ạt về chợ, trong đó nhiều nhất là các sản phẩm khô nổi tiếng miền Tây. Nhìn bề ngoài khá bắt mắt nhưng nguồn gốc nguyên liệu, quy trình chế biến, bảo quản thế nào thì chỉ có cơ sở chế biến mới biết. Đó cũng là nguyên nhân mà chuyên gia y tế cảnh báo người tiêu dùng trong việc lựa chọn sản phẩm có uy tín.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Hòa, Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Triều An cảnh báo: Nguồn nguyên liệu có sạch đến đâu nhưng quy trình chế biến, bảo quản không đúng cách sẽ sinh sôi vi khuẩn, là nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm, dịch tả… mà nếu chủ quan, không cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.

Ông Nguyễn Văn Hùng, tiểu thương sạp hàng khô chợ Bình Tây cho biết trong nhiều năm nay, hàng cung cấp sỉ và lẻ cho khách hàng vào dịp Tết là hàng lấy từ các cơ sở chế biến có uy tín hàng chục năm ở An Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng… Thương hiệu này được người Việt ở nước ngoài tin tưởng và đặt hàng hàng năm, nhiều nhất là khô lóc, khô trèn, lạp xưởng tung lò mò (đặc sản của người Chăm - An Giang - PV)… Ông Hùng khẳng định, thời điểm này, thực phẩm bẩn không xuất xứ rõ ràng có cơ hội trà trộn. Ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, qua kiểm tra thực phẩm Tết, đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh và chế biến thực phẩm vi phạm nghiêm trọng quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó tập trung mặt hàng thực phẩm chế biến sẵn.

Cảnh giác thực phẩm bẩn

Trong các loại thực phẩm chế biến sẵn, giò chả là thực phẩm có sử dụng hóa chất và chất phụ gia với hàm lượng cao. Kỹ sư hóa Nguyễn Hoàng Thắng (TP.HCM), cho biết không chỉ sử dụng hóa chất để bảo quản lâu, tạo độ giòn, dai của giò chả mà người chế biến còn sử dụng hóa chất để làm vô hiệu hóa kết quả lấy mẫu thử nhanh của cơ quan chức năng. Ông Thắng cho biết hiện nay, việc tìm ra được chất cấm này vô cùng phức tạp, phải mất một thời gian dài. Theo ông Thắng, măng khô, măng tươi, táo Tàu… những loại nguyên liệu phục vụ chế biến thức ăn trong ba ngày Tết cũng có nguy cơ nhiễm hóa chất cao để ngâm tẩm, bảo quản mà người tiêu dùng cũng cần cảnh giác. Để đảm bảo an toàn sức khỏe trong ba ngày Tết, người tiêu dùng cũng cần cảnh giác với những “lò” cung cấp thực phẩm được quảng cáo là “gia truyền” nhưng chỉ xuất hiện trong những ngày cận Tết, không tên tuổi hoặc lập lờ với các thương hiệu uy tín. Nguy hiểm hơn, một số nơi còn “treo đầu dê bán thịt chó”.

Dịp này, trên thị trường cũng đã xuất hiện khô nai, khô bò, khô trâu… mà chính người bán cũng tù mù về nguồn gốc. “Có cơ sở sau khi bị kiểm tra đã khai đi thu mua hàng trôi nổi ngoài chợ với số lượng lớn rồi đóng gói, vô bao bì cho… dễ bán rồi tung ra thị trường”, một thành viên đoàn kiểm tra liên ngành thuộc Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết.

Bài, ảnh: Trần Anh