Thứ ba, 25/1/2011, 21h01

Thực phẩm Tết: Coi chừng mua phải hàng kém chất lượng

Thùng ngâm “mứt” Tết của một cơ sở sản xuất mứt
Như là một thói quen, cứ gần đến Tết là người tiêu dùng lại “vác” tiền đi mua sắm. Nào là bánh kẹo, hạt dưa, giò chả, lạp xưởng, cái gì cũng muốn mua thật nhiều. Nắm được tâm lý của người dân, những kẻ làm ăn gian dối đã vô tư tuôn hàng kém chất lượng ra thị trường và bày bán công khai…
Bánh kẹo: Vỏ “xịn”, ruột “lô”
Những ngày này, tại các khu vực bán sỉ bánh kẹo như chợ Tôn Thất Đạm - Q.1, chợ Kim Biên, chợ Phùng Hưng - Q.5, chợ Bình Tây - Q.6, đường Nguyễn Thông - Q.3… bánh kẹo được bày bán tràn lan. Gần một nửa trong số đó là bánh kẹo ngoại nhập, đặc biệt là bánh kẹo của Malaysia, Thái Lan. Với vỏ hộp (bằng thiếc) khá đẹp mắt, người tiêu dùng ít ai ngờ rằng ruột là bánh được nhập xá, đóng gói tại Việt Nam. Thậm chí, có không ít loại bánh kẹo, vỏ là vỏ ngoại nhưng ruột là bánh kẹo gia công trong nước.
Theo các chuyên gia thực phẩm, những hộp bánh có màu sắc sặc sỡ, có tên nước ngoài nhưng nếu không ghi rõ thành phần, nơi sản xuất, hạn sử dụng, thông tin nhà nhập khẩu và phân phối thì người tiêu dùng nên cảnh giác, rất có thể đây là hàng giả.
Chưa hết, những loại bánh kẹo này có không ít là hàng quá hạn sử dụng được các nhà kinh doanh đóng gói lại, thay bao bì nhãn mác và sửa lại thời hạn sử dụng. Nguy hiểm hơn, đó là hàng kém chất lượng nhập từ Malaysia, Indonesia và Trung Quốc.
 Để tránh bị lừa, người tiêu dùng nên chọn sản phẩm chất lượng của những thương hiệu uy tín trong nước. Đừng vì ham rẻ (những loại bánh kẹo vỏ “xịn”, ruột “lô” này rẻ hơn bánh kẹo trong nước khoảng 15 - 20%), hoặc vì sính hàng ngoại mà vô tình tiếp tay cho những kẻ buôn gian bán lậu, còn bản thân thì đem tiền thật mua hàng giả.
Có một điều người tiêu dùng phải đặc biệt chú ý là hàng kém chất lượng có nhiều trong các giỏ quà gói sẵn được trưng bày tại các cửa hàng bánh kẹo. Vì vậy, khi chọn giỏ quà gói sẵn, người tiêu dùng nên xem kỹ những sản phẩm được gói bên trong.
Các loại hạt, đặc biệt là hạt dưa cũng là một món không thể thiếu trong ngày Tết. Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay có không ít hạt dưa có chứa chất gây ung thư. Kết quả này được Thanh tra Sở Y tế TP.HCM phát hiện…
Kinh hoàng các cơ sở làm lạp xưởng, mứt
Ngày 24-1-2011, chúng tôi “thâm nhập” một sơ sở sản xuất mứt Tết trong hẻm 268 đường Lý Thái Tổ, P.1, Q.3. Cơ sở không có tên và có lẽ cũng không có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Tại đây, chúng tôi bắt gặp hai người (một nam, một nữ) khoảng 40 - 45 tuổi đang lột vỏ trái mãng cầu. Họ dùng tay trần lột vỏ chứ không đeo găng tay theo quy định của ngành y tế. Những trái mãng cầu sau khi được lột vỏ thì bỏ vào một cái thau nhựa lớn cáu bẩn. Bên cạnh đó là một cái bếp gas lớn, phía trên có 3 cái nồi nhôm lớn cũng cáu bẩn. Người phụ nữ có tên là Bé M. cho biết: “Mấy cái nồi đó dùng để chế biến mứt”.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, cơ sở của bà Bé M. sản xuất rất nhiều loại mứt trái cây và đã tồn tại từ nhiều năm nay. Mặc dù cơ sở rất mất vệ sinh và còn lấn chiếm vỉa hè nhưng chính quyền địa phương vẫn làm ngơ.
Trước đó, ngày 12-1, Thanh tra Sở Y tế Thành phố tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất lạp xưởng Ngọc Linh (P. Phú Trung - Q. Tân Phú). Nơi sơ chế và chế biến là khu đất phía sau nhà. Nhân viên không mặc đồng phục bảo hộ, không đeo khẩu trang ngồi nhồi nguyên liệu tạo thành từng ống lạp xưởng dài rồi cho vào thau không hề che đậy. Các thau đựng nguyên liệu (mỡ, thịt, cá) để ngổn ngang trên sàn nhà. Bên trong, đoàn phát hiện hai bao chứa mỡ nguyên liệu nặng 70kg bị biến chất, chuyển sang màu xanh, bốc mùi hôi thối. Theo đó chúng được đưa về Bình Hưng Hòa để tiêu hủy.
Trong quá trình kiểm tra, phát hiện có 4 nhân viên chế biến không qua khám sức khỏe, 5 nhân viên không qua tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm; chủ cơ sở không xuất trình được xét nghiệm nguồn nước dùng chế biến lạp xưởng; các phẩm màu, ruột heo (dùng bao ngoài lạp xưởng) cũng không trình được hóa đơn; tủ bảo quản thịt nguyên liệu cũng không đảm bảo vệ sinh; đóng gói lạp xưởng trên sàn nhà, khu vực sấy lạp xưởng cũng không tuân thủ quy trình vệ sinh một chiều.
Đoàn thanh tra kết luận, tình trạng vệ sinh: Từ cơ sở, dụng cụ chế biến, đến vệ sinh trong chế biến và bảo quản của cơ sở sản xuất lạp xưởng Ngọc Linh, tất cả đều không đạt. Ngoài ra, nhãn mác cũng không ghi đúng thành phần so với hồ sơ công bố sản phẩm ban đầu.
Bác sĩ Phạm Kim Bình - Phó chánh Thanh tra Sở Y tế đã yêu cầu chủ cơ sở lạp xưởng Ngọc Linh phải khắc phục tất cả các khâu không đảm bảo vệ sinh, mới được sản xuất tiếp.
Kim Anh

Ông Huỳnh Lê Thái Hòa – Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm TP.HCM cho biết: “Đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm của thành phố đã tổ chức nhiều đoàn đi kiểm tra việc buôn bán, giết mổ gia cầm trong dịp Tết. Đặc biệt là các chợ giáp ranh, chợ vùng ven như đường Phạm Hùng, Q.8 từ nhiều năm nay luôn là “điểm nóng” về buôn bán gia cầm; chợ Bình Điền – huyện Bình Chánh, chợ Cầu - Q.12…”
Trong thời gian qua, Chi cục Thú y Thành phố thu hồi và xử lý 365 ngàn trứng gia cầm, 40 ngàn gia cầm sống và 5.200 gia cầm giết mổ.