Thứ năm, 6/5/2010, 10h05

Thực phẩm thay thế "ăn theo" dịch tai xanh ở lợn: Rộng cửa tăng giá

Trong khi dịch tai xanh đang gây không ít khó khăn cho người chăn nuôi thì lại thêm thông tin nhiều người nhiễm liên cầu khuẩn - bệnh lây từ lợn sang người rất dễ gây tử vong - càng khiến thịt lợn rơi vào cảnh “ế ẩm”.

Đây là cơ hội để các loại thực phẩm thay thế khác như thịt bò, gà, tôm, cua, cá... tha hồ “đua giá”. 
"Đội" giá thêm 10 - 40 ngàn đồng/kg
Giá bán thủy sản tăng do dịch lợn tai xanh.
Do nhiều người dân lo lắng, không dám ăn thịt lợn nên tại các tỉnh có dịch như Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Nam, Nam Định, giá các loại thịt gà, thịt bò, thủy hải sản, đậu phụ... tăng giá mạnh nhưng vẫn đắt hàng. Bà Trần Thị Anh ở thôn Đình Dù, Văn Lâm (Hưng Yên) cho hay: "Do thấy cảnh lợn chết quá nhiều, thậm chí vứt la liệt bên đường nên người dân ở đây không dám ăn thịt lợn. Hầu hết các gia đình đều chuyển sang ăn tôm, cá, thịt gà nên giá các loại thức ăn này đắt lên trông thấy. Hầu hết đều có mức tăng thấp nhất là 10.000- 20.000 đồng/kg. Điều này khiến bữa ăn của chúng tôi trở nên eo hẹp hơn". Một số người dân khác cũng cho rằng, nếu có ăn thịt lợn cũng mất cảm giác ngon nên đành phải chuyển sang các loại thực phẩm thay thế.
Khảo sát của PV Báo GĐ&XH, kể từ cuối tháng 4 tới nay, tại các chợ trên địa bàn Hà Nội, giá các loại thịt gà, bò, thuỷ hải sản cũng có mức tăng mạnh. Mặt hàng đứng đầu về mức độ tăng giá là các loại tôm như tôm sú tăng từ 170.000 - 180.000 đồng/kg lên 200.000 - 220.000 đồng/kg; Tôm chân trắng từ 130.000 - 140.000 đồng/kg lên 150.000 - 170.000 đồng/kg. Các loại cá cũng có mức "leo" giá khá “ấn tượng” như: cá sộp, cá chuối từ 130.000 đồng/kg tăng lên 150.000 đồng/kg; Cá trắm đen từ 90.000 đồng/kg lên 110.000 - 120.000 đồng/kg. Cùng với đó, giá thịt gà ta cũng tăng từ 90.000 đồng/kg lên 100.000 - 110.000 đồng/kg...
Những người bán thịt lợn đều trong tâm trạng bức xúc. Thậm chí, có những người bán thịt có dấu cơ quan kiểm dịch vẫn không tránh khỏi cảnh ế ẩm. Chị Nguyễn Phương Liên, bán thịt tại chợ tạm đường Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội cho biết: "Ngày nào nhà tôi cũng ăn thịt lợn vì giá thịt đang giảm đến kịch trần: 8.000- 10.000 đồng/kg mỡ lợn; 30.000 - 35.000 đồng/kg thịt sấn; thăn nạc 40.000- 45.000 đồng/kg. Giá rẻ vậy nhưng bán vẫn ế. Thịt chúng tôi đều lấy từ lò mổ, hàng ngày có giấy kiểm dịch của cơ quan thú y để trên bàn thịt nhưng khách vẫn không mua. Ngồi không nhìn hàng tôm, hàng cá bán giá cao vẫn đắt khách mà buồn đứt ruột".
Cơ hội trục lợi 
Thời điểm này đang được coi là cơ hội làm ăn của những hàng thực phẩm thay thế khác. Chị Nguyễn Thị Nga, bán hải sản ở chợ Cầu Mới, quận Thanh Xuân, Hà Nội phấn khởi: "Chẳng mấy khi chúng tôi được đắt hàng như thế này. Không phải tôi một mình một giá mà cá bây giờ cũng khan hàng vì nhu cầu tăng cao". Dù giải thích như vậy song chị Nga cũng thừa nhận rằng, giá cả đã tăng lên nhiều so với tuần trước.
Cùng với khó khăn tài chính của người tiêu dùng khi phải đầu tư tốn kém hơn cho bữa ăn hàng ngày, nỗi lo lớn nhất hiện nay của cộng đồng là sự tăng giá tuỳ tiện trong mùa dịch. Vì từ trước đến nay tình trạng dễ tăng, khó giảm trên thị trường vẫn tồn tại. Dù có đưa ra cả ngàn lý do để biện minh thì thực tế không thể phủ nhận là các tiểu thương đang hưởng lợi khi cố tình tăng giá khiến người tiêu dùng phải chịu thiệt. Về mặt quản lý, các chuyên gia cho rằng, chế tài chưa tạo được áp lực với doanh nghiệp chính là nguyên nhân căn bản khiến giá cả các mặt hàng nói trên leo thang. Ông Vũ Vĩnh Phú, Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội cho rằng, tăng lương và dịch tai xanh là hai "cớ" rất thuận lợi cho những kẻ trục lợi bất chính. Tại nhiều siêu thị đã có khoảng 200 mặt hàng được các nhà cung cấp gửi thông báo điều chỉnh giá bán. Trong khi đó, việc quản lý giá, chế tài xử phạt, quản lý cạnh tranh chưa tạo được áp lực đối với các doanh nghiệp nên giá cả vẫn tăng khiến cuộc sống người tiêu dùng thêm khó khăn.
Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cũng khuyến cáo rằng, các loại thực phẩm thay thế tăng giá đang ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhiều người tiêu dùng. Để không bị "bão giá" tấn công, người tiêu dùng nên mua thực phẩm tươi sống với số lượng ít hơn, ăn thêm các món chay như đậu phụ, thịt lợn chay, cá chay... bán sẵn tại các siêu thị. Hy vọng rằng dịch tai xanh sẽ nhanh chóng bị đẩy lùi và thịt lợn sẽ sớm trở lại với thực đơn của các gia đình. 
Ông Tô Long Thành, Phó Giám đốc Trung tâm chẩn đoán thú y Trung ương (Cục Thú y - Bộ NN&PTNT) cho rằng: Trong hoàn cảnh này người tiêu dùng nên nói không với thịt lợn ốm, chết vì bệnh tai xanh. Vì virus tai xanh làm suy giảm miễn dịch của lợn khiến nhiều loại virus khác tấn công trong đó có chứng liên cầu. Bằng mắt thường rất khó để nhận biết thịt lợn mắc bệnh tai xanh. Do đó, khi mua cần chọn miếng thịt tươi, không tụ máu, không có mùi kháng sinh, dùng tay ấn vào miếng thịt có sự đàn hồi và hơi dính thì đó mới là thịt không nhiễm bệnh, an toàn khi làm thực phẩm.
  Mai Hạnh (Giadinh.net.vn)