Thứ hai, 27/8/2012, 14h08

Thực trạng dạy và học văn: Bài 2: Nặng thành tích hay nặng chương trình?

“Rừng” VM trong nhà sách

Chủ động viết, suy nghĩ, sáng tạo ra bài văn của chính mình có lẽ là yêu cầu khá khó đối với học sinh (HS) hiện nay. Bởi trong quá trình dạy học, hầu như giáo viên (GV) đã làm cho HS phụ thuộc vào văn mẫu (VM).
Lo ngại trước điểm số đẹp
Anh Tuấn Lâm, phụ huynh một HS tiểu học ở Q.8, cho biết: “Chẳng biết trường dạy con tôi học tập làm văn (TLV) như thế nào mà cứ đến cuối kỳ kiểm tra cháu lại cầm một xấp cả chục bài văn được làm sẵn để học thuộc trong giờ tự học. Cụ thể năm lớp 3, khi dò bài TLV thì cháu đọc vanh vách các bài VM mà không cần ba mẹ hướng dẫn”. Anh Lâm khẳng định, cách dạy và học như thế này chỉ có thể giúp con anh đạt điểm cao nếu “trúng tủ” chứ không thể đảm bảo cung cấp kiến thức cần thiết cho cháu. Năm nay con anh vào lớp 5 nên anh rất lo lắng.
Chẳng riêng gì trường hợp con anh Lâm, rất nhiều trường hợp HS “luyện” bài VM của GV đã được dư luận phản ánh. Đơn cử, đề kiểm tra học kì 2 môn TLV lớp 4 tại Q.4 (năm học 2011-2012) yêu cầu “Tả một đồ vật có nhiều kỷ niệm gắn bó với em”, một số HS không làm được vì cô giáo không ôn tập tả đồ vật mà chỉ cho học thuộc lòng bài tả con chó đã phần nào nói lên thực trạng học VM diễn ra ngày càng nhiều, công khai.
Chị Khánh Nga (Q.3) cho biết: “Năm nào cũng vậy, nhìn vào bảng điểm tổng kết cuối năm, đặc biệt là điểm tổng kết học kì 2 lớp 5, tôi thấy HS đạt điểm 8-9 môn tiếng Việt rất nhiều, thậm chí có cả điểm 10. Không biết điểm số đó có phải do thực lực của các em hay không?”. Còn chị Trịnh Anh Thư (Q.Thủ Đức), khi nhắc lại đề thi học kì 2 lớp 5 năm học 2011-2012 (Tả trường em sau buổi học - PV) do Phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TP.HCM) ra đã nói: “Đề ra theo hướng mở để HS có thể tự do sáng tạo, nhưng có không ít em nhầm lẫn giữa “buổi học” với “tiết học” mà tả giờ ra chơi. Chẳng biết có phải do các em học tủ, học theo VM hay không mà chỉ mới thay đổi hướng ra đề đã bối rối”.
Chia sẻ về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Vân Châu, GV khối 5 Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (Q.1), tỏ ra e ngại. Cô Châu cho rằng, nếu trả lời thẳng thắn về vấn đề HS bị áp đặt theo “chương trình VM” do GV “tự biên tự diễn” sẽ rất nhạy cảm với nhiều người. Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Phương Thảo, GV khối 4 Trường Tiểu học Điện Biên (Q.10), khẳng định: “Thực trạng GV cho HS học thuộc lòng VM là có thật. Cụ thể một đề bài, GV làm sẵn chừng 4, 5 mẫu chỉ hơi khác một chút về cách diễn đạt rồi chia ra cho 4, 5 nhóm học thuộc.
Đối với một HS, học thuộc VM của GV có thể đạt điểm khá, giỏi nếu trúng tủ. Ngược lại, đạt điểm dưới trung bình là bình thường. Bởi lẽ VM vô tình đẩy các em vào lối học thụ động, không biết lập dàn bài, triển khai ý. Cô Phương Thảo nêu ví dụ, khi yêu cầu HS lớp 4 viết một bài văn bất kỳ dài khoảng 20-25 dòng, nếu chủ động sáng tạo các em có thể viết tốt, giàu ý tứ; ngược lại, chỉ viết được vài dòng là không biết thể hiện như thế nào nữa…
Nặng thành tích hay nặng chương trình?
Đối với phân môn TLV, để làm bài tốt đòi hỏi cần tổng hợp nhiều kiến thức, kĩ năng như: Vốn sống, sự trải nghiệm, vốn từ ngữ, khả năng diễn đạt… Yêu cầu này được thực hiện tích hợp với tất cả các hoạt động giáo dục trong và ngoài nhà trường. Cụ thể, qua phân môn tập đọc, ngoài rèn kĩ năng đọc cần đặc biệt chú ý việc cảm thụ văn học; phân môn luyện từ và câu cần phát triển tốt vốn từ ngữ, các biện pháp nghệ thuật, so sánh, nhân hóa; cách viết câu văn không chỉ đúng về cấu trúc ngữ pháp mà còn giàu hình ảnh, giàu cảm xúc. Vì thế, TLV cần dành nhiều thời gian cho luyện tập viết văn, bổ sung cách viết giàu hình ảnh, cảm xúc. Tuy nhiên nhìn vào chương trình hiện nay, GV cho rằng còn nặng về lý thuyết, nhẹ rèn kỹ năng viết.
Cô Phạm Thị Thùy, GV Trường Tiểu học Nguyễn Văn Kịp (Q.Tân Bình), cho biết: “13 tuần đầu lớp 4, HS học về văn kể chuyện nhưng mãi đến tuần 13 (sau 3 tháng học), HS chỉ viết một bài hoàn chỉnh: Thế nào là văn kể chuyện, kể lại hành động, ngoại hình, lời nói, ý nghĩ của nhân vật, xây dựng cốt truyện, phát triển câu chuyện, viết đoạn... Có lẽ, do trong thời gian này, HS còn phải học viết thư, luyện tập trao đổi ý kiến với người thân, dành rất nhiều thời gian học cách viết, luyện tập cho từng phần nhỏ của bài. Thực trạng này khiến khả năng khái quát, diễn đạt của HS yếu, nên học xong phần cuối, các em quên những phần đầu, chẳng biết viết ra sao. Trong khi đó, đặc điểm của HS tiểu học là tư duy trực quan hành động chiếm ưu thế”.
Cô Thùy cho biết thêm: “Việc yêu cầu HS học thuộc VM cho thấy bản thân GV chưa nắm được mục tiêu dạy văn cho trẻ là rèn khả năng diễn đạt bằng ngôn ngữ ứng dụng vào cuộc sống, học tập; rèn cách biểu lộ cảm xúc, bồi dưỡng tình yêu tiếng mẹ đẻ... mà chỉ đang hướng tới mục tiêu HS đạt điểm cao một cách dễ dàng nhất”.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
“Học văn là dạy HS học cách quan sát, cảm nhận từ thực tế để thể hiện vào bài viết. Nhưng cách dạy văn trong nhà trường hiện nay nặng về áp đặt. Ví dụ, GV yêu cầu HS tả cảnh biển, thử hỏi một lớp (45 HS) có bao nhiêu em được đi thực tế? Để làm được, chỉ còn cách HS tả bừa bằng… VM”, chị Đinh Thanh Trúc (Q.Thủ Đức) chia sẻ.