Thứ tư, 29/8/2012, 14h08

Thực trạng dạy và học văn: Bài cuối: Cần cải tiến cách ra đề

Một tiết tập đọc tại Trường Tiểu học Bình Triệu, quận Thủ Đức

Thực trạng văn mẫu (VM) xuất hiện ngày càng nhiều, giáo viên (GV) hình thành thói quen cho học sinh (HS) học thuộc VM đã ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học văn trong nhà trường hiện nay.
Xung quanh vấn đề này, Giáo Dục TP.HCM có cuộc trao đổi với cô Triệu Thị Huệ, Tổ trưởng Tổ ngữ văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM). Cô Huệ cho biết:
- Việc GV yêu cầu HS làm theo bài văn “mẫu” và HS học thuộc VM quả là một thực trạng đáng buồn, đáng lo ngại. Việc làm ấy đi ngược lại mục tiêu dạy học, có tác động tiêu cực; đặc biệt ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển trí tuệ, tư duy của HS.
PV: Một số ý kiến cho rằng, hiện nay thị trường VM xuất hiện ngày càng nhiều là do hệ lụy từ việc GV cho HS học thuộc bài VM của… chính GV. Cô đánh giá như thế nào về những ý kiến trên?
- Có thể nói sử dụng VM hiện nay ở HS rất phổ biến. Một số HS do quen với cách học thiếu chủ động, sáng tạo đã thường xuyên sử dụng VM. Không khó khăn gì nếu HS muốn đi tìm VM để chép, nhằm mục đích đối phó. Chỉ cần ra nhà sách, đọc lướt qua cũng sẽ thấy hàng chục cuốn VM dành cho mọi cấp học, đặc biệt nhiều là ở cấp tiểu học, THCS. Có nhiều cuốn sách chỉ đơn giản là sự tập hợp, “xào xáo” lại từ các cuốn sách khác. Lẽ đương nhiên, chất lượng các bài VM trong những cuốn sách này rất khó kiểm soát và không thể đồng đều. Ngược lại, đối với việc một số GV yêu cầu HS phải học thuộc VM của mình lại là điều không thể chấp nhận cho dù những bài VM do GV cung cấp có chất lượng, đảm bảo hơn VM ngoài thị trường.
Tuy nhiên, theo tôi, cũng phải có một cách nhìn nhận, đánh giá công bằng về vai trò của những bài VM là những bài văn hay. Ở những bài văn này, người viết không chỉ thể hiện kiến thức chắc chắn, kĩ năng làm văn tốt mà còn thể hiện những phát hiện, sáng tạo, rất xứng đáng để được đọc, được học tập.  
Theo cô, nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng này?
- Tôi cho rằng nguyên nhân lớn nhất vẫn là do ý thức, nhận thức còn hạn chế của người dạy, người học. Không thể không nhận thấy tác hại của lối viết văn chỉ theo một khuôn mẫu vì tự nó đã làm triệt tiêu sự chủ động, sáng tạo của HS. Nhiều GV biết vậy mà vẫn cứ yêu cầu HS làm theo bài VM. Quá trình dạy làm văn cho HS là một quá trình giúp HS tạo lập văn bản, không chỉ dừng lại ở cấp học trong nhà trường mà còn giúp các em vận dụng trong cuộc sống sau này. Chính vì vậy, người thầy có vai trò rất quan trọng trong việc hướng dẫn HS cách thức, kĩ năng làm văn chứ không phải người làm thay, làm hộ. Những hạn chế trong nhận thức về vai trò của người thầy đã khiến một số GV tự làm mất đi vai trò to lớn của mình. Nhận thức còn hạn chế ở người dạy, người học sẽ dẫn đến cách dạy - cách học nhồi nhét, thiếu chủ động sáng tạo, dẫn đến tình trạng sử dụng tràn lan VM. Bên cạnh đấy, nhiều phụ huynh không kiểm soát, thậm chí cho phép, khuyến khích con mình làm theo VM. Bởi tâm lý chạy theo những cái lợi trước mắt như điểm số, thành tích, thời gian… khiến nhiều người không còn quan tâm tới tác hại lâu dài về sau. Cũng không thể không phủ nhận cách ra đề văn ở đây đó vẫn còn cứng nhắc, thiếu linh hoạt. Trong SGK, hệ thống đề tài, đề bài cố định chính là một nguyên nhân tạo nên những “mẫu” và việc làm theo “mẫu” một cách máy móc…
Nhà trường cần nhìn nhận lại những vấn đề nào để đảm bảo chương trình dạy và học văn, thưa cô?
- Về vấn đề VM: Tôi quan niệm rằng, cho dù đó là những bài văn hay, cũng chỉ nên coi là tài liệu tham khảo tốt, tuyệt đối không thể cho rằng đó là những “mẫu” để sao chép y nguyên. Trong tình hình có quá nhiều sách tham khảo như hiện nay, khi giới thiệu với HS những bài VM để các em học tập, tham khảo, GV cần thẩm định kĩ càng. Khi đọc VM, HS cần rèn một một thói quen chủ động khi tiếp nhận ý kiến của người khác, thậm chí rèn cho mình một tư duy phản biện. Bởi lẽ, không phải bài VM nào cũng hoàn hảo. Theo đó, Bộ GD-ĐT nên tiếp tục tập hợp những bài làm văn được điểm cao trong các kỳ thi quốc gia (thi HS giỏi hoặc thi tốt nghiệp THPT) làm tài liệu tham khảo cho HS. Về chương trình giảng dạy:Cần tiếp tục thực hiện giảm tải chương trình học để tránh tình trạng dạy - học ứng phó, để tăng thêm “không gian” sáng tạo chủ động cho người dạy, người học. Bên cạnh đấy, tiếp tục cải tiến cách ra đề văn. Những đề văn mang tính đột phá (không thiên về tái hiện kiến thức nặng nề, mới mẻ hấp dẫn về hình thức thể hiện) sẽ là những đề văn có tác động tích cực tới HS, kích thích được sự chủ động sáng tạo, tránh được tình trạng học nhồi nhét, máy móc ở các em. GV cần chủ động, linh hoạt hơn khi sử dụng hệ thống đề văn (chẳng hạn sử dụng nhiều hơn những đề mở). Đây cũng có thể coi là một giải pháp giúp hạn chế việc học, làm theo VM.
Xin cảm ơn cô!
Bài, ảnh: Ngọc Trinh