Thứ năm, 9/5/2013, 10h05

Thuốc không toa vào trường mầm non

Phụ huynh gửi thuốc cho con không cần toa bác sĩ, cô bảo mẫu làm thay việc của nhân viên y tế... là hiện trạng tại nhiều trường mầm non trên địa bàn TP.HCM.

Phụ huynh Trường mầm non tư thục Sài Gòn Q.10, TP.HCM gửi thuốc cho con và ký nhận vào sổ lưu của y tế trường. Đây là trường vừa được thanh tra y tế công nhận đạt yêu cầu - Ảnh: NHƯ HÙNG

Chị H., phụ huynh có con 4 tuổi ở Q.Phú Nhuận, cho biết: “Thỉnh thoảng tôi gửi thuốc vào trường nhờ các cô giáo cho con uống. Nếu khi con bệnh thì có toa thuốc bác sĩ, nhưng một số thuốc bổ thì không có toa. Giáo viên nể nang phụ huynh nên vẫn nhận và cho bé uống theo lời dặn của mẹ”. Một phụ huynh có con học Trường mầm non S (Q.Bình Thạnh) kể: “Trường không có phòng y tế và nhân viên y tế nên các loại thuốc phụ huynh phải gửi cho cô giáo. Có lần tôi gửi thuốc viêm đường hô hấp kèm toa thuốc, dặn cô cho uống. Khi đón bé, cô giáo nói cho uống rồi nhưng về kiểm tra thấy vẫn còn nguyên”.
Giáo viên kiêm y tá

Nên đưa toa và ghi rõ tên thuốc
Theo bác sĩ Phạm Mai Đằng - phó phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM, khi trẻ mắc bệnh thì tốt nhất nên cho trẻ ở nhà để chăm sóc chu đáo và tránh lây bệnh cho trẻ khác. Tuy nhiên, trong trường hợp phải cho trẻ đến trường, phụ huynh cần gửi toa thuốc cho giáo viên. Với các loại thuốc rời, không có bao bì bên ngoài, phụ huynh nên cho từng loại thuốc vào túi nilông và ghi rõ tên thuốc để giáo viên cho trẻ uống đúng thuốc, đúng liều lượng. Nếu không ghi rõ, giáo viên có thể cho trẻ uống nhầm, nhất là trong trường hợp toa có thuốc phải chia nửa viên.
Thùy Dương


Việc giáo viên đứng lớp phải kiêm luôn vai trò nhân viên y tế hiện rất phổ biến ở các trường do thiếu phòng y tế, thiếu cán bộ chuyên trách. Ở một số trường, hiệu phó phụ trách bán trú hoặc nhân viên điều dưỡng, giáo viên phải kiêm nhiệm nhiệm vụ của nhân viên y tế mà không qua đào tạo hoặc chỉ tham gia các lớp tập huấn ngắn ngày. Thiếu nhân lực nên nhiều trường mầm non phải ra “tối hậu thư” với phụ huynh: tuyệt đối không nhận trẻ bệnh dù nặng hay nhẹ. Thiếu người có chuyên môn nên khi phát hiện trẻ bệnh, một số giáo viên, bảo mẫu thường lóng ngóng, có trường hợp tự ý sử dụng thuốc cho trẻ.
Cô Lưu Truyền, chủ Trường mầm non tư thục Sóc Nâu (Q.10), cho biết: “Giáo viên không thể tự chẩn bệnh, cho thuốc. Vì vậy trường chủ trương khi trẻ ho, sốt, tiêu chảy... thì gọi điện cho phụ huynh. Phụ huynh không đến được ngay sẽ hỏi trẻ thường uống thuốc loại nào, hàm lượng bao nhiêu và được sự đồng ý của cha mẹ mới cho trẻ uống thuốc”. Tại trường này, mỗi lớp có một sổ thuốc, trong đó ghi rõ ngày giờ giáo viên tiếp nhận thuốc của phụ huynh, tên loại thuốc, lịch uống, nếu thuốc không kèm toa bác sĩ thì phụ huynh ký nhận và chịu trách nhiệm về việc gửi thuốc cho con.
Những trường mầm non lớn, số trẻ đông mới có phòng y tế và cán bộ y tế chuyên trách. Trong khi nhiều trường công lập “trắng” phòng y tế hoặc sử dụng “phòng y tế lưu động” (khi cần thì biến một phòng nào đó thành phòng y tế) thì các trường tư lại tổ chức khâu y tế rất tốt do có điều kiện về kinh phí.
Tự ý cho học sinh uống thuốc ngủ
“Lương thấp nên việc tuyển nhân viên y tế có trình độ rất khó. Nhiều trường phải cho giáo viên, hiệu phó... đi học cấp tốc để kiêm nhiệm công việc này. Tuy nhiên giáo viên hay hiệu phó đều quá bận rộn công việc chuyên môn. Nhiều trường hợp phụ huynh gửi thuốc, giáo viên đứng lớp đành phải nhận nhưng việc pha thuốc, cho uống chắc chắn có khó khăn, nhất là khi nhận không ghi rõ tên thuốc, tên học sinh thì chuyện nhầm lẫn có thể xảy ra” - hiệu trưởng một trường mầm non tại Q.Phú Nhuận cho biết.
Đợt thanh tra, kiểm tra công tác y tế gần đây của Sở GD-ĐT TP.HCM cho thấy một số trường, đặc biệt là trường mầm non, thực hiện chưa chặt chẽ, chưa khoa học trong việc tiếp nhận thuốc mà phụ huynh gửi tại trường. Nhiều trường hợp nhận thuốc không rõ tên và nhãn mác, thuốc đặc trị không kèm chẩn đoán và toa thuốc, thuốc không nhằm mục đích điều trị bệnh. Báo cáo cho thấy người ghi sổ (nhân viên y tế hoặc người kiêm nhiệm) không ghi rõ tên thuốc, cách uống, liều lượng sử dụng, số lần dùng trong ngày. Cá biệt có trường hợp giáo viên tự tiện cho học sinh uống thuốc ho, thuốc ngủ... không có ý kiến phụ huynh hoặc bác sĩ mà vụ việc ở Trường mầm non Nụ Cười (Q.Bình Tân) là ví dụ.
Sở GD-ĐT TP.HCM vừa có công văn đề nghị các trường chấn chỉnh tình trạng gửi thuốc và cho học sinh uống thuốc tại trường. Nhà trường phải hướng dẫn phụ huynh để thuốc vào bao riêng, ghi cụ thể họ tên, lớp, liều uống, cách uống, thời gian uống, kèm toa chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không nhận thuốc không toa, không để xảy ra tình trạng trẻ này uống nhầm thuốc của trẻ khác. Tất cả thông tin tiếp nhận phải được lập sổ có chữ ký phụ huynh. Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT TP.HCM vừa quyết định thành lập năm đoàn kiểm tra y tế trường học từ ngày 13 đến 24-5-2013.

 

Theo LƯU TRANG (TTO)