Chủ nhật, 30/4/2017, 22h52

Thượng cờ Thống nhất non sông tại đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải

Lễ thượng cờ Thống nhất non sông sáng 30-4-2017 tại Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải

Nhân kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 45 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị, ngày 30-4, tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải, tỉnh Quảng Trị, đã long trọng diễn ra Lễ Thượng cờ Thống nhất non sông.

Dự lễ có Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Thông tin &Truyền thông Trương Minh Tuấn, Tổng Biên tập Báo Nhân dân Thuận Hữu, Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi, lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền nhân dân tỉnh Quảng Trị, cùng các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các lão thành cách mạng, các cựu chiến binh, đông đảo bà con nhân dân trong tỉnh và cả nước.

Tại lễ thượng cờ, trên nền nhạc Quốc ca hùng tráng, đồng chí Trương Hòa Bình, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ, các đồng chí lãnh đạo các Bộ, ngành  Trung ương, địa phương, đông đảo cán bộ, chiến sỹ, nhân dân Quảng Trị và cựu chiến binh từ nhiều miền quê trên cả nước đã trang nghiêm làm lễ thượng cờ, chứng kiến lá cờ đỏ sao vàng được từ từ kéo lên trên đỉnh Kỳ đài Hiền Lương lịch sử.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Trị đã đọc diễn văn ôn lại những năm tháng đấu tranh oanh liệt của quân và dân Quảng Trị cùng cả nước đứng lên chống kẻ thù chung, giành lại nền độc lập, thống nhất Tổ quốc. Ngày 21-7-1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, sông Bến Hải trở thành giới tuyến quân sự tạm thời, cầu Hiền Lương trở thành biểu tượng của nỗi đau chia cắt và khát vọng thống nhất của cả dân tộc. Với âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, phá hoại nền độc lập của dân tộc ta, thế lực cầm quyền hiếu chiến Mỹ đã xóa bỏ Hiệp định Giơ-ne-vơ đưa quân xâm lược miền nam, biến miền nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự, làm bàn đạp tấn công miền bắc Việt Nam. Bến Hải, con sông hiền hòa, thơ mộng trở thành dòng sông chia cắt. Tỉnh Quảng Trị trở thành tuyến đầu của miền bắc xã hội chủ nghĩa và là hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền nam cũng là chiến trường nóng bỏng, khốc liệt nhất giữa ta và địch. Cuộc chiến đấu trên các chiến trường ngày càng diễn ra khốc liệt, khát vọng độc lập, tự do, thống nhất non sông đã thổi bùng lên tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của quân và dân hai miền nam-bắc. Trong thời gian đó, kẻ thù đã thực hiện cuộc chiến tranh hủy diệt với hàng chục vạn tấn bom đạn, chất độc hóa học cùng các chiến lược chiến tranh thâm độc hòng đưa Quảng Trị trở thành “vành đai trắng”. Thế nhưng, với quyết tâm “một tấc không đi, một ly không rời” lá cờ Tổ quốc ở phía bắc Hiền Lương trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng thể hiện cho ý chí kiên cường, bất khuất, anh dũng bám trụ của quân và dân ta để làm nên chiến thắng cuối cùng. Chiến thắng ngày 1-5-1972 giải phóng tỉnh Quảng Trị là mốc son chói lọi làm rạng rỡ thêm trang sử vẻ vang của dân tộc, là kỳ tích thiêng liêng, bền vững trong ký ức của quân và dân ta.

Suốt 21 năm ròng rã thực hiện lời thề với Bác Hồ: “Đất này chỉ một ngọn cờ vàng sao” đã tạo một niềm tin, sức mạnh cho của cả dân tộc viết nên khúc khải hoàn đại thắng mùa Xuân năm 1975, vĩnh viễn xóa bỏ sự chia cắt đau thương, non sông nối liền một dải, để “Bắc Nam sum họp một nhà” đoàn tụ,  đoàn viên, thống nhất. Quảng Trị tự hào góp phần xứng đáng cùng cả nước làm nên mốc son lịch sử thiêng liêng này.