Thứ tư, 2/5/2012, 11h05

Thương con hay hại con?

Tùy vào tính nết của trẻ mà cha mẹ dung hòa, không cưng chiều thái quá hay buông lỏng con (ảnh minh họa). Ảnh: T.Tri

Không ông bố, bà mẹ nào mà lại không thương con, không muốn con mình nên người. Tuy nhiên, có không ít phụ huynh thương con một cách thái quá và điều đó đã vô tình hại con…
“Gà công nghiệp”
Ai tiếp xúc với Minh Quân - học sinh một trường THPT quốc tế trên địa bàn TP.HCM - cũng đều có chung nhận xét: “Gà công nghiệp”. Minh Quân chỉ lớn người chứ không “lớn” tính. Dù đã học lớp 11 nhưng cậu học trò này hành động cứ như một đứa trẻ học lớp 3, lớp 4.
Minh Quân là con đầu lòng của vợ chồng chị Minh Huệ (Q.3) và cũng là cháu đích tôn nên từ nhỏ cậu bé đã được đại gia đình “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”. Đặc biệt là mẹ chồng chị Minh Huệ. Dù Minh Quân làm sai chuyện gì bà cũng không trách phạt, trong khi những đứa cháu khác thì bà rất nghiêm khắc.
Kể về cách thương cháu của mẹ chồng, chị Minh Huệ nói: “Ngày Quân còn nhỏ, chuyện ăn uống của cháu do bà đảm trách hết. Sợ cháu không chịu ăn, bà cứ xay nhuyễn ra. Bởi vậy, thằng bé lên 5 tuổi mà vẫn chỉ ăn đồ xay…”. Và di chứng ăn uống “không đụng hàng” này còn kéo dài đến tận bây giờ. Minh Quân không biết ăn rau, không biết ăn thức ăn cứng và chỉ thích ăn cháo, súp. Nói tóm lại, càng những món không phải nhai, anh chàng “gà công nghiệp” này càng khoái.
Được gia đình “úm” từ bé, không cho ra ngoài tiếp xúc với bạn bè cùng trang lứa nên khi lớn lên Minh Quân “nhát như thỏ đế”. Em hầu như không có bạn, ngoài trường học thì chỉ biết quanh quẩn trong nhà.
“Gà công nghiệp” Minh Quân học hành cũng chẳng bằng ai. Năm ngoái thi vào ba trường THPT công lập có điểm chuẩn trung bình và thấp nhưng không đậu trường nào.
“Tôi không biết tương lai con mình sẽ như thế nào, khi mà 17 tuổi rồi nhưng cháu không biết làm gì. Ngay cả lúc đói cũng không biết xuống bếp lấy cơm ăn, muốn đi ra khỏi nhà phải có người đi cùng. Tôi và gia đình đã sai lầm khi thương con theo kiểu này”, chị Minh Huệ chua xót nói.
13 tuổi đã có vài “mảnh tình vắt vai”
Tình cờ gặp cô giáo của Linh Lan (học sinh lớp 7), anh Đông (huyện Nhà Bè) mới hay cháu gái của mình đã nghỉ học gần một tuần nay. Và cay đắng hơn là trong đơn xin nghỉ học của Linh Lan lại có chữ ký (giả) của anh. Vậy mà khi về nhà, anh hỏi thì cô bé chối, mãi đến khi anh Đông đưa cái đơn xin nghỉ học ra nó mới chịu nhận.
Linh Lan là con của chị Mai Lan - em gái anh Đông. Cách đây 5 năm, vợ chồng Mai Lan ly hôn, chị nhận nuôi con. Không nghề nghiệp ổn định, khi thì bán rau, lúc bán tôm, bán cá rồi làm công nhân nhưng vẫn không đủ nuôi con ăn học. Thế nên, 3 năm trước, chị đã sang Thái Lan làm ôsin và để con ở nhà cho mẹ nuôi. Tháng tháng, Mai Lan gửi tiền về.
Không có mẹ ở bên cạnh, bà ngoại thì lớn tuổi, trong khi đó cậu Đông ở nhà khác nên Linh Lan tha hồ mà sống theo ý thích.
11 tuổi, cô bé đã biết làm điệu. Tiền mọi người cho để mua sách vở, cô bé đều mua quần áo, giày dép và son phấn. Học lớp 6 nhưng cô bé không thích chơi với bạn bè trong lớp mà chỉ thích quan hệ với mấy anh tóc xanh tóc đỏ, vô công rỗi nghề và lớn hơn cô bé cả chục tuổi.
Những người hàng xóm cho biết, cô bé thay bồ như thay áo. Hôm thì đi với anh chàng đầu đinh, hôm lại đi với anh chàng tóc đỏ, tóc xanh… Trước cổng trường cô bé học, ngày nào cũng có vài anh tóc xanh, tóc đỏ đứng đợi.
Bà Năm (bà ngoại của Linh Lan) cho biết: “Càng ngày con bé càng không coi tôi ra gì, lời tôi nói nó cứ bỏ ngoài tai. Thứ bảy, chủ nhật nào nó cũng đi. Hỏi đi đâu, nó nói đi học thêm. Học thêm gì mà 11, 12 giờ đêm mới về. Nhiều hôm tôi đóng cổng, nó trèo cổng vào. Sáng hôm sau hỏi thì nó chối ngay. Tôi bất lực với đứa cháu này rồi. Còn con gái tôi, lần nào gửi tiền về nó cũng nhắn mua cái này cái kia cho con, kêu tôi cho con bé tiền tiêu vặt… Khi thắc mắc thì nó nói, con ở xa không chăm sóc cho cháu được nên phải cung cấp vật chất cho nó. Đây cũng là một cách thương yêu con mà. Vì nó nghĩ sai nên bây giờ con nó mới hư”…
Theo ThS. Lê Thị Ngọc Điệp, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1), việc cha mẹ “úm” con quá hay buông lỏng con đều không tốt. Bởi, nếu “úm” con quá, đứa trẻ sẽ bị lệ thuộc, không biết làm gì. Ngược lại, buông lỏng thì đứa trẻ sẽ có cảm giác bị cô lập, trẻ sẽ không có tình cảm khắng khít với gia đình, từ đó có thái độ chống đối, không nghe lời. Vì vậy, cha mẹ phải biết dung hòa, không ôm ấp và cũng không bỏ thí con. Tùy vào tính nết của mỗi đứa trẻ mà người lớn “nới lỏng” vòng tay…
Thùy Linh
 
Tầm quan trọng của kỹ năng sống
Con cá này làm thế nào cho sạch vậy mẹ?”. Một lần, đến thăm nhà một người bạn, tôi chợt nghe con gái chị - một cô bé học lớp 10 hỏi chị như thế. Lần khác, khi đi cắm trại dã ngoại cùng gia đình, tôi chứng kiến hai cô cậu đang ở độ tuổi teen cứ loay hoay với nồi cơm nửa sống nửa chín và cuối cùng là đem bỏ đi!
Quả thật, có những việc hết sức đơn giản nhưng nhiều em đang ở độ tuổi mới lớn không thể nào làm được. Ở trường, các em được học rất nhiều về kỹ năng sống. Thậm chí, có em còn được cha mẹ cho tham gia những câu lạc bộ, trại hè… với mục đích tích lũy thêm kinh nghiệm cho bước đường đời sau này. Nhiều em học sinh rất rành facebook, blog, sơ đồ tư duy… nhưng lại không biết làm thế nào để chuẩn bị một bữa ăn cho gia đình hay sửa chữa những vật dụng hư hỏng trong nhà. Khi xã hội phát triển, con người cần phải hội nhập để theo kịp cuộc sống hiện đại nhưng có nhiều người lại quên rằng: Kỹ năng sống cũng chính là những việc làm bình thường hàng ngày của mình.
Lê Tấn Thời