Thứ năm, 31/12/2015, 23h28

Thương hiệu “tài năng” chưa được quảng bá

Một giờ học của sinh viên chương trình tài năng thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM

Mặc dù chương trình tài năng cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng cao, tuy nhiên thương hiệu này vẫn chưa được quảng bá hiệu quả.

Khảo sát các sinh viên đã tốt nghiệp và đang theo học chương trình tài năng 2015 của ĐH Quốc gia TP.HCM cho thấy, trong các yếu tố giúp sinh viên tìm được việc làm thì thương hiệu tài năng chỉ chiếm khiêm tốn 15%; học lực chiếm 32% và trình độ ngoại ngữ chiếm 26%.

Chương trình tài năng (gồm cử nhân và kỹ sư tài năng) được ĐH Quốc gia TP.HCM triển khai, tập trung tuyển chọn và tạo điều kiện phát triển cho các sinh viên ưu tú qua đó đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Hiện đơn vị này tuyển sinh 21 chương trình tài năng với số sinh viên đạt 4% so với tổng tuyển sinh đào tạo chính quy. Trong đó, Trường ĐH Bách khoa đạt 7%, Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn đạt 2% so với quy mô đào tạo chính quy của trường.

Sinh viên tài năng được học tập trong môi trường học thuật cao, giảng viên có trình độ cao và nhiều kinh nghiệm. Giảng viên tham gia chương trình tài năng đã và đang áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực tạo môi trường học tập chủ động cho sinh viên, hướng đến vừa cung cấp kiến thức sâu rộng vừa đáp ứng kỹ năng tốt. Sinh viên tài năng được thực tập tại các công ty lớn, với môi trường làm việc chuyên nghiệp.

Trên thực tế cũng có chuyện một số sinh viên tài năng sau một thời gian học đã không theo kịp, không đáp ứng nổi chương trình đào tạo, không thể hiện được “tài năng” thực sự phải quay trở về hệ đào tạo đại trà.

Tuy nhiên, ThS. Trà Thanh Trung - Ban ĐH và sau ĐH (ĐH Quốc gia TP.HCM) - nhìn nhận, trình độ ngoại ngữ của sinh viên chương trình tài năng chưa đồng đều. Hệ thống giáo trình chuyên biệt dành cho sinh viên cử nhân tài năng, đặc biệt giáo trình chuyên ngành tiếng Anh vẫn chưa đáp ứng kịp thời.

Qua khảo sát các sinh viên đã tốt nghiệp và đang theo học chương trình tài năng 2015 cho thấy, sinh viên hài lòng cao với kiến thức được trang bị, tính thiết thực của chương trình và phương pháp giảng dạy của giảng viên. Tuy nhiên, vẫn còn một số môn có sĩ số lớp thực tế cao hơn quy định (yêu cầu 25-30 em/lớp) hoặc vẫn được giảng dạy theo phương thức truyền thống trong khi đa phần sinh viên tài năng mong muốn các môn học bổ sung thêm kỹ năng mềm. Khảo sát cũng cho thấy, tới gần 90% sinh viên tài năng có được việc làm sau khi tốt nghiệp, hơn 10% có việc làm sau 6 tháng tốt nghiệp.

Trên thực tế cũng có chuyện một số sinh viên tài năng sau một thời gian học đã không theo kịp, không đáp ứng nổi chương trình đào tạo, không thể hiện được “tài năng” thực sự phải quay trở về hệ đào tạo đại trà. Bên cạnh đó, “với cách tuyển chọn sinh viên có điểm số cao, tự nguyện đăng ký vào hệ tài năng góp phần tạo tiền đề cho lớp sinh viên có năng lực học tập tốt. Tuy nhiên, trong quá trình đào tạo, một số sinh viên có thành tích đầu vào tốt, học giỏi ở phổ thông nhưng khi vào ĐH đã không phát huy được. Một trong các nguyên nhân nằm ở việc phương pháp học ĐH khác nhiều so với bậc phổ thông”, TS. Nguyễn Anh Tuấn - Khoa Mạng máy tính và truyền thông (Trường ĐH Công nghệ thông tin) - nhìn nhận.

Trong kế hoạch đào tạo chương trình tài năng của ĐH Quốc gia TP.HCM năm tới, ThS. Trà Thanh Trung cho biết các trường thành viên sẽ chú ý đầu tư, xây dựng không gian học tập cho các lớp tài năng; thực hiện đảm bảo chất lượng, kiểm định chương trình theo kế hoạch của đơn vị mình và của ĐH Quốc gia TP.HCM. Đồng thời, rà soát, cập nhật đề cương môn học tài năng; khuyến khích sinh viên tài năng tăng cường nghiên cứu khoa học…

Bài, ảnh: Thục Trân