Thứ bảy, 19/9/2015, 16h05

Thương mại Việt Nam – Đài Loan: Còn nhiều không gian lớn

 Là đối tác đầu tư lớn thứ 4, đối tác thương mại lớn thứ 5, thị trường khách du lịch lớn thứ 6 đến Việt Nam, Đài Loan là một những đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam những năm qua. Quan hệ kinh tế, văn hóa Việt Nam – Đài Loan tiếp tục được coi trọng và kì vọng sẽ còn nhiều không gian, cơ hội, tiềm năng để cộng đồng doanh nghiệp tận dụng và phát triển.

Đó là nhận định của ông Tô Quốc Tuấn – Thư kí Ủy ban Sự vụ Đài Loan VCCI tại “Diễn đàn về phát triển kinh tế thương mại Đài Loan và Việt Nam – 2015”, được tổ chức ngày 19/09/2015 tại Tp HCM. Diễn đàn được thực hiện và đồng tổ chức bởi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và sự tham gia của các nhóm tài trợ theo yêu cầu của Hiệp Hội Thương Mại Đài Loan tại Việt Nam.

trienlam3

Nhiều thương hiệu Đài Loan tham dự một triển lãm giới thiệu sản phẩm tại Việt Nam

Tham luận tại diễn đàn có lãnh đạo cấp cao của Đài Loan, Việt Nam, đại diện VCCI, đại diện các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh tế, thương mại. Chủ đề năm nay tập trung xoay quanh những vấn đề cần đối diện trong sự phát triển của kinh tế Việt Nam và Đài Loan, nghiên cứu pháp lệnh mới ban hành, những kinh nghiệm kinh doanh giữa cộng đồng doanh nghiệp 2 nước và những cơ hội thương mại mới trên thị trường các nước Đông Nam Á của doanh nghiệp.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 6 tháng đầu năm 2015, Đài Loan có 42 dự án FDI cấp mới và 21 lượt dự án tăng vốn tại Việt Nam. Tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt gần 287,41 triệu USD. Trong số đó, dự án tiêu biểu của Đài Loan vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay là dự án Công ty TNHH Fuhua – chi nhánh tại KCN Bình Xuyên II, tỉnh Vĩnh Phúc với tổng vốn đầu tư 28,5 triệu USD. Như vậy, tính lũy kế đến tháng 6/2015, Đài Loan có 2.429 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 28,74 tỷ USD, xếp thứ tư trong tổng số 103 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, sau Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore. Tuy nhiên, quy mô đầu tư trung bình / dự án vẫn còn thấp, khoảng 11,83 triệu USD/dự án. Trong khi đó, mức trung bình của các dự án nước ngoài tại Việt Nam hiện nay khoảng 13,9 triệu USD/dự án.

Xét lĩnh vực đầu tư,  công nghiệp chế biến, chế tạo của Đài Loan chiếm tổng vốn đăng kí lớn nhất (23,65 tỷ USD tương đương 82,3% vốn đầu tư đăng kí); đứng thứ hai là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 26 dự án cùng tổng vốn đăng ký đạt gần 1,73 tỷ USD (chiếm hơn 6% tổng vốn đầu tư đăng ký của Đài Loan tại Việt Nam). Ngành xây dựng đứng thứ 3 với 111 dự án, đạt 1,56 tỷ USD (chiếm 5,4% tổng vốn đầu tư đăng ký của Đài Loan tại Việt Nam). Các dự án của Đài Loan chủ yếu đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài với 2.148 dự án, tổng vốn đầu tư là 24,46 tỷ USD (chiếm hơn 85% tổng vốn đầu tư đăng ký của Đài Loan tại Việt Nam), còn lại gần 15% theo các hình thức liên doanh, công ty cổ phần và hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Trong số 63 tỉnh, thành phố, đầu tư của Đài Loan đã hiện diện tại 55 địa phương (tính cả khu vực dầu khí ngoài khơi). Phần lớn các dự án của Đài Loan tập trung tại Hà Tĩnh và các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh…Trong đó, tỉnh Hà Tĩnh có 37 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 10,31 tỷ USD (chiếm 35,9% tổng vốn đầu tư đăng ký của Đài Loan tại Việt Nam). Đồng Nai đứng thứ hai với 339 dự án, tổng vốn đầu tư đạt 4,88 tỷ USD (chiếm 17% tổng vốn đầu tư đăng ký của Đài Loan tại Việt Nam).

Các dự án tiêu biểu của Đài Loan tại Việt Nam gồm: Dự án Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh hoạt động trong lĩnh vực luyện kim, sản xuất mua – bán xuất nhập khẩu gang thép, kinh doanh cảng, sản xuất sản phẩm từ xỉ lò, xi măng, sản phẩm ép; Dự án Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa gồm nhà máy se sợi, sợi nguyên liệu, nhà máy điện, nhà máy xử lý nước tại tỉnh Đồng Nai; dự án tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là dự án Công ty CP China Steel Sumikin Việt Nam về sản xuất sắt thép, gang, luyện bột kim loại.

Tại diễn đàn, các diễn giả đã cập nhật nhiều thông tin kinh tế bổ ích, cách nhìn về tình hình kinh tế Việt Nam và kinh nghiệm quản lý đầu tư, những số liệu phát triển những năm gần đây và nghiên cứu hướng đi, những khu phát triển trọng điểm và ngành nghề trọng điểm của Nhà nước. Các lĩnh vực đầu tư lớn của Đài Loan vào Việt Nam như công nghiệp chế biến, chế tạo, ngoài ra là bất động sản, xây dựng, cùng với đó còn có giáo dục, dịch vụ y tế… là những mũi nhọn được dự báo đã và sẽ tiếp tục được các DN Đài Loan tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam trong giai đoạn tới.

(DĐDN)