Thứ bảy, 7/1/2012, 06h01

Thưởng tết cho giáo viên: Nơi ấm, nơi lạnh

Có giáo viên được thưởng 30 triệu đồng nhưng có người không được đồng tiền thưởng tết nào. Thưởng tết rất thấp hoặc hầu như không có là câu chuyện của những giáo viên, nhân viên hợp đồng, giáo viên mới ra trường... 
Giáo viên dạy viết chữ cho học sinh tại Trường chuyên biệt Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TP.HCM. Công việc rất vất vả nhưng chế độ ưu đãi vào dịp lễ tết chẳng được là bao - Ảnh: Lưu Trang
Ngoài khoản thưởng tết đúng với tên gọi của nó, được trích từ quỹ phúc lợi nhà trường, giáo viên mong đợi nhất là được nhận khoản tiền kết dư ngân sách và chính nhờ khoản tiền này mà tết của giáo viên mới... “ấm”. Tuy nhiên, khoản kết dư này không phải trường nào cũng có.
Từ nguồn ngân sách được rót xuống, hiệu trưởng nào biết tính toán chi tiêu và phát triển thêm nguồn quỹ bằng các hoạt động khác thì cuối năm phần dư ra sẽ được chia cho giáo viên, nhân viên thành khoản “chi tăng thu nhập”. Ở TP.HCM, có trường mức chia này lên đến 10-15 triệu đồng/người hoặc cao hơn.
Trông chờ các khoản... dư
Giáo viên giúp nhau
Ông Nguyễn Hữu Hùng, chủ tịch công đoàn ngành giáo dục TP.HCM, cho biết: “Năm nay tiếp tục vận động giáo viên, cán bộ công nhân viên các trường nội thành quyên góp để hỗ trợ chăm lo tết cho giáo viên các huyện ngoại thành. Số tiền đến nay được gần 250 triệu đồng sẽ chia cho hơn 1.000 giáo viên ngoại thành có đời sống khó khăn. Ngoài ra, công đoàn vận động hỗ trợ giáo viên các trường THPT mới thành lập, chưa có quỹ kết dư ngân sách, tăng thu nhập như các trường khác. Mức hỗ trợ sẽ từ 300.000-500.000 đồng/người”.
Một số trường THPT có mức thưởng tết (bao gồm cả phần kết dư) lên đến 30 triệu đồng/người, rơi vào một số trường ở Q.3, Q.Thủ Đức... Tại một số trường THPT ở Q.1, Q.6, Q.Phú Nhuận, Q.Bình Thạnh, huyện Bình Chánh... khoản thưởng dao động 10-15 triệu đồng/người. Lãnh đạo một trường THPT cho biết: “Do mức chênh lệch giữa khoản tiền giáo viên được lãnh cuối năm khá xa nhau giữa các trường tiểu học, THCS với trường THPT, nên Sở GD-ĐT TP.HCM đã nhắc nhở các trường THPT không thông tin khoản tiền này ra ngoài, tránh để anh em ngành giáo dục có sự so sánh, mất tinh thần về chuyện thưởng tết”.
Nhìn chung, so với các bậc học khác thì khối các trường THPT có mức thưởng tết cho giáo viên cao hơn. Ngân sách hằng năm được các trường này chi chủ động, cộng với nhiều hoạt động khác có thu như kinh doanh bãi giữ xe, căngtin, trung tâm bồi dưỡng văn hóa... khiến khoản kết dư cao hơn các bậc tiểu học, THCS vốn phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn tài chính của quận huyện.
Ban giám hiệu Trường tiểu học Kim Đồng, Q.Gò Vấp cho biết năm nay tết đến sớm nên có những trường sẽ quyết toán không kịp để chi tăng thu nhập cho giáo viên, nhân viên trước tết. Giáo viên rất mong chờ khoản tiền này. Đây là khoản tiền tiết kiệm được từ các hoạt động của trường hằng năm như cắt giảm chi phí lễ hội chẳng hạn. Còn tiền thưởng tết vẫn ở mức 1 triệu đồng/người.
Khéo co mới ấm
Thưởng tết rất thấp hoặc hầu như không có là câu chuyện của những giáo viên, nhân viên hợp đồng, giáo viên mới ra trường và giáo viên dạy chuyên biệt. Mức thưởng trung bình của những giáo viên này chỉ ở mức vài trăm ngàn đồng, có người không có tiền thưởng tết.
H. - giáo viên đang dạy hợp đồng tại hai trường dân lập ở TP.HCM - cho biết: “Để chuẩn bị tiền về tết, tôi phải làm việc cật lực suốt những tháng giáp tết, ngoài đi dạy thì việc gì cũng làm, thậm chí đi làm ca đêm, ai kêu gì làm nấy. Giáo viên hợp đồng ở các trường tư được chi trả rất sòng phẳng, dạy tiết nào hưởng lương tiết đó, tết không có tiền thưởng hay bất cứ khoản phụ cấp nào”.
Cô Lê Thị Dung - hiệu trưởng Trường chuyên biệt Bình Minh, Q.Tân Phú - than thở: “Các trường công có nguồn này nguồn kia để cuối năm chăm lo cho giáo viên. Riêng trường chuyên biệt hầu như không có những khoản này. Trường có quỹ phúc lợi nhưng năm học vừa qua do thiếu giáo viên, trường phải lấy quỹ này để chi trả cho sáu giáo viên hợp đồng.
Theo dự tính, thưởng tết của giáo viên năm nay cũng giống như năm ngoái: phụ huynh ủng hộ 200.000 đồng, công đoàn 200.000 đồng và xin từ các mạnh thường quân có thể được 100.000-200.000 đồng/người. Vất vả nhất là giáo viên hợp đồng, công việc rất mệt nhưng không có thêm phụ cấp gì ngoài đồng lương cơ bản, cũng không có thưởng tết. Trường đang cố gắng gửi thư ngỏ xin các doanh nghiệp và mạnh thường quân hỗ trợ chăm lo tết cho giáo viên, nhân viên”.
Theo cô Dung, do ngân quỹ của nhà trường eo hẹp nên đợt 20-11 trường không chi bất cứ khoản nào để dồn cho dịp tết. Cô Dung kiến nghị: “Cũng là giáo viên nhưng công việc của giáo viên chuyên biệt rất đặc thù, nếu không chăm lo tốt thì không giữ được giáo viên. Vì vậy rất mong thành phố có những chăm lo cho giáo viên nhiều hơn một chút để động viên tinh thần các cô”.
Còn thầy Nguyễn Văn Thanh - giáo viên Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, Q.10 - tâm tư: “Vật giá ngày càng cao, đồng lương eo hẹp nên phải dè sẻn lắm mới nuôi đủ gia đình. Riêng dịp tết, tôi chỉ mong mình và các đồng nghiệp dạy chuyên biệt không phải lo lắng, bức bối vì thưởng tết”. Theo thầy Thanh, năm nay công đoàn nhà trường sẽ thưởng cho giáo viên 1 triệu đồng/người. Ngoài ra giáo viên đang hi vọng sẽ có thêm tiền thi đua và khoản tiền kết dư cuối năm để chăm lo dịp tết.
Giáo viên mầm non ở một số quận huyện khá ngậm ngùi vào dịp thưởng tết bởi họ chỉ trông chờ vào mức thưởng của UBND TP quy định. Cô Linh, giáo viên dạy mầm non tại Q.Bình Thạnh, cho biết: “Giáo viên mầm non thường chỉ chờ vào khoản hỗ trợ từ phụ huynh, mà khoản này tùy từng năm, từng lớp. Mọi năm thưởng tết chỉ khoảng 1 triệu đồng nhưng phụ huynh tặng các cô nhu yếu phẩm như bánh kẹo, dầu ăn, nước mắm... cũng giúp các cô giáo ấm lòng dịp tết. Nhiều giáo viên nhận giữ trẻ suốt những ngày cận tết để có thêm thu nhập”.
Theo LƯU TRANG
(TT)