Thứ sáu, 4/5/2012, 16h05

Thúy Kiều báo oán - Hoạn Thư trắng án

Chỉ một phút cúi đầu, nghe Kiều đay nghiến và báo trước cung hình phạt, Hoạn Thư hồn lạc phách xiêu. Ở đây cũng có chi tiết thú vị: Ngày nào Thúy Kiều bị bắt về nhà mẹ Hoạn Thư, sau đấy sang ở tớ cho Hoạn, Kiều không hề biết mình đang ở đâu, ai làm việc này? Bất ngờ Thúy Kiều thấy Thúc Sinh đang ngồi cùng Hoạn tiểu thư… Lúc này, Hoạn cũng vậy. Hoạn không hiểu vì sao mình bị bắt? Sao nơi này quân lính đông đúc, oai phong lẫm liệt thế? Sao Hoạn vừa xuất hiện gươm lại tuốt nắp ra? Thấy Thúy Kiều, nghe Kiều nói mọi việc Hoạn mới rõ. Hoạn cố gắng dành cho mình một phút để suy nghĩ, đối phó. Một cái lạy, một phút thôi: Khấu đầu dưới trướng giở (liệu) điều kêu ca. Phải nói ngay rằng: Nguyễn Du đã vượt xa Thanh Tâm Tài Nhân ở chi tiết này. Thanh Tâm Tài Nhân có đưa ra hai chi tiết: Một là, nhân Thúy Kiều báo ân, Thúc liền van xin tha tội cho Hoạn. Nể lời chàng, Kiều đã hạ tội cho Hoạn: “Thôi thì ta sẽ trả chàng người sống, lát nữa sẽ đến mà lĩnh người về”. Hai là, điều này rất tinh tế: Thúc Sinh sau khi được Thúy Kiều báo ân liền chạy xuống báo trước cho Hoạn biết việc Kiều sẽ báo thù. Xin dẫn: “Thúc Sinh chạy tới. Mọi người thấy đều khóc nức nở. Hoạn thị hỏi: Sao cậu cũng có ở đây? Thúc Sinh nói: Chỉ tại mợ làm lụy đến tôi. Lại giậm chân nói: Mợ ạ! Cái việc hoa nô của mợ vỡ tung ra rồi. Hoạn thị thoạt nghe, nhất thời không nghĩ ra đầu đuôi, bèn hỏi: Thế nghĩa là làm sao? Thúc Sinh nói: Có gì đâu! Vương Thúy Kiều giận mẹ con mợ ghen ghét nàng và hành hạ nàng, bây giờ nàng đã lấy Từ Hải Đại vương nên phát binh bắt mợ để trả thù đấy!...”.
Rõ ràng, với Nguyễn Du, Hoạn chỉ có một phút cúi đầu mà nghĩ ra lí lẽ tự cứu mình. Với Thanh Tâm Tài Nhân, Hoạn có Thúc Sinh van xin hộ, lại có nhiều phút đi từ nơi giam lỏng đến nơi xử án để nghĩ suy… Chi tiết này mới nói hết con người, bản lĩnh của Hoạn.
Hoạn nói: Rằng: “Tôi chút phận đàn bà/ Ghen tuông thì cũng người ta thường tình/ Nghĩ cho khi gác viết kinh/ Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo/ Lòng riêng riêng những kính yêu/ Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai/ Trót đà gây việc chông gai/ Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng”.
Lời lẽ của Hoạn có hai điều đáng chú ý: Thứ nhất, Hoạn dùng những từ ngữ không xa lạ với Thúy Kiều. Ở trên Kiều nói đàn bà dễ có mấy tay, đến đây Hoạn lại nói tôi chút phận đàn bà. Thứ hai, trong đời của mình, Kiều đã nhiều lần cầu cứu, van xin với nhóm từ lượng bể, lượng cả… nay Hoạn lại dùng những từ ấy. Không phải Hoạn biết Thúy Kiều trước đây đã dùng những từ như vậy, cụ Nguyễn đã làm như vô tình mà cố ý đánh sâu vào tâm trạng, suy nghĩ của Kiều. Điều thứ hai, đáng nể cho con người ở ăn thì nết cũng hay/ Nói điều ràng buộc thì tay cũng già. Gỡ một tội trạng tày đình, bản án như đã định sẵn, cũng không cần nhờ ai, chỉ tám câu thôi mà lí, tình đủ cả, khi thì mở ra, khi khép lại, ý tứ chặt chẽ, một bố cục rành rẽ, chắc nịch. Đầu tiên, Hoạn đưa ra cái lí mang tính phổ quát: Rằng: “Tôi chút phận đàn bà/ Ghen tuông thì cũng người ta thường tình” (Ai cũng vậy, nàng ở địa vị tôi cũng vậy, có gì lớn đâu). Sau đó Hoạn giở lí liều nói đến tình: Nàng nhớ không khi ở gác viết kinh, nàng tình tự với chồng tôi, tôi có nói gì đâu (Nghĩ cho khi gác viết kinh…), rồi nàng ra khỏi cửa nhà tôi, tôi có cho người theo bắt nàng đâu (mà nàng chắc hiểu rằng nàng còn mang chuông vàng khánh bạc của nhà tôi trong người - Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo). Thực ra trong nguyên truyện, Thanh Tâm Tài Nhân cho Hoạn Thư dán cáo trạng khắp nơi, Thúc Sinh phải thuê người đi gỡ. Bỏ chi tiết này cũng là một dụng ý của cụ Nguyễn. Lý rồi tình, rồi lý: Nàng nghĩ xem tôi vẫn kính trọng, mến yêu nàng đấy chứ. Nàng còn nhớ trước mặt chồng tôi, tôi đã khen nàng: Nào viết chữ đẹp so với thiếp Lan Đình, nào nghìn vàng thật cũng nên mua lấy tài! Đấy nàng Kiều ơi, lí tình là thế, nhưng thôi tôi nhận tội và chỉ xin lòng thương người như trời bể của nàng: Trót đà gây việc chông gai/ Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng!
Thúy Kiều đã mềm lòng - Thúy Kiều tha cho Hoạn!
Lê Xuân Lít