Thứ năm, 26/4/2012, 16h04

Thúy Kiều báo oán

Kể từ ngày Thúy Kiều bán mình chuộc cha cho đến khi gặp Từ Hải, Kiều đã sống đau khổ quằn quại 10 năm trời. Thử tính sơ qua những kẻ đã hại đời Kiều: Mã giám sinh nhân chuyện gia đình Kiều bị tai họa đã cò kè mua Kiều với giá 400 lạng vàng mà theo Mã chỉ cần một nụ cười của Kiều đã nghìn vàng chẳng ngoa. Mã còn làm việc đồi bại là nước trước bẻ hoa, Mã đã tạo nên một cơn mưa gió nặng nề. Chính vì vậy, Thúy Kiều đã bị mụ Tú lên án cướp sống chồng người khác. Thứ hai là mụ Tú, mụ bày kế hiểm độc: Cho Sở Khanh vờ yêu Kiều dẫn Kiều đi trốn để mụ tốc thẳng đến nơi, bắt Kiều về thanh lâu, hung hăng chẳng hỏi chẳng tra/ Dang tay vùi liễu dập hoa tơi bời… Kẻ thù thứ ba là Sở Khanh: Một tay đểu cáng lừa gạt Kiều để Kiều trước mặt mọi người là kẻ chạy trốn lúc đêm hôm. Như vậy, Mã giám sinh, mụ Tú và Sở Khanh phạm trọng tội: Bắt gái lương thiện phải ở lầu xanh. Kẻ thù thứ tư là Hoạn bà và hai tên tay sai: Khuyển, Ưng đã đốt nhà Kiều ở, bắt cóc Kiều, biến Kiều từ cô gái lương thiện thành con ở, một dạng con ở đặc biệt: Không biết mình đang ở đâu và ở tớ cho ai. Đằng sau bà vợ ông tể tướng với hai tên đồ tể lại là Hoạn Thư. Kiều đã hiểu rõ và xác định: Chính danh thủ phạm tên là Hoạn Thư. Một kẻ thù số một, một đối trọng mà giờ đây Kiều đầy đủ binh quyền để trả mối thâm thù. Thúy Kiều cay cú, găm mối thù vào tận tim. Vì thế khi báo ân tặng gấm trăm cuốn, bạc nghìn cân cho Thúc Sinh, Kiều không quên lời đay nghiến, đe dọa: Vợ chàng quỷ quái tinh ma/ Phen này kẻ cắp bà già gặp nhau/ Kiến bò miệng chén chưa lâu/ Mưu sâu cũng trả nghĩa sâu cho vừa!
Có một điều kì thú: Ngày Hoạn Thư biết tin chồng dan díu với Thúy Kiều, Hoạn cho đó là trò trẻ ranhKiến trong miệng chén có bò đi đâu, nay Thúy Kiều nhắc lại chuyện ấy với Hoạn. Thử ghép bốn câu thơ của hai đối tượng Hoạn Thư và Thúy Kiều ta sẽ có một bài thơ trọn vẹn cho hai kẻ tình địch: Lo gì việc ấy mà lo/ Kiến trong miệng chén có bò đi đâu/ Kiến bò miệng chén chưa lâu/ Mưu sâu cũng trả nghĩa sâu cho vừa…
Đấy là chuyện Thúy Kiều đay nghiến Hoạn Thư trước mặt Thúc Sinh. Còn đây, việc mời hai ân nhân mụ quản gia, vãi Giác Duyên: Xem cho rõ mặt biết tôi báo thù, tức nếu chỉ một mình Kiều báo thù cũng chưa hả dạ, phải có người thân thiết cùng chứng kiến. Chừng ấy sự việc đủ chứng tỏ: Hoạn Thư chết là cầm chắc. Bất cứ ai, kể cả hai vị ân nhân cũng không thể can thiệp xin giảm án cho Hoạn được.
Bởi vậy, nếu ở trên là gươm lớn, giáo dài thì bây giờ dưới cờ gươm tuốt nắp ra… Sẵn sàng chặt đầu tên chính danh thủ phạm ấy. Giáp mặt Hoạn Thư, Kiều liền nói ba ý: Thứ nhất một lời nói mát, nói kháy: Thoắt trông nàng đã chào thưa/ Tiểu thư cũng có bây giờ đến đây. Một lời chào khiêu khích, cố nén căm giận. Liền đây, Kiều tiếp ý thứ hai: Đàn bà dễ có mấy tay/ Đời xưa mấy mặt đời này mấy gan. Nói cách khác, Hoạn là kẻ thù không bình thường, kẻ thù không mấy ai phạm tội như thế. Cho nên, ý ba, báo trước bản án: Dễ dàng là thói hồng nhan/ Càng cay nghiệt lắm, càng oan trái nhiều…
Tất cả như một núi đá đè nặng lên thân phận Hoạn Thư. Ấy vậy là Hoạn cãi, Kiều lại tha tội…
Lê Xuân Lít