Thứ tư, 14/12/2011, 15h12

Thúy Kiều đi tu lần thứ nhất

Trong Truyện Kiều, Thúy Kiều ba lần đến cửa Phật nương nhờ và tu hành. Lần thứ nhất tại Quan Âm các, trong vườn nhà Hoạn thư. Lần thứ hai, sau khi trốn khỏi nhà Hoạn, Kiều đến Chiêu Ẩn am (nơi vãi Giác Duyên trụ trì). Lần thứ ba, bên sông Tiền Đường cùng vãi Giác Duyên chung chạ sớm trưa/ Gió trăng mát mặt muối dưa chay lòng.
Chỉ có lần thứ ba, Thúy Kiều mới yên lòng hướng về đất Phật. Hai lần trước, thế bắt buộc và đứng ngồi không yên. Tại sao, nói về nỗi khổ của Thúy Kiều, Nguyễn Du chỉ viết: Thanh lâu hai lượt, thanh y (làm con ở) hai lần? Thế còn Quan Âm các và Chiêu Ẩn am? Tuy cả hai lần đi tu Kiều có nỗi khổ riêng nhưng không thể sánh được với nơi dấm chualửa nồng ấy!
Chỉ biết, tại am thờ đức Quan Âm bồ tát, nơi vườn nhà Hoạn thư, đời Kiều lại trải qua một nỗi kinh hoàng đáng sợ. Điều ấy xin nói sau.
Đây là quang cảnh vườn nhà Hoạn thư. Nguyên truyện (KVKT) viết: Thúy Kiều trông ngắm bốn bề, thấy đây là một khu vườn đẹp, cỏ hoa bốn mùa, cảnh vật như xuân… (Tứ hạ quan vọng, thị hảo nhất sở viên tử, tứ thời hữu bất tuyệt chi hoa…). Nguyễn Du cho Hoạn thư nói: Sẵn Quan Âm các vườn ta/ Có cây cổ thụ có hoa bốn mùa… Phải chăng Nguyễn Du đã viết thành thơ ý tứ có trong KVKT? Một điều cực kỳ thú vị: nếu trong nguyên truyện chỉ ghi tứ thời hữu bất tuyệt chi hoa, Nguyễn Du giữ nguyên trong bốn chữ: Có hoa bốn mùa (Có cây trăm thước, có hoa bốn mùa). Cụ Nguyễn đã trồng thêm vào vườn nhà Hoạn thư có cây trăm thước! Nếu một khu vườn bốn mùa đều có hoa, một gia đình bình thường chỉ cần trồng trọt, vun xới trong vài tháng đã có. Còn cây trăm thước, những cây cổ thụ phải lâu đời, đời này qua đời khác, một gia đình trâm anh thế phiệt, nhà con ông tể tướng! Chỉ thêm mấy cây cổ thụ mà hai khu vườn hoàn toàn khác nhau. Nói dông dài về một chi tiết để thấy thêm sự kỹ lưỡng, tinh tế trong ngòi bút miêu tả của Nguyễn Du.
Trở lại với việc Thúy Kiều đi tu tại Quan Âm các. Phải nói Hoạn thư quá chu đáo trong việc cho Kiều đi tu. Trước hết là thay đổi y phục: từ áo xanh (áo con ở) sang mặc cà sa, kế đến là thay đổi tên gọi: hoa nô (con ở) nay có pháp danh Trạc Tuyền… Rồi sớm khuya tính đủ dầu đèn, Hoạn chu cấp đầy đủ mọi điều kiện cần có cho người đi tu. Chỉ một điều cần suy nghĩ: Hoạn lại cho hai cô gái Xuân và Thu theo hầu (nguyên truyện: Xuân Hoa và Thu Nguyệt). Thanh Tâm Tài Nhân và Nguyễn Du có ẩn ý gì trong việc bố trí hai cô gái lo chuyện hương trà? Bài sau sẽ nói rõ điều này.
Bước sang một cuộc sống hoàn toàn khác cảnh cũ, Thúy Kiều lại ngổn ngang tâm sự. Nàng gần với cảnh tu hành (dường gần rừng tía) và xa chuyện đau buồn của thế gian (dường xa bụi hồng). Hai chữ dường nghĩa là chưa dứt khoát. Dường giống với như  (như gần, như xa). Bởi tâm trạng Kiều còn mang nặng mối tình với Thúc sinh. Bởi nỗi đau nhân duyên như vết thương còn rớm máu. Cho nên Kiều trước cửa Phật cố lấy việc chép kinh khuây khỏa vùi lấp nỗi thảm sầu vẫn âm ỉ trong lòng. Một lần nữa Nguyễn Du lại tách hai chữ vùi - lấp (rấp) để nhấn mạnh: Phật tiền (trước đức Phật), thảm rấp, sầu vùi. Đã lấp, đã vùi có nghĩa là vẫn còn đấy một nỗi đau! Vì thế, Thúy Kiều phải sống bằng hai con người. Một là ăn nói cố gắng bình thường nhưng con người thứ hai là sống với dòng nước mắt (Nói lời trước mặt, rơi châu vắng người).
Làm sao Thúy Kiều có thể chịu đựng được cái cảnh tách biệt đôi nơi khi hai người cùng sống chung trên một mảnh vườn: Gác kinh - viện sách đôi nơi/ Trong gang tấc lại gấp mười quan san?
Phải chăng bề ngoài Hoạn thể theo nguyện vọng của Kiều cho Kiều đi tu, thực chất là giam lỏng, thực chất để Kiều - Thúc, hai người lặng lẽ chịu nỗi đau mới!
Lê Xuân Lít