Thứ tư, 4/1/2012, 15h01

Thúy Kiều nhận xét về Hoạn thư

Ở đời, sự bất quá tam. Thúy Kiều phải đến lần thứ tư mới hiểu hết Hoạn. Lần đầu, Kiều chỉ nghe lời đồn đại, phong thanh: Trộm nghe kẻ lớn trong nhà/ Ở vào khuôn phép, nói ra mối giường. Thúy Kiều chỉ nghi ngờ: E thay những dạ phi thường/ Dễ dò rốn bể khôn lường đáy sông! Thúy Kiều sợ đáy sông, sợ những dạ phi thường. Thúy Kiều suy tính, cảm nhận như vậy là đúng nhưng chỉ là nghe người khác nói mà suy luận, mà lo lắng. Phải chờ đến lúc gặp Hoạn mới biết. Lần thứ hai: Kiều hầu rượu, đánh đàn cho Thúc sinh - Hoạn thư thưởng thức; lần thứ ba sau khi Thúc lẻn ra Quan Âm các gặp Thúy Kiều và lần thứ tư: Hoạn là chính danh thủ phạm, Kiều là người trọn quyền xử án Hoạn thư. Lần thứ tư này, xin đến bài sau sẽ trình bạn đọc. Ở đây chỉ nói hai lần đau đớn của đời Kiều. Thử tìm xem giữa lần thứ hai và lần thứ ba, Kiều nhận thức về Hoạn có gì khác. Lần thứ hai Kiều nhận xét Hoạn ba điều: Thứ nhất về sự ghen tuông của Hoạn (Bây giờ mới rõ tăm hơi/ Máu ghen đâu có lạ đời nhà ghen). Thứ hai: Hoạn đưa Kiều-Thúc vào tình trạng không nhìn được nhau (Đã ra dường ấy ai nhìn được ai?) Thứ ba, Hoạn một con người có tính cách lạ thường: nhẹ như bấc, nặng như chì… Tất cả dẫn đến Thúy Kiều hoàn toàn bế tắc: còn gì là duyên? Bể sâu sóng cả có tuyền được vay? Qua lần thứ ba Thúc lén ra Quan Âm các tâm sự với Kiều, Hoạn biết tất cả nhưng nói cười như không. Bây giờ Thúy Kiều mới thật sự kinh hãi cho người đàn bà thế ấy thấy âu một người! Cụ Đào Duy Anh chú thích kinh hãi là sợ hãi, e không hết ý. Đây là từ ghép có hai trạng thái kinh sợ và hãi hùng. Thúy Kiều thật sự kinh sợ trước một Hoạn thư mà Thúy Kiều nghĩ trên đời chỉ có một người như thế. Sự kinh sợ và hãi hùng ấy không chỉ đến một lần, một lúc mà càng nghĩ càng thấy sợ, càng thấy lạnh người: Nghĩ càng thêm nỗi sởn gai rụng rời! Sống với con người như thế thật khiếp đảm. Hèn gì chàng Thúc phải ra người bó tay! (Thúc sinh có tên là Thúc Thủ - Thúc là bó thủ là tay. Đây là lối chơi chữ thường thấy ở các nhà nho thuở xưa, tiêu biểu nhất là các vế ra đối, kiểu như da trắng vỗ bì bạch. Nguyễn Du dùng tên nhân vật để suy ra tính cách nhân vật).
Làm rõ tính cách sâu sắc, thâm hiểm khác đời của Hoạn thư, cụ Nguyễn cho Thúy Kiều so sánh Hoạn với những người đàn bà khác ở trong tình cảnh này. Cụ viết liền sáu câu thơ: Thực tang bắt được dường này/ Máu ghen ai cũng chau mày nghiến răng/ Thế mà im chẳng đãi đằng/ Chào mời vui vẻ, nói năng dịu dàng/ Giận ru ra dạ thế thường/ Cười ru mới thực khôn lường hiểm sâu!
Cứ như chuyện đời thường thấy, người vợ nào bắt gặp chồng tự tình với người khác ắt phải la hét ầm ĩ, chửi bới đánh đập không dừng. Thúy Kiều nghĩ chau mày nghiến răng đã là tự kiềm chế mình hết mức. Đó là chuyện tối thiểu thường thấy, ở đây không hề có biểu hiện nào của sự ghen tức mà ngược lại chào mời vui vẻ, nói năng dịu dàng. Sao Hoạn đóng kịch đến mức không ai tưởng tượng nổi? Bởi Hoạn thư khác với những người phụ nữ bình thường. Nếu tỏ ra giận dữ, âu cũng thường tình. Cười mới che giấu tất cả, ai hiểu được bụng dạ của con người ấy? Giận ru ra dạ thế thường/ Cười ru mới thực khôn lường hiểm sâu!
Hoạn thư có thực tình được thế không, hay cụ Nguyễn cài chi tiết để Hoạn “kể công” với Thúy Kiều khi tội chỉ đáng chết, khi Thúy Kiều có binh hùng tướng mạnh trong tay, khi dưới cờ gươm tuốt nắp ra!
Lê Xuân Lít