Thứ tư, 18/4/2012, 10h04

Thúy Kiều xử án - bước một: Tạ ơn

Thúy Kiều hơn hẳn mọi người ở chỗ được đền ơn, báo oán. Báo oán cũng có nhiều người làm nhưng đền ơn dễ chừng không mấy ai toại nguyện. Đây, Thúy Kiều làm hai việc ấy cùng một lúc trong khung cảnh oai nghiêm, long trọng. Sòng phẳng với đời, âu cũng là một chuyện trong mơ. Nhưng với tài nghệ văn chương của cụ Nguyễn, chuyện ấy cứ sờ sờ diễn ra trước mắt ta mà hình như thời gian cũng không xa là mấy.
Điều tiên quyết, muốn được làm việc ấy phải có thực lực. Quân trung gươm lớn giáo dài/ Vệ trong thị lập cơ ngoài song phi/ Sẵn sàng tề chỉnh uy nghi/ Bác đồng chật đất tinh kỳ rợp sân…
Gươm thì lớn, giáo thì dài, quân đội có vệ trong, có cơ ngoài. Vệ là quân đội bảo vệ, quân ở Trung ương chịu trách nhiệm ở gần để đảm bảo an toàn cho chủ soái. Cơ là quân ở các tỉnh, chịu trách nhiệm vòng ngoài. Cách tổ chức quân đội như thế, Từ đã bước lên địa vị một Đại vương. Quân giữ vị trí ở trong, quân ở ngoài, tất cả tề chỉnh, có trật tự oai nghiêm.
Đấy là chuyện quân số đông, có tổ chức chặt chẽ. Còn đây, sự hùng mạnh của đội quân ấy: Súng ống để khắp nơi, súng liền với súng: Bác đồng chật đất. Nhìn lên trên, cái khoảng trời cao rộng ấy, chỉ có cờ xí đến nỗi bóng của cờ làm rợp cả sân! Oai phong của buổi lễ tề chỉnh, uy nghi đã rõ. Điều đáng chú ý là ai sẽ là người làm chủ buổi xử án. Từ Hải hay Thúy Kiều, hay cả hai người đều chủ tọa phiên tòa? Nguyễn Du viết một đoạn nghe mà sảng khoái trong lòng người đọc: Trướng hùm mở giữa trung quân/ Từ công sánh với phu nhân cùng ngồi.
Ở đoạn trước, không xa mấy, hai người đã cùng nhau trông mặt cả cười, họ đã dang tay về chốn trướng mai tự tình…, giờ đây: Từ công sánh với phu nhân cùng ngồi!
Bất ngờ hơn là Thúy Kiều xin ý kiến Từ về “chương trình xử án”, Từ rằng: “Việc ấy phó cho mặc nàng”. Như vậy, công lý đã trao tay trọn vẹn cho kẻ đã từng dưới đáy xã hội. Lại thêm một điều kì lạ: Trước Từ Hải, người chồng yêu quý của Kiều, Kiều lại dám nói những lời tình nghĩa với người yêu cũ: Nàng rằng: Nghĩa trọng nghìn non/ Lâm Tri người cũ chàng còn nhớ không? Đằm thắm, dịu dàng mà chan chứa tình sâu nghĩa nặng.
Với mụ quản gia, vãi Giác Duyên, những người phụ nữ đã cưu mang, cứu vớt Kiều, Kiều đã có hành động thật đáng yêu. Vừa mới đưa đến trước đã vội mời lên trên. Rồi mừng vui khôn xiết, Kiều như vội vàng để chóng gặp gỡ người tri ân: Dắt tay, mở mắt cho nhìn. Kiều lại nói Hoa nô kia với Trạc Tuyền cùng tôi!
Tuy là buổi xử án, Kiều đang ngồi ghế chánh án nhưng tất cả như mờ đi, chỉ còn cuộc gặp của những người thân thiết trong buổi sa cơ thất thế… Kiều lại vui mừng mời hai vị: Xin hãy rốn ngồi/ Xem cho rõ mặt biết tôi báo thù… Xem ra công lý đã đến tay những người bị đọa đày đau khổ?
Lê Xuân Lít