Thứ bảy, 22/10/2016, 22h20

Tiễn biệt một nhà văn lớn đậm chất Nam bộ

Theo nhà văn nữ Bích Ngân, cùng với 2 nhà văn Nguyễn Quang Sáng và nhà văn Anh Đức, Lê Văn Thảo là nhà văn thứ ba sinh trưởng ở miền Tây Nam bộ đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Bằng nhiều tác phẩm của mình, ông đã góp phần lớn cho diện mạo văn học Việt Nam, nhất là trong giai đoạn từng bước hội nhập với văn học thế giới.

Nhà văn Lê Văn Thảo lúc sinh thời (ảnh tư liệu)

1.Sáng 21-10, nữ biên kịch Bích Ngân - hội viên Hội Nhà văn Việt Nam nghẹn ngào báo tin buồn nhà văn Lê Văn Thảo đã ra đi… Không giấu được sự xúc động trước sự mất mát quá lớn của người đồng nghiệp, nhà biên kịch Bích Ngân chia sẻ: “Cùng với hai nhà văn Nguyễn Quang Sáng và nhà văn Anh Đức, Lê Văn Thảo là nhà văn thứ ba sinh trưởng ở miền Tây Nam bộ đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Bằng nhiều tác phẩm của mình, ông đã góp phần lớn cho diện mạo văn học Việt Nam, nhất là trong giai đoạn từng bước hội nhập với văn học thế giới. Ông là một tài năng mà càng cao tuổi, ông lại viết càng hay”. 

Theo lời kể của nhà văn nữ Bích Ngân, cuốn sách cuối cùng của ông ra mắt bạn đọc là tập truyện ngắn Nhỏ con, có chịu thôi đi không? Ở tập truyện này, Bích Ngân đã viết trong một bài giới thiệu:  “Ở tập truyện ngắn mới nhất này của nhà văn Lê Văn Thảo khi đã ngoài 70, ông không chỉ nói về những xô đẩy của thời cuộc, của lòng người; cũng không dừng lại việc mô tả sự khốc liệt của chiến tranh với hậu quả cuộc chiến với những mảnh bom và những phận người sau chiến tranh cùng những tàn dư sót lại khi cuộc chiến đã kết thúc, mà còn như là sự mở ra cho một cuộc đối thoại, một cuộc đối thoại lớn về phận người, về nhân dân và cả nhân loại… Và, đây đó ở tập truyện ngắn này, vẫn là những ưu tư ngàn đời của con người: từ đâu đến, đến để làm gì, rồi sẽ đi về đâu”…”.

Nhà văn Lê Văn Thảo từng nhận giải thưởng văn học Đông Nam Á (ASEAN) năm 2006 với tiểu thuyết Cơn giông. Ông cũng được tặng nhiều giải thưởng: Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, năm 2007. Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2012.

Trong nhiều lần trò chuyện với báo chí, ông thừa nhận mình là người mê sách và đọc rất nhiều sách. Hầu như thời sinh viên trong trường có sách gì là ông đọc nấy. Tính chân thực là phẩm chất đáng quý nhất là ông luôn coi trọng. Một chút phô trương, giả dối, làm dáng trong văn chương là hỏng. Nhà văn có tài là người biết bỏ cái gì chứ không phải viết cái gì. Nhà văn đâu chỉ nên miêu tả một cách khách quan, lạnh lùng về nhân vật và diễn biến sự việc, nhà văn phải biết lắng cảm xúc, có sự gạn lọc, không đứng ngoài, đứng trên sự thật, tác phẩm mới hay, thuyết phục được bạn đọc.

2.Văn chương với ông là lẽ sống, là nỗi niềm, thân phận, lương tâm, những trải nghiệm cuộc đời và đôi điều suy tư từ những năm tháng sống bản thân trải lòng với mọi người. Đến cuối cuộc đời ông vẫn còn nặng lòng với đề tài chiến tranh cách mạng vì các nhà văn chưa nói được hết. Ông tin tưởng vào lớp nhà văn trẻ tiếp tục cày xới đề tài chiến tranh để giải mã những vướng mắc khi chiến tranh đã lùi xa.

Nhà văn Triệu Xuân - hội viên Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ, trong hai nhiệm kỳ, nhà văn Lê Văn Thảo làm Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, tôi ở trong BCH hội đã thường phụ giúp với anh các công việc ở Hội đồng văn xuôi và cả chuyện đối ngoại. Gần gũi với anh tôi thấy anh là con người sống giản dị, đầy chân tình với bạn bè và người thân. Người viết bài này cũng có kỷ niệm với nhà văn Lê Văn Thảo khi anh cho quá giang xe về dự Đại hội Hội Văn nghệ Đồng Tháp cách đây gần 10 năm. Chưa đến ngày mà anh đã chủ động gọi điện cho nhà thơ nữ Thu Nguyệt nhắc phóng viên Báo Giáo dục TP.HCM đến đúng ngày đúng giờ để khỏi trễ chuyến xe. Đó là dịp may mắn để chúng tôi trò chuyện lâu nhất với nhà văn Nam bộ hiền lành, đầy nội lực văn chương về chuyện sáng tác và in sách trên quãng đường dài 150 cây số. Những ngày ở lại cùng ông tham dự đại hội, hầu hết anh em đều phấn khởi vì có dịp may ngồi đàm đạo văn chương với một nhà văn đi trước đậm chất Nam bộ hiền từ và hào phóng. Vậy mà bây giờ ông đã tiễn biệt những người thân yêu ra đi mãi mãi để lại bao điều dặn dò quý giá về sứ mệnh thiêng liêng cho một thế hệ nhà văn trẻ. 

Xin tiễn biệt ông, một nhà văn lớn đậm chất Nam bộ!

Quang Phan