Thứ bảy, 12/12/2009, 11h12

“Tiên học lễ” đang bị bỏ ngỏ

Sáng 10-12, Trung tâm Phát triển nghiệp vụ sư phạm (Viện Nghiên cứu giáo dục - ĐH Sư phạm TP.HCM) đã tổ chức hội thảo “Giáo dục văn hóa giao tiếp trong nhà trường”. Gần 50 giáo viên, cán bộ quản lý, nhà nghiên cứu giáo dục trên cả nước đã tham dự. Vấn đề đặt ra: "Tiên học lễ" đang bị bỏ ngỏ, nhiệm vụ của ai?

 

Giao tiếp giữa thầy và trò phải là cuộc đối thoại bình đẳng. Trong ảnh: học sinh Trường THPT tư thục Thái Bình, TP.HCM thực tập “làm quen với thầy cô giáo” sau khi học xong bài học về kỹ năng giao tiếp - một nội dung trong môn học kỹ năng sống (do nhà trường tự soạn và đưa vào giảng dạy) - Ảnh: H.HG.
Th.S Trần Đình Thích, Trường ĐH Cần Thơ, cho biết: “Xã hội còn chưa hết bàng hoàng khi nghe tin sinh viên xông thẳng vào văn phòng bộ môn ngoại ngữ ĐH Cần Thơ rượt đuổi, đâm chém thầy cô. Ngay sau đó, tiếp thêm vụ sinh viên tạt cả thau axit vào thầy giáo ngay trên bục giảng tại Trường ĐH Nông lâm TP.HCM. Nhìn thẳng vào sự thật sẽ thấy ngay: chúng ta nhận thức vấn đề chưa đúng mức nên ý thức xây dựng môi trường văn hóa giao tiếp, văn hóa học đường chưa cao.
Nhà trường hiện nay coi trọng việc trang bị kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, xem nhẹ thậm chí bỏ qua công tác giáo dục văn hóa học đường. Nhiều người còn cho rằng “tiên học lễ” chỉ dành cho học sinh bậc mẫu giáo, phổ thông, còn lên đến CĐ, ĐH chỉ tập trung cho việc học văn”.
Khi văn hóa giao tiếp xuống cấp
Theo GS Lê Ngọc Trà, ĐH Sư phạm TP.HCM: “Sự xuống cấp trong văn hóa giao tiếp hiện nay bộc lộ rõ nhất trong việc sử dụng tiếng Việt. Nói tục, chửi thề là một chuyện, quan trọng hơn là số lượng lớn thanh thiếu niên không nắm vững tiếng mẹ đẻ, không có khả năng diễn đạt ý nghĩ của mình. Các nhà trường đôi khi ưu tiên dạy văn hơn dạy tiếng, dẫn đến tình trạng trẻ có thể có cảm xúc nhưng không diễn đạt được, viết câu sai. Thiết nghĩ văn phải bắt đầu từ tiếng, bắt đầu từ cái đúng rồi mới đến cái hay”.
“Những điều xấu xa lẽ ra không thể có trong nhà trường lại đang diễn ra hằng ngày. Từ chuyện thầy giáo xâm hại tình dục, có hành động bạo lực với học sinh, xúc phạm học sinh dưới nhiều hình thức... đến chuyện học sinh hỗn láo với thầy cô, đâm chém nhau, bỏ thuốc chuột để hại tính mạng thầy giáo...
Hiện tượng trên có nhiều nguyên nhân, song một trong những nguyên nhân quan trọng là nới lỏng việc giáo dục văn hóa ứng xử trong nhà trường. Bởi cách hành xử như trên vốn xa lạ với truyền thống văn hóa dân tộc, đặc biệt là truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt Nam” - Th.S Đỗ Thị Hà Giang,  chuyên viên Sở GD - ĐT Bắc Giang, đặt vấn đề.
Nghiên cứu của GS Trần Ngọc Thêm, trưởng khoa văn hóa học ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho thấy văn hóa giao tiếp học đường ở ta đang bị chủ nghĩa cá nhân, vật chất chi phối, bị biến tướng (thói xấu dối trá không chỉ có ở học sinh mà có ở giáo viên), bị tư duy phong kiến và bao cấp áp đặt (quan hệ thầy trò thiếu dân chủ nên học sinh thiếu tự tin, thiếu sáng tạo...).
Nhiệm vụ của ai?
Tại hội thảo nhiều đại biểu cho rằng việc giáo dục thanh thiếu niên biết ứng xử có văn hóa không chỉ là nhiệm vụ của nhà trường mà gia đình, xã hội cũng cần tham gia. Theo nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần: “Văn hóa học đường phải được thực hiện từ trên xuống một cách đồng bộ và thống nhất, bắt đầu từ đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý của trường. Đội ngũ này cần phải có uy tín chuyên môn, có đạo đức để học trò kính trọng, noi theo. Bên cạnh đó, xã hội - cụ thể là phụ huynh - cũng nên chú trọng cách ứng xử của mình. Ở trường, học sinh được dạy phải lễ phép với người lớn, khi về nhà thấy cha mẹ mình làm điều ngược lại thì làm sao các em lễ phép được”.
Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã đề nghị bổ sung vào hệ thống các môn học trong nhà trường môn “văn hóa giao tiếp”, bắt đầu từ cấp tiểu học đến ĐH. Bởi nhiều sinh viên Việt Nam mới ra trường bỡ ngỡ với yêu cầu về khả năng giao tiếp của các nơi tuyển dụng. “Môn giáo dục công dân hiện tại đề cập quá ít đến văn hóa giao tiếp trong cuộc sống, đặc biệt là giao tiếp giữa thầy trò. Chưa kể vai trò môn giáo dục công dân cũng đang bị coi nhẹ - Th.S Hà Giang phân tích - Đội ngũ nhà giáo phải là một tấm gương về đạo đức và giao tiếp. Trên thực tế, nhiều học sinh coi những điều thầy cô nói, thầy cô làm là chân lý.
Giáo viên có tác động rất quan trọng đối với việc phát triển và hình thành nhân cách học sinh. Ngoài ra, mỗi trường học phải xây dựng một hệ giá trị văn hóa chuẩn mực trong giao tiếp học đường với những quy tắc ứng xử cụ thể. Đây sẽ là căn cứ đánh giá, xếp loại thi đua đối với cá nhân mỗi cán bộ, giáo viên và học sinh khi tổng kết năm học”.
GS Lê Ngọc Trà góp ý: “Ngoài việc giảng giải, thuyết phục mỗi ngày; trong mỗi bài học, trong từng việc làm, nhà trường và gia đình cũng phải tạo được môi trường giao tiếp thuận lợi, giúp học sinh mạnh dạn, tự tin bày tỏ suy nghĩ, tâm tư của mình.
Một không khí bình đẳng, dân chủ, đầy tình thương và bao dung, một thái độ thân thiện, không áp đặt sẽ là môi trường giao tiếp tốt và là môi trường giáo dục lý tưởng. Trong đó trẻ em sẽ tự nguyện đến với người lớn, thầy giáo sẽ tiếp cận được từng cá thể học trò”.
Giáo dục nếu muốn trở thành hoạt động giao tiếp thì bản thân những người tham gia giao tiếp (giáo viên, học sinh, phụ huynh, xã hội...) phải cùng mở lòng. Người tác động (giáo viên, phụ huynh, xã hội...) phải xem việc tác động ấy là hoạt động giao tiếp bình đẳng hai chiều.
Người chịu tác động (học sinh - đối tượng của hoạt động giáo dục) cũng mở lòng đón nhận cuộc giao tiếp và đủ tự tin để xem đó là cuộc đối thoại (dám nói, dám trao đổi). Điều này từ trước đến nay trong giáo dục truyền thống rất hiếm thấy, vì giáo dục chủ yếu là truyền đạt tri thức một chiều.
Thầy nói học trò nghe, phụ huynh nói con em nghe. Những gì họ nói là đúng, là chân lý, miễn tranh luận. Theo nếp xưa ấy, học trò không bao giờ dám đặt mình là đối tượng được đối thoại với người giáo dục”.
Th.S Nguyễn Thị Kim Ngân, ĐH Sư phạm TP.HCM
HOÀNG HƯƠNG/TTO