Thứ ba, 20/6/2017, 19h56

Tiếp nối ước mơ của thầy Khê

Là “môn đồ” của cố GS.TS Trần Văn Khê, diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang đã cùng với thầy mình thực hiện được hơn 10 chương trình vinh danh văn hóa thì GS mất. Dù trở thành người độc hành trong kế hoạch và những dự định còn dang dở của hai thầy trò, nhưng diễn giả vẫn nỗ lực nghiên cứu nhằm phục vụ cộng đồng, theo như mong muốn của người thầy đáng kính.

Diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang (bìa trái) với chương trình chuyên đề “Em yêu trang sử Việt Nam” tại Trường THPT Lương Văn Can (quận 8)

Cơ duyên thầy - trò

Diễn giả Hồ Nhật Quang cho biết, anh may mắn có dịp được gặp gỡ GS.TS Trần Văn Khê vào năm 1995, khi GS về Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM tham gia buổi nói chuyện chuyên đề về nghệ thuật sân khấu. Vốn là con cháu của thủ hội tề đình làng ở Mỹ Tho, chàng sinh viên trẻ đã làm cho GS.TS Trần Văn Khê không khỏi ngạc nhiên trước những hiểu biết của anh về những nét văn hóa cổ xưa của dân tộc. Cũng vì nhận thấy điều đặc biệt này, nên GS đã đề nghị anh làm một số đề án cho ông xem. Nhờ có động lực thôi thúc, anh Quang đã nỗ lực sưu tầm thơ ca và miệt mài làm việc để cho ra đời những đề án tâm huyết. Sau khi xem đề án của “trò mới”, GS. Khê đã đồng ý và bàn bạc với anh kế hoạch làm việc cụ thể.

Kể về chương trình đầu tay với chủ đề “Ẩm thực của Nam bộ qua thơ ca” mà hai thầy trò dự định thực hiện vào ngày 12-9-2014, anh Quang cho biết, chương trình này GS nói lời mở đầu, còn anh phụ trách phần thuyết trình. Anh Hồ Nhựt Quang cho biết, kể từ chương trình đầu tay, anh cùng GS.TS Trần Văn Khê thực hiện được hơn 10 chương trình thì GS mất. Nhằm tiếp tục thực hiện ước nguyện của người thầy đáng kính, diễn giả văn hóa Hồ Nhật Quang vẫn nỗ lực nghiên cứu và cùng với các thành viên Câu lạc bộ (CLB) “Giá trị truyền thống Việt”, các nghệ sĩ CLB Nghiên cứu và vinh danh văn hóa Nam bộ xưa tổ chức các chương trình vinh danh văn hóa ở nhiều nơi. Trong đó có chương trình được tổ chức ở đình, khu di tích lịch sử Văn miếu Trấn Biên, doanh nghiệp, trường học, với các chủ đề như “Hình ảnh người phụ nữ trong tác phẩm nghệ thuật sân khấu miền Nam”, “So sánh sự độc đáo nghệ thuật hát bội và cải lương”, “Tinh thần tôn sư trọng đạo xưa và nay”...

Đưa sân khấu hóa lịch sử vào học đường

Tốt nghiệp cử nhân Đông phương học chuyên ngành Nhật ngữ, là hướng dẫn viên du lịch kỳ cựu, diễn giả Hồ Nhựt Quang đã từng có sáng kiến vẽ tay một bộ tranh bằng bản A3 về lịch sử nước nhà từ thời Hùng Vương cho đến năm 1975, nhằm làm tư liệu cho khách du lịch xem mỗi khi đi tour. GS.TS Trần Văn Khê đã có lời khen ngợi phương pháp trực quan sinh động này của anh, nhưng ông khuyến khích học trò “nếu xây dựng lịch sử thành tuồng tích thì càng hay hơn nữa”. Nhờ có lời động viên của thầy, anh Hồ Nhựt Quang đã nỗ lực xây dựng nên rất nhiều kịch bản về các nhân vật lịch sử đất Việt. Trong đó có hơn 30 kịch bản để phục vụ cho các chương trình chuyên đề ở trường học. Nội dung chủ yếu nói về các nhân vật lịch sử tiêu biểu như “Hào khí Trưng Vương” (nói về Hai Bà Trưng), “Hận Nam Quan” (tình cảm của cha con ông Nguyễn Trãi), “Khóc Võ Tánh” (tâm sự của công chúa Ngọc Du khóc chồng), hoặc tác phẩm nói về bà Nguyễn Thị Tồn vượt ngàn thiên lý từ Nam ra Huế để minh oan cho chồng là ông Bùi Hữu Nghĩa bị hàm oan… Theo diễn giả Hồ Nhựt Quang, hình thức sân khấu hóa với những kịch bản cô đọng (thời lượng từ 7 phút đến 20 phút) giúp tái hiện khung cảnh và các nhân vật lịch sử một cách sống động. Qua đó, giúp HS dễ ghi nhớ những sự kiện lịch sử, làm cho môn học thêm sức hấp dẫn, đồng thời góp phần hun đúc thêm niềm tự hào về lịch sử dân tộc cho thế hệ trẻ.

Diễn giả Hồ Nhựt Quang khẳng định: “Nhờ có thầy nâng bước tôi mới trở thành diễn giả văn hóa như ngày hôm nay. Tôi cảm nhận ngọn lửa truyền của GS. Trần Văn Khê rất mãnh liệt và tôi nguyện giữ tình yêu đó để chia sẻ nhiều hơn nữa cho cộng đồng”. 

Diễn giả Quang cho biết, đều đặn mỗi tháng, trên địa bàn thành phố thường có khoảng 2-3 trường đăng ký tổ chức chuyên đề với CLB “Giá trị truyền thống Việt”, về các chuyên đề như hào khí của dân tộc, phong tục tập quán, nghề xưa của Nam bộ, hình của người phụ nữ hoặc lễ giáo của Nam bộ xưa…

Diễn giả Hồ Nhựt Quang lưu ý, trước đây trong trường học đã từng có thoại kịch lịch sử về Hai Bà Trưng hoặc Quang Trung - Nguyễn Huệ, nhưng về sau hình thức này đã bị nhạt nhòa và mất dần. Do đó, trước đề xuất của các em HS, diễn giả Hồ Nhựt Quang khẳng định: “CLB sẵn sàng hỗ trợ và sát cánh cùng các em HS trong việc đưa sân khấu hóa môn lịch sử vào giờ học nếu được nhà trường cho phép. Vì khi tham gia vào chương trình sân khấu này, đồng nghĩa với việc các em đồng hành với chúng tôi trong vấn đề nghiên cứu, đồng thời phát huy năng khiếu về sân khấu còn tiềm tàng. Ngay cả khi các em đào sâu kiến thức để sắm vai, cũng là một phương pháp giúp HS ghi nhớ kiến thức rất tốt”.

Nguyện chung tay cho việc đưa sân khấu hóa vào học đường, bên cạnh những người trẻ chuyên nghiệp từng tốt nghiệp trường sân khấu như anh Quốc Nhật, chị Mỹ Tiên, hoặc có xuất thân từ đoàn cải lương như anh Minh Hòa, CLB “Giá trị truyền thống Việt” còn có sự góp mặt của anh Nguyễn Long Hồ (nhân viên của Saigontourist) và anh Lý Trung Tín (giảng viên Khoa Công nghệ thông tin thuộc Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP). Với nhiều cơ duyên khác nhau, nhưng có chung niềm đam mê cống hiến cho nghệ thuật phục vụ cộng đồng, nên họ đã và đang cùng chung tay góp sức với ước mong đưa sân khấu hóa vào học đường, để giúp các em HS yêu thích môn lịch sử Việt hơn.

Bài, ảnh: Bích Vân