Thứ tư, 23/3/2011, 16h03

Tiết học toán theo yêu cầu đổi mới

Tùy vào tình hình của lớp học mà giáo viên vận dụng cách dạy theo chuẩn kiến thức kỹ năng (ảnh minh họa). Ảnh: N.Anh
Yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học môn toán là người thầy phải dạy học sáng tạo, phát huy tính tích cực chủ động của học sinh và biết ứng dụng CNTT vào trong từng tiết dạy.
Cụ thể, nếu dạy bài: Sự xác định đường tròn, tính chất đối xứng trong đường tròn” theo phương pháp truyền thống thì giáo viên chỉ cần chuẩn bị thước kẻ và com-pa là đủ. Nhưng để có một giờ dạy theo phương pháp đổi mới thì giáo viên phải trang bị thêm đèn chiếu projector, giáo án điện tử, bảng từ, sơ đồ luân chuyển nhóm. Ngoài SGK, thầy cô nên cho học sinh chuẩn bị một tấm bìa vẽ trước đường tròn. Sử dụng tiện ích của giáo án điện tử không chỉ phát hiện kiến thức một cách sinh động, hứng thú và khoa học mà còn giúp cho các em tái hiện nhanh kiến thức cũ đã được “nạp” từ trước.
Trong bài Sự xác định đường tròn, tính chất đối xứng trong đường tròn”, giáo viên tạo một điểm M di động trên màn hình cách điểm O cố định một khoảng R > 0 không đổi rồi yêu cầu học sinh nhận xét điểm M tạo thành đường tròn. Từ trực quan sinh động đó, bất kỳ học sinh nào cũng đưa ra được định nghĩa đường tròn dù có “học trước quên sau”. Qua 3 điểm M nằm trong, ngoài và trên đường tròn R mà giáo viên tạo ra, các em sẽ dễ dàng phát hiện được hệ thức liên hệ giữa độ dài đoạn OM với bán kính R. Sau đó với một động tác đơn giản là thầy cô chỉ cần tô màu đường tròn và phần bên trong của đường tròn là các em “thừa sức” định nghĩa đường tròn một cách chính xác nhất.
Trong hoạt động 2, giáo viên yêu cầu thực hành bằng cách vẽ hình tròn từ kết luận: “Nếu biết tâm O và bán kính R, ta vẽ được một đường tròn”. Cũng từ những hình tròn do các em vẽ được, giáo viên tiếp tục giới thiệu 2 cách xác định đường tròn và vô số đường tròn đi qua một điểm A cho trước. Sang hoạt động 3, giáo viên nên thay đổi cách đặt câu hỏi để các em vừa phát hiện “Đường tròn có phải là hình có tâm đối xứng không?” và câu hỏi suy luận: “Giải thích tại sao?” để học sinh tự giải quyết được vấn đề. Giáo viên chỉ cần yêu cầu một nhóm HS lên bảng trình bày, rút ra kết luận và hướng dẫn các nhóm khác nhận xét, đánh giá phần trình bày của nhóm bạn: “Đường tròn là hình có tâm đối xứng và tâm đối xứng của đường tròn là tâm O”. Ở công đoạn cuối, thầy cô đánh giá phần trình bày của các nhóm và đúc kết sau khi cho học sinh quan sát lại quá trình chứng minh đường tròn là hình có tâm đối xứng một cách sinh động, tường minh trên màn hình. Tương tự ở hoạt động 4 của bài, giáo viên cũng dắt dẫn các em đi theo con đường đó sau khi treo hình đã vẽ trên bảng để đi đến kết luận: “Đường tròn là hình có trục đối xứng, trục đối xứng là đường kính” và: “Đường tròn có vô số trục đối xứng”. Như vậy giáo viên đã tổ chức cho các em sử dụng thao tác tư duy để tự phát hiện và tự giải quyết vấn đề.
Ở hoạt động (củng cố) giáo viên nên dành 10 phút trở lại để ra một bài tập xung quanh kiến thức: Tâm đối xứng và trục đối xứng của đường tròn. Trước khi hướng dẫn học sinh học và rèn luyện ở nhà, giáo viên nên thông báo sơ đồ nhóm cho buổi học sau với mục đích giúp học sinh có thêm đối tác để trao đổi và thảo luận vấn đề.
Tùy vào tình hình cụ thể từng lớp mà giáo viên vận dụng cách dạy theo chuẩn kiến thức kỹ năng, đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực hóa hoạt động học tập của học sinh, chống đọc - chép thụ động mà không hiểu bản chất của vấn đề. Làm được như vậy thì dù môn toán có khó và khô đến mấy các em học sinh cũng không chán và sợ như trước nữa.
Huỳnh Ngọc Chung
(GV Trường THCS Cầu Kiệu, Phú Nhuận)