Thứ bảy, 18/2/2017, 21h01

Tin y tế

Đi bộ nhanh thường xuyên có thể giúp tránh các cơn đau tim ở phụ nữ. Đây là kết luận của nhóm các nhà nghiên cứu tại Học viện Điều dưỡng Decker thuộc Đại học Binghamton (bang New York, Mỹ) sau khi khảo sát trên 70 phụ nữ từ 29-79 tuổi và độ tuổi trung bình là 55, sống tại vùng nông thôn thuộc bang New York. Người tham gia được yêu cầu đi bộ ít nhất 150 phút/tuần trong vòng 10 tuần và được khích lệ bước nhanh hơn để nhận phần thưởng ở cuối buổi tập. Nhóm nghiên cứu kiểm tra thể trọng, huyết áp, mức độ cholesterol của người tham gia và nhận thấy các chỉ số này (vốn liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim) đều được cải thiện đáng kể. Từ đó, họ kết luận đi bộ nhanh có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim trong ngắn hạn. Những người tham gia cũng được yêu cầu tiếp tục đi bộ nhanh để nhóm nghiên cứu có thể đánh giá nguy cơ cơn đau tim vào 10 năm sau.

Phát hiện bệnh Parkinson nhờ xét nghiệm máu. Mới đây, các nhà khoa học từ Đại học Lund (Thụy Điển) cho biết, dựa vào một loại protein đặc biệt, giờ đây họ có thể phân biệt những người bị bệnh Parkinson và những người mắc hội chứng Parkinson do các rối loạn thoái hóa thần kinh khác (như sa sút trí tuệ thể Lewy, liệt trên nhân tiến triển, thoái hóa đa hệ thống và thoái hóa hạch nền - vỏ não) chỉ nhờ xét nghiệm máu thông thường. Các nhà khoa học nhận thấy một protein dạng sợi (neurofilament) có thể giúp phân biệt bệnh Parkinson và các rối loạn thoái hóa thần kinh khác. Loại protein này là một thành phần cấu tạo nên các tế bào thần kinh, được phát hiện trong máu và dịch não tủy khi các tế bào thần kinh chết đi.

Thúy Nga (tổng hợp)