Thứ ba, 21/6/2016, 10h09

Tình yêu nơi miền biên viễn

22 năm ở lại với rừng, gắn bó với công tác giảng dạy và quản lý ở các trường Tiểu học Thanh, A Xing (vùng Lìa) cho đến Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), thầy Nguyễn Mai Trọng đã “đóng dấu” vào lý lịch sự phát triển giáo dục miền biên viễn bằng sự tận tâm, nhiệt huyết yêu nghề với các phương pháp giảng dạy mang tính trực quan đột phá. Thầy bảo, ngần ấy thời gian ở lại với rừng chưa đủ, bởi nơi ấy đã có “người ấy” - Đó là HS và bà con Vân Kiều!

Thầy Trọng giới thiệu các đặc trưng văn hóa Bru - Vân Kiều cho HS

Những “dấu son đỏ” ở miền biên

Cậu bé Vân Kiều nước da màu đồng hun, ôm ngang chiếc cặp sách nhảy chân sáo ra cổng, gương mặt nở nụ cười rạng rỡ khoe: “Ba ơi, trường con đã có phòng máy tính rồi. Chừ con có thể thi giải toán qua mạng hay học tiếng Anh, tin học mà không phải đi xin thi nhờ nữa. Thậm chí con còn nhìn thấy cả những miền đất khác, các bạn bè ở miền xuôi, thành phố mà không phải đi xa!”. Cha cậu bé, một người đàn ông người Vân Kiều suốt đời gắn với nương rẫy, núi rừng tuy chưa hiểu rõ cái mạng máy tính mà con vừa nhắc đến vẫn nở nụ cười mãn nguyện. Ở các trường học miền núi, để có phòng máy tính không phải là chuyện dễ dàng. Đó là tâm huyết của thầy Hiệu trưởng Nguyễn Mai Trọng sau thời gian dài vận động, tìm nguồn hỗ trợ.

Thầy Trọng kể: “Trường không có máy, mấy năm nay cứ đến mùa thi giải toán qua mạng cho HS là nhà trường phân công cho các GV có máy tính đảm nhiệm việc hướng dẫn cho HS dùng máy, rồi tham gia thi. Nhưng vì thế số lượng HS tham dự không nhiều. Để tất cả HS có thể tiếp cận được CNTT, tiến kịp các bạn miền xuôi, tôi vận động từ các mạnh thường quân và phụ huynh được 15 máy tính. Bàn ghế thì tận dụng đồ cũ, mua lại ghế nhựa thanh lý. Ghế tuy cũ nhưng vẫn đảm bảo chỗ ngồi cho HS học. Không chỉ thi giải toán, trường còn mở lớp học tin học, hướng dẫn cho HS học tiếng Anh, tìm hiểu các nguồn tư liệu qua internet…”.

Mô hình bản đồ Việt Nam làm từ đá cuội ở giữa sân trường

Giữa trưa, cái nắng chao chát dội xuống núi rừng miền Tây nhưng khung cảnh sân trường vẫn mát dịu. Thầy dẫn khách dạo một vòng quanh sân trường. Giới thiệu về bức tường xanh mướt bởi cây cỏ, bể hoa súng, cạnh đó là không gian bài trí bàn cờ vua, mô hình chơi ô ăn quan được vẽ ngay trên nền xi măng… Lũ học trò giờ ra chơi tụm năm tụm ba hào hứng chơi. Cạnh không gian xanh là vườn treo hoa phong lan, khu nuôi những chú chim cu gáy để tạo không gian thân thiện, cảm giác như đang sống, làm việc trong chính ngôi nhà của mình.

Một điểm “nhấn” khác trên sân trường là bản đồ Việt Nam với đầy đủ các đảo và quần đảo của Tổ quốc. Bức tranh Thánh Gióng và nhà sàn Bác Hồ… tất cả được ghép bằng đá cuội. Và cột mốc chủ quyền biển đảo Trường Sa xây dựng bằng nhựa mica ngay trước lối chính của dãy trường học. Thầy Trọng cho biết: “Kiến thức từ sách vở, tài liệu với các em còn chưa đủ, nhất là đối với HS bậc tiểu học thì cần có mô hình trực quan sinh động mới nâng cao hiệu quả giáo dục cho các em. Từ ý nghĩ đó, tôi cùng GV nhà trường phác thảo ý tưởng, thực hiện các mô hình này”. Để hoàn thành các mô hình trên, từ giữa năm 2014, vào ngày nghỉ, thầy trò lại cùng nhau ra con suối cách trường 5 cây số, nhặt nhạnh từng hòn đá cuội. Mô hình được cô Lê Thị Niềm - GV trường - phác thảo bằng máy tính rồi phóng kích cỡ ra thực tế. Có được mô hình chuẩn, thầy trò lại quên ăn, quên ngủ gắn đá cuội, trồng cây xanh hai bên bản đồ… “Nếu mình cứ dạy học trò trên sách vở mà không tạo điều kiện cho các em hình dung về thực tế thì những bài học dù căn bản đến đâu cũng khó đọng lại trong trí nhớ các em. Cách làm của tôi cùng đồng nghiệp cốt để cho các em có cái nhìn thấu đáo, sâu rõ về cội nguồn của mình. Tình yêu Tổ quốc phải bắt nguồn từ sự tường tận về lịch sử của mình”. “Áp dụng các mô hình trực quan vào các tiết học lịch sử, địa lý… các em HS rất hào hứng và nhớ bài rất lâu. Thậm chí giờ chơi trên sân trường, chỉ cần nhìn qua mô hình, HS cũng có thể nói về các sự kiện đó một cách trôi chảy”, cô Hồ Thị Hoa Tỵ nói thêm.

Trả nợ ân tình

Trong khuôn viên sân trường, ngoài những điểm nhấn đầy thu hút ấy, còn có một ngôi nhà đậm chất nhà sàn truyền thống của đồng bào vùng cao. Chậm rãi bước lên những bậc thang nhà sàn, thầy Trọng kể: “Hơn 20 năm gắn bó với đồng bào, chứng kiến nhiều sự đổi thay. Phục dựng ngôi nhà sàn này với gần 40 hiện vật mang đậm đặc trưng văn hóa, nếp sinh hoạt của đồng bào như gùi, a chói, khèn, tẩu thuốc, áo thổ cẩm… nhằm mục đích lưu giữ và giới thiệu cho HS hiểu hơn về văn hóa truyền thống của cha ông mình, góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa đặc trưng trước muôn vàn đổi thay, đồng hóa. Phần nữa là tôi muốn làm điều gì đó để tri ân bà con đã chung tay, đồng lòng cùng mình trong sự nghiệp gieo chữ nơi đại ngàn này”.

Hôm thầy Trọng cùng đồng nghiệp làm lễ khánh thành nhà sàn, rất đông bà con Bru - Vân Kiều có mặt từ sớm. Nhiều người mang theo cả các hiện vật đến tặng. Già làng AChoãiq P-Rỉa, ở thôn Xa Ry run run trao chiếc tẩu thuốc nặn bằng đất sét đã lưu giữ hơn 40 năm, nói tiếng Kinh thật chậm: “Chiếc tẩu này, già từng yêu quý như kỷ vật gia truyền. Nhiều người còn đòi đổi cả con lợn nửa tạ nhưng già không đổi. Nay già tặng lại cho trường để giữ gìn và giới thiệu đến các cháu”. Từ đó, nhà sàn trở thành điểm đến của các HS trong giờ ngoại khóa. Nhiều già làng cũng tìm đến uống ly rượu làm từ lá cây rừng, nâng niu từng hiện vật như gợi lại một quá vãng tuổi ấu thơ của họ.

Không gian xanh có nhiều mô hình trò chơi dân gian phục vụ HS giờ ra chơi

Tiếng trống đổi giờ vang lên giòn giã, từng nhóm học trò ùa vào nhà sàn. Chăm chú lắng nghe thầy Hiệu trưởng giới thiệu nguồn gốc từng hiện vật. Từ chiếc gùi thường gắn với đôi vai người bà, người mẹ đến chiếc khèn của cha… Mỗi hiện vật là một câu chuyện gần gũi với đời sống của lũ học trò. “Bây giờ con thấy bố mặc nhiều áo quần vải mua từ miền xuôi lắm. Nếu không được thầy giới thiệu về chiếc áo “A da” (trang phục truyền thống của người Bru - Vân Kiều) thì có lẽ con chỉ nghĩ đó là một chiếc áo dệt thổ cẩm mà thôi”, em Hồ Thị Huyền Trang chia sẻ.

Tình yêu có lối đi riêng

Hôm tôi đến trường, thầy đang trăn trở với mô hình dẫn nguồn nước suối về sân trường, tạo cảnh quan với các dòng chảy đổ xuống khu vực một hồ nước. Chính giữa hồ là mô hình đảo Gạc Ma với các chiến sĩ đang tạo thành vòng tròn bất tử để bảo vệ Tổ quốc trước quân thù hung bạo. Thầy bảo, với mô hình này mình sẽ đưa vào giờ học ngoại khóa về giá trị tài nguyên nước và bài học lịch sử về trận hải chiến Gạc Ma năm 1988 cho các thế hệ học trò. Cùng với đó, thầy đang tiến hành làm nhà chờ cho phụ huynh: “Cứ mỗi ngày tan trường, phụ huynh đến đón con phải đội nắng mưa ngoài cổng trường nên tôi quyết tâm dựng một cái nhà chờ, đồng thời đặt ở đó kệ để sách báo và các văn bản liên quan cho phụ huynh đọc trong khi đợi con”. Hỏi thầy kinh phí đâu? Thầy cười: “Ở tấm lòng các mạnh thường quân!”. Đến như phòng máy, vận động chưa đủ, thầy nợ đến 10 triệu đồng. “Làm được cái gì cho HS thì mình cứ làm. Làm một cách minh bạch và hiệu quả thì các nhà hảo tâm họ sẽ ủng hộ!”, thầy nói.

Hỏi thầy đã cạn ý tưởng chưa? Thầy cười: “Còn nhiều lắm. Ngôi trường như chính mảnh vườn nhà của mình. Có chăm chút từng li từng tí một mới có được vườn cây trái tươi xanh”. Tôi nghiệm ra rằng, “mảnh vườn” của thầy chăm chút 20 năm qua, đã có nhiều thế hệ học trò trưởng thành, có vị trí trong xã hội. Nhắc đến chặng đường đã qua, thầy thoáng suy tư: “Hồi đầu tiên tôi nhận công tác dạy học ở xã Thanh, được một tuần là bị sốt rét, phải chống gậy đi với sự hỗ trợ của đồng nghiệp. Hai năm sau được phân công làm Hiệu trưởng. Ngày đó đường sá không thuận tiện như bây giờ, mỗi lần ra Khe Sanh họp, xa mấy chục cây số, vào mùa lũ phải bơi qua khe Bản Giai (xã Thuận). Không sợ lũ cuốn mà chỉ sợ... mất con dấu. Đường xa, đi bộ rồi đến đi xe đạp (do dự án ABE tài trợ), mãi tới năm 1998 mới có xe thồ”. Vậy điều gì còn đọng lại sau những tháng năm ấy? (Tôi hỏi). Thầy bảo: “Ân tình với đồng bào. Đêm đầu tiên ở lại trường, Pả Dương người Vân Kiều dẫn đi ăn món C-Leng dê (ruột non dê), thấy đăng đắng khó nuốt nhưng vẫn ăn. Ăn xong bố nói “Con mới ăn… c…ứ…t dê đó”. Ngày đó một buổi học, buổi còn lại đi vận động HS tới trường, phụ huynh không hợp tác là chuyện thường. Ngoài giờ dạy, GV tự cải thiện để có thực phẩm dùng, tự mày mò học tiếng đồng bào để sinh tồn… Thế mà không hề nản, trách nhiệm của mình là thay đổi nhận thức cho phụ huynh và HS”, thầy nói nghe nhẹ bẫng.

Cái nắng miền Tây càng về chiều càng chao chát. Trên chặng đường tiễn khách, tôi đánh bạo hỏi thầy bao giờ về xuôi? “Ở nơi này mình lỡ gắn bó với “người ấy” rồi”, thầy nói. “Người ấy” của thầy là HS và bà con Vân Kiều! Nhiều người bảo thầy “hâm” khi bỏ qua nhiều cơ hội về xuôi. Thầy vẫn đứng đó, trên ngọn đồi cao, nơi ngôi trường xanh tươi rộn rã tiếng học trò giữa chiều tan lớp, đưa bàn tay vẫy chào tiễn khách. Có lẽ với người thầy ấy: Tình yêu có lối đi riêng!

Phan Vĩnh Yên