Thứ năm, 10/12/2015, 23h40

TNGT giảm nhưng chưa bền vững

Vừa qua, tại Hà Nội, Ủy ban ATGT quốc gia đã tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm công tác bảo đảm trật tự, ATGT giai đoạn 2011-2015 và định hướng nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và phát biểu tại hội nghị.

5 năm trên 48.000 người chết vì TNGT

Theo báo cáo của Ủy ban ATGT quốc gia, trong 5 năm qua, số vụ TNGT, số người chết, người bị thương vì TNGT đã giảm. Tuy nhiên, trong 5 năm qua, toàn quốc xảy ra 158.125 vụ TNGT làm chết 48.015 người, bị thương 162.058, giảm 34.835 số vụ tương đương 18,06%, giảm 12.393 người chết (giảm 20,52%), giảm 46.583 số người bị thương, tương đương trên 22%. Riêng 11 tháng đầu năm 2015, cả nước xảy ra 20.628 vụ, làm chết 7.971 người, làm bị thương 18.883 người. So với cùng kỳ năm 2014 đã giảm 2.628 vụ, giảm 301 người chết và giảm 3.551 người bị thương.

Hiện trường một vụ TNGT của xe đầu kéoẢnh: T.L

Bên cạnh đó, trong 5 năm qua, nhiều công trình giao thông đã được hoàn thành, nhiều công trình hiện đại đã được đưa vào khai thác như dự án mở rộng quốc lộ 1A, các đường cao tốc như Nội Bài - Lào Cai, Thái Nguyên - Hà Nội, Hải Phòng - Hà Nội… Đã tiến hành xây dựng mới, nâng cấp được 47.436km đường giao thông nông thôn, mở mới 61.400km đường thôn xóm, xây mới 15.474 cây cầu…

Đánh giá về những kết quả đã đạt được trong 5 năm qua, Ủy ban ATGT quốc gia cho biết TNGT giảm liên tục cả 3 tiêu chí: Số vụ, số người chết, bị thương so với giai đoạn trước. Trong kỳ, tính từ 2011 đến 2015, TNGT giảm trên 50% số vụ. Một số địa phương đạt kết quả nổi bật trong 5 năm là Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Tây Ninh, Đà Nẵng. Ùn tắc giao thông tại Hà Nội, TP.HCM và một số trục giao thông chính đã từng bước được khắc phục. Sau 5 năm, số người chết vì TNGT mỗi ngày giảm từ 32 người xuống còn 24 người.

Bên cạnh đó, Ủy ban ATGT cũng khẳng định còn một số bất cập, tồn tại. Tình hình trật tự ATGT vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, số người chết và bị thương vì TNGT vẫn còn ở mức cao; vẫn còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng; năm 2015, TNGT ở một số địa phương và lĩnh vực đường thủy, đường sắt tăng cao; tình trạng vi phạm chở quá tải trọng đã giảm mạnh nhưng còn diễn biến phức tạp, còn hiện tượng cơi nới thành thùng xe trái quy định; tình trạng ùn tắc giao thông lại có hiện tượng tái diễn phức tạp tại TP.Hà Nội, TP.HCM…

Giáo dục ý thức giao thông từ trường học

Hiện trường một vụ TNGT xe máy. Ảnh: H.T

Theo Ủy ban ATGT quốc gia, mục tiêu chung trong thời gian tới giảm từ 5-10% số vụ, số người chết, số người bị thương do TNGT hàng năm; giảm TNGT đặc biệt nghiêm trọng; từng bước giải quyết ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM. Thực hiện Năm ATGT hàng năm với chủ đề phù hợp, mục tiêu tính mạng con người là trên hết.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Để đảm bảo trật tự ATGT trong thời gian tới, không có con đường nào khác là phải giáo dục ý thức giao thông từ trong trường học. “Singapore và Nhật cách đây mấy chục năm họ cũng như Việt Nam. Nhưng kinh nghiệm của họ cho thấy nhờ giáo dục tốt mà họ đã đạt được mục tiêu”. 

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sau 5 năm, đảm bảo trật tự ATGT đạt kết quả tốt, giảm cả 3 tiêu chí. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng vẫn còn bất cập. Ví dụ như TNGT còn nhiều phức tạp, nhiều vụ TNGT nghiêm trọng vẫn xảy ra, số người chết vì TNGT có giảm nhưng giảm chậm. Trước đó, bên lề hội nghị, trao đổi với báo chí, Phó Thủ tướng cũng cho rằng TNGT đã giảm nhưng chưa bền vững. Mỗi năm, vẫn còn 9.000 người chết vì TNGT. Trách nhiệm này rất lớn. Tình trạng xe quá tải vẫn còn. “Theo báo cáo, xe quá tải đã giảm 85%, như vậy vẫn còn 15% nữa” - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định. Vi phạm giao thông cũng còn nhiều vấn đề nghiêm trọng liên quan đến đường thủy, đường sắt và đường hàng không. Hai thành phố lớn đã giảm được ùn tắc giao thông nhưng vẫn còn tình trạng ùn tắc cục bộ. Văn bản quản lý cũng còn nhiều bất cập. Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng cũng đề ra nhiệm vụ cho từng cấp quản lý. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng nguyên nhân thành công, thất bại là nhận thức về nghị quyết của Quốc hội một số nơi làm chưa nghiêm, thậm chí nhiều nơi chưa quan tâm. Chính vì vậy, để đảm bảo trật tự ATGT trong thời gian tới, không có con đường nào khác là phải giáo dục ý thức giao thông từ trong trường học. “Singapore và Nhật cách đây mấy chục năm họ cũng như Việt Nam. Nhưng kinh nghiệm của họ cho thấy nhờ giáo dục tốt mà họ đã đạt được mục tiêu” - Phó Thủ tướng khẳng định.

Nghiêm Huê