Thứ ba, 23/5/2017, 15h59

Toàn cảnh về cuộc bầu cử Hạ viện Pháp 2017

Hơn một tháng sau cuộc bầu cử Tổng thống Pháp với những diễn biến đầy bất ngờ, cử tri Pháp sẽ lại đến các địa điểm bỏ phiếu để lựa chọn ra 577 đại biểu quốc hội. Hai vòng bầu cử Quốc hội (Hạ viện) Pháp sẽ diễn ra trong các ngày 11 và 18/6 tới.

Quốc hội Pháp. Ảnh : Wikicommons

Tất cả các ứng cử viên cho 577 ghế tại điện Bourbon đã hoàn thành việc nộp hồ sơ lên các khu vực bầu cử địa phương. Về phần mình, các đảng sẽ nộp danh sách đầy đủ các ứng cử viên do các đảng giới thiệu lên Bộ Nội vụ, muộn nhất là ngày 25/5. 

Phương thức bầu cử

Khác với bầu cử Tổng thống, bầu cử Quốc hội Pháp không được tổ chức chung trên toàn quốc mà theo từng khu vực bầu cử địa phương. Tổng cộng có 577 khu vực, trong đó có 11 khu vực ở nước ngoài, từ đó sẽ bầu ra số lượng đại biểu Quốc hội tương ứng. 

Tại mỗi khu vực bầu cử có nhiều ứng cử viên thuộc các đảng phái khác nhau. Cũng như bầu cử Tổng thống, các đại biểu được bầu theo hai vòng với hình thức phổ thông đầu phiếu. Ứng cử viên nào đạt được đa số phiếu sẽ giành chiến thắng và trở thành đại biểu Quốc hội cho nhiệm kỳ 5 năm. 

Vòng một sẽ diễn ra vào ngày 11/6 tới. Chỉ những ứng cử viên đạt được ít nhất 12,5% số phiếu mới được vào vòng hai dự kiến ngày 18/6. Nhưng không như bầu cử Tổng thống, vòng hai bầu cử Hạ viện có thể có 3 đến 4 ứng cử viên. Nếu ứng cử viên nào đạt hơn 50% số phiếu ngay từ vòng một thì sẽ thắng cử ngay lập tức mà không cần phải bầu vòng hai.

Các ứng cử viên

Mỗi ứng cử viên chỉ có thể được đăng ký tại một khu vực bầu cử. Theo luật, kể từ năm nay, một đại biểu Quốc hội trong nhiệm kỳ của mình không được làm thị trưởng, chủ tịch một cơ quan chính quyền, chủ tịch một hội đồng tỉnh hoặc vùng, chủ tịch hoặc thành viên của văn phòng Hiệp hội người Pháp ở nước ngoài. Thậm chí nghị sĩ không được làm bộ trưởng. Trong trường hợp tham gia vào chính phủ đương nhiệm, nghị sĩ đó sẽ được thay thế và chỉ trở lại vị trí của mình tại Hạ viện khi nhiệm kỳ bộ trưởng kết thúc. 

Trong cuộc bầu cử Quốc hội năm nay, hơn 200 đại biểu (gần 1/3 tổng số) của nhiệm kỳ vừa qua đã quyết định không tái ứng cử. Một con số kỷ lục so với số 107 đại biểu không tái ứng cử vào năm 2012. 

Trong số hơn 200 người rút lui khỏi "cuộc đua chính trị" có nhiều gương mặt nổi tiếng như thủ tướng đương nhiệm Edouard Philippe, chủ tịch Quốc hội mãn nhiệm Claude Bartolone, cựu chủ tịch Quốc hội Bernard Accoyer, các cựu thủ tướng François Fillon, Bernard Cazeneuve và Jean-Marc Ayrault, cựu quốc vụ khanh phụ trách Pháp ngữ Jean-Marie Le Guen, cựu bộ trưởng Nội vụ Bruno Le Roux, phó chủ tịch đảng Những người Cộng hòa Laurent Wauquiez. 

Các vấn đề đặt ra

Kể từ 2002, năm bắt đầu áp dụng chính thức nhiệm kỳ Tổng thống 5 năm thay vì 7 năm trước đó, và cũng trùng với nhiệm kỳ quốc hội, chưa có cuộc bầu cử quốc hội nào lại khó dự đoán kết quả như năm nay.

Một trong những mục tiêu của nhiệm kỳ 5 năm là tránh việc "sống chung chính trị" khi phần đông Quốc hội không tán thành chính sách của Tổng thống. Trong trường hợp này, quyền của Tổng thống bị giới hạn, vì quyền thực sự dựa vào sự ủng hộ của Thủ tướng và Quốc hội chứ không phải vào quyền có từ Hiến pháp. Mọi việc sẽ dễ dàng hơn nếu phần đông đại biểu đồng quan điềm với Tổng thống. Vì vậy thông thường Tổng thống lựa chọn một thủ tướng cùng đảng. 

Bức tranh đã thay đổi trong mùa bầu cử năm nay. Tổng thống Emmanuel Macron, thủ lĩnh của phong trào non trẻ "Nền Cộng hòa tiến bước" mới chỉ 13 tháng tuổi, đã lựa chọn một thủ tướng thuộc đảng cánh hữu Những người Cộng hòa. Nhiều người nghi ngờ khả năng của ông có thế lật ngược lại trật tự vốn đã được thiết lập lâu nay dưới ảnh hưởng rộng lớn truyền thống của đảng Những người Cộng hòa và đảng Xã hội. 

Để làm được việc này, Tổng thống Macron dựa vào 526 ứng cử viên thuộc phong trào của ông. Tuy nhiên sự hiện diện của số đông ứng cử viên xuất thân từ xã hội dân sự đặt ra nhiều câu hỏi, nhất là khi ho phải đối mặt với những đối thủ kỳ cựu đang là đại biểu của nhiệm kỳ sắp kết thúc.

Điện Bourbon, tòa nhà Quốc hội Pháp, nằm bên bờ sông Seine, thuộc Quận 7 thủ đô Paris. Ảnh : Photononstop

Nếu Tổng thống trẻ tuổi muốn giành được sự ủng hộ của đa số tuyệt đối tại điện Bourbon, có lẽ ông sẽ phải thỏa hiệp với số đông các đại biểu thuộc cánh hữu và cánh trung, nhất là trong bối cảnh đảng cực hữu Mặt trận Dân tộc ngày càng phát triển ở miền Bắc và Đông Nam. 

Bên cạnh đó, những hoài nghi đối với thắng lợi của phong trào cực tả "Nước Pháp bất khuất" của Jean-Luc Mélenchon vẫn luôn hiện hữu. Cho dù Jean-Luc Mélenchon giành được hơn 7 triệu phiếu bầu tại vòng 1 bầu cử Tổng thống, nhưng phần lớn là ủng hộ người thủ lĩnh lôi cuốn hơn là ủng hộ phong trào của ông. 

Cuối cùng, một trong những ẩn số nằm ở đảng Xã hội, đang giữ đa số trong Hạ viện với 292 ghế từ năm 2012. Cho dù thất bại tại cuộc bầu cử Tổng thống, đảng trung tả này vẫn luôn giữ được sự ủng hộ trung thành tại nhiều địa phương. 

Cuộc bầu cử Hạ viện đóng vai trò quan trọng trong việc xác định bộ máy chính trị nào sẽ điều hành đất nước trong 5 năm tới. Thậm chí có thể diễn ra kịch bản – trong trường hợp đảng cánh hữu Những người Cộng hòa thắng lớn và chiếm đa số ghế - Hạ viện sẽ bỏ phiếu bất tín nhiệm để lật đổ chính phủ của thủ tướng Édouard Philippe vốn thuộc phe trung lập trong đảng Những người Cộng hòa. Trên thực tế, việc Tổng thống Macron đề cử Édouard Philippe là thủ tướng đã gây hoang mang trong nội bộ cánh hữu do họ phân vân không biết có nên ủng hộ chính phủ mới hay không. 

Cơ hội tài chính 

Các cuộc bầu cử lập pháp là một cơ hội tài chính quan trọng đối với các đảng chính trị lớn. Ngân sách Nhà nước cấp hàng năm trong suốt nhiệm kỳ cho các đảng đã giới thiệu ứng cử viên được tính trên kết quả số phiếu đạt được và số đại biểu giành chiến thắng. Trước tiên, các đảng đạt được ít nhất 1% số phiếu trong ít nhất 50 khu vực bầu cử sẽ kiếm được 1,42 euro/phiếu. Tuy nhiên, nguồn tài trợ này sẽ bị cắt nếu các đảng không tôn trọng nguyên tắc bình đẳng.

Giai đoạn hai của trợ giúp tài chính này được tính trên tỉ lệ các nghị sĩ – hạ nghị sĩ và thượng nghị sĩ – của mỗi đảng. Cụ thể mỗi nghị sĩ mang lại 37.280 euro cho đảng của mình. Trong năm 2016, tổng số tiền trợ giúp các đảng đã lên đến 63,1 triệu euro: 28,8 triệu cho giai đoạn một và 34,3 triệu cho giai đoạn hai. Đảng Xã hội đã nhận được gần 25 triệu euro, tiếp đó là đảng Những người Cộng hòa (18,6 triệu) và Mặt trận dân tộc (5,1 triệu). 

Trong nhiệm kỳ tới, đảng Xã hội có nguy cơ mất ngôi vị đứng đầu trong danh sách nhận tài trợ nếu không giữ được số lượng nghị sĩ áp đảo tại 2 viện như nhiệm kỳ sắp kết thúc. Ngược lại, các đảng Nền Cộng hòa tiến bước, Mặt trận Dân tộc và Nước Pháp bất khuất đang tận dụng mọi cơ hội để giành được nhiều số ghế nhất có thể, qua đó sẽ được hưởng tối đa những khoản trợ giúp lớn.

Cử tri không đi bỏ phiếu

Tỉ lệ cử tri không đi bầu cử Quốc hội không ngừng tăng lên kể từ năm 1997, nhất là khi so sánh với tỉ lệ không đi bầu cử Tổng thống. Trong cuộc bầu cử Hạ viện năm 2012, số cử tri không đi bỏ phiếu cao gấp đôi so với cuộc bầu cử Tổng thống cùng năm. Tuy nhiên, không một Tổng thống đắc cử nào có thể thực thi được chính sách của mình nếu như không có được sự ủng hộ của đa số đại biểu Quốc hội.

Theo Linh Hương/Báo Tin Tức