Thứ tư, 1/8/2012, 14h08

Toán là bộ môn ít đọc chép

So với các môn học khác, nhất là các môn khoa học xã hội, thì toán học là bộ môn ít đọc chép. Trong bài giảng chủ yếu giáo viên (GV) giới thiệu cho học sinh (HS) từng định nghĩa mới bằng cách đi từ các ví dụ, dẫn chứng cụ thể. Cụ thể, khi dạy bài Hình trụ, GV đưa ra ví dụ về các vật dụng có hình trụ trong đời sống để giới thiệu, sau đó khái quát thành định nghĩa về hình trụ. Sau khi có định nghĩa, GV dẫn dắt bài giảng để đưa ra định lý, tính chất liên quan. Khi truyền thụ kiến thức thức mới, GV phải lồng trong đó những kiến thức cũ mà HS đã học để xây dựng nên hình hài của bài học mới. Có định lý trong tay, các em bắt đầu vận dụng từng bước vào bài tập nhỏ. Từ các bài tập đó, GV mở rộng sang những bài tập có tính chất tổng hợp và khái quát hơn. Phương pháp tốt nhất là GV nên cho các em đọc trước nội dung trong sách giáo khoa ở nhà hoặc tại lớp. Như vậy khi vào bài học mới, thầy cô chỉ gợi ý là các em đã hiểu, không cần phải đọc từng câu, từng ý cho HS chép.
Đối với HS, đòi hỏi phải thuộc các định lý, có như vậy mới áp dụng vào từng bài tập một cách chính xác. HS không nắm vững định lý thì dù có giỏi cũng không thể làm được bài tập. Yêu cầu cao hơn là các em còn phải biết cách lập luận và nắm chắc các dữ kiện cần để chứng minh. Kinh nghiệm cho thấy, nếu HS được luyện tập thường xuyên thì kỹ năng vận dụng sẽ nâng cao. Làm nhiều bài tập thì thao tác sẽ “nhuyễn” hơn rất nhiều.
So với đại số, môn hình học có lợi thế rất nhiều. Đây là môn học có các hình ảnh để minh họa rất thuận lợi cho HS, đặc biệt là các em khá giỏi vì những HS đó thường có óc liên tưởng, trí tưởng tượng phong phú. Còn đối với HS yếu thì rõ ràng khó khăn hơn, nhiều khi nhận diện hình không được, lúng túng trong cách tìm giả thiết. Môn lượng giác lại yêu cầu HS chú trọng các công thức. HS thuộc công thức thì dễ vận dụng để làm bài tập giải phương trình như công thức biểu thức, tổng thành tích, tích thành tổng, công thức nhân đôi, nhân ba… Muốn vận dụng không chỉ nhớ và thuộc mà các em HS phải có “cái đầu” thông minh, biết cách lập luận sắc sảo. 
Có thể nói, dạy bộ môn toán không có gì để GV phải đọc chép, nhất là đối tượng HS lớp 12. Chủ yếu là cho các em luyện bài tập…
Lê Tường Quyên
(GV Trường THPT Trưng Vương)