Thứ năm, 20/4/2017, 21h24

“Tôi của tuổi mười bảy!”

Tôi viết lá thư này thật lòng muốn cảm ơn Cậu rất nhiều, vì những nỗ lực của Cậu để có được tôi của ngày hôm nay.

Học sinh đang giới thiệu sản phẩm nghiên cứu khoa học với khách tham quan tại Cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp thành phố năm 2017 do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức (ảnh minh họa). Ảnh: D.Bình

Mười năm trôi qua, tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh Cậu lúc 17 tuổi: luôn tò mò, nhiệt huyết cháy bỏng, khao khát cống hiến, có cả sự sốc nổi của tuổi mới lớn và mơ ước to nhất lúc ấy là được khám phá nhiều nơi, nhiều nhất có thể! Thế là Cậu thỏa lòng mong mỏi của bản thân thông qua những cuốn du ký. Nhờ đó, Cậu bắt đầu biết nhiều hơn thế giới rộng lớn ngoài kia.

Thế rồi cũng từ những trang sách ấy, nhiều điều thắc mắc về quá trình vượt vũ môn của các quốc gia cứ luẩn quẩn, lớn dần lên, bủa vây khắp tâm trí Cậu. Tại sao cùng có một quá khứ đau buồn; cùng có khí hậu khắc nghiệt khô cằn, sa mạc và hoang mạc chiếm hữu. Thế nhưng quốc gia trẻ Israel lại phát triển vượt bậc với sự ngưỡng mộ, khâm phục của bạn bè năm châu. Trong khi đó, châu Phi - cái nôi của loài người lại bị xem là “châu lục đen”, nơi có đặc sản là các hủ tục, nghèo đói và dịch bệnh. Về châu Á, đất nước Nhật Bản không tài nguyên, nơi dừng chân của thiên tai, từng oằn mình trước hai quả bom nguyên tử, đã vực dậy oanh liệt, vươn lên trở mình thành một cường quốc trên thế giới.

Thế còn chúng ta? Quốc gia tự hào với lịch sử giữ nước vẻ vang, sở hữu rừng vàng biển bạc, tại sao chúng ta lại giậm chân tại chỗ, nhìn bạn bè quốc tế, các nước láng giềng vùn vụt tiến xa. Những trăn trở đó như một dấu chấm hỏi to đùng quẩn quanh trong đầu làm Cậu bức bách đến khó chịu. Và rồi Cậu tìm ra câu trả lời: châu Phi và Việt Nam đều có một điểm chung là: ý thức con người. Châu Phi, một châu lục luôn đổ lỗi cho thời kỳ đô hộ đằng đẵng của phương Tây trong quá khứ và chỉ chực chờ xin cứu trợ từ quốc tế. Việt Nam, một đất nước vẫn còn đang ngủ quên trong sự ưu ái của tạo hóa, chìm trong suy nghĩ “chúng ta có tài nguyên” mà không hay biết nó đang dần cạn kiệt, tất cả điều đó như một cái kén đang kìm hãm vận mệnh quốc gia.

Loanh quanh giải đáp tò mò, Cậu vô tình bắt gặp đáp án cho câu hỏi quan trọng nhất cuộc đời mình: “Tôi là ai?”. Cậu khao khát một ngày nào đó chứng kiến quê hương Việt Nam đi lên kiêu hãnh, muốn phá bỏ cái vỏ bọc cứng chắc, xấu xí đó. Và đây chính là hoài bão, là kim chỉ nam của cuộc đời Cậu. Khao khát đó giúp Cậu đặt chân đến nhà ga cuộc đời và tấm vé chính là suất học bổng du học ngành tâm lý hằng ao ước. Đó là một quyết định đúng đắn, đến một nơi xa lạ, Cậu trưởng thành hơn, nỗ lực nhiều hơn để khẳng định lại bản thân, từ đó nhập khẩu những điều văn minh, tiến bộ về cho nước nhà. Sau khi tốt nghiệp trở về, hai năm sau đó Cậu đã thành lập được hệ thống trung tâm đào tạo kỹ năng như mong muốn. Tại đây có rất nhiều khóa học kỹ năng cho trẻ em và thanh niên, nhằm gieo mầm tri thức mới cho lớp trẻ, nâng cao, phát huy giá trị của mỗi cá nhân.

Và rồi giờ đây, người ta bắt gặp mỗi buổi sáng tốp tốp bạn trẻ hăng say tập thể dục thay vì nằm lăn lóc ngủ nướng. Khi đến những nơi công cộng, ta sẽ nhìn thấy những mái đầu chăm chú đọc sách, thay vì chìm đắm vào thế giới hư ảo trên màn hình điện thoại. Rồi cả một thế hệ thanh niên Việt Nam bản lĩnh, quyết đoán, nhiệt huyết khởi nghiệp, thay vì ra trường cầm bằng tốt nghiệp chật vật ngược xuôi xin việc khắp nơi. Và tất nhiên để có được những điều đó, Cậu đã phải trả giá và nếm trải không ít thất bại. Tôi biết Cậu đã từng rất nản lòng, khi mọi người luôn muốn dập tắt lửa nhiệt huyết của Cậu bằng lối suy nghĩ truyền thống một cách tiêu cực: “Trèo cao té đau, mơ mộng hão huyền”. Chả là họ nghĩ Cậu chỉ học ở một trường bình thường, kinh tế gia đình cũng không dư dả, do nhà chỉ có một người mẹ làm công nhân nuôi hai chị em ăn học (bố mất đã lâu vì căn bệnh ung thư) nên khó thực hiện được điều tưởng chừng như to lớn đó! Nhưng đối với Cậu bất hạnh là kho báu, điều kiện sống là cơ hội để hoàn thiện bản thân. Cậu có mơ ước của riêng mình, trái tim đầy niềm tin, tuổi trẻ và ý chí sục sôi biến không tưởng thành hiện thực. Thật may mắn cho Cậu khi gặp được người thầy tuyệt vời tin tưởng và ủng hộ Cậu, những người bạn cùng chung chí hướng và không thể thiếu một gia đình thấu hiểu Cậu. Khối tài sản đó đã là quá đủ.

Đừng bỏ cuộc, vì tất cả những gì có được sau cố gắng, kiên trì sẽ là một giấc mơ có thật! Tôi và Cậu cùng sát cánh bên nhau thì không gì là không thể. Tuổi mười bảy, tuy không hoàn hảo nhưng Cậu rất tuyệt vời.

Cảm ơn... vì đã không bỏ cuộc!

Trần Kim Ngân
(Lớp 11A7, Trường THPT Phước Vĩnh,
Phú Giáo, Bình Dương)