Thứ bảy, 25/7/2015, 22h30

Tôi đã du học như thế nào?: Xoay trở với rào cản ngôn ngữ

16 tuổi, tôi lên đường sang New Zealand du học (năm 2009). 16 tuổi tôi mang trong mình bao hoài bão ước mơ ở một đất nước hiện đại mà trước đây tôi từng ao ước được đến. Vậy nhưng, vừa đặt chân đến New Zealand, tôi đã gặp không ít khó khăn, có lúc tôi muốn từ bỏ để trở về bên vòng tay bình yên của ba mẹ.

Khó giao tiếp khiến tôi bị cô lập

Khi còn ở Việt Nam, vốn ngoại ngữ (tiếng Anh) của tôi rất tốt, lúc nào cũng đạt điểm cao nên tôi nghĩ đến New Zealand sẽ không có vấn đề gì đáng lo ngại về rào cản ngôn ngữ. Vậy nhưng, thực tế trái ngược hoàn toàn khiến tôi suýt nữa bị cô lập.

Đến New Zealand tôi ở theo dạng homestay, nghĩa là sinh sống trong gia đình người bản xứ, chủ nhà như bố mẹ nuôi chăm lo mọi thứ cho tôi. Tuy nhiên, đôi lúc không được thoải mái lắm vì tôi không được mang bạn về nhà, thức ăn không hợp, gia đình chủ nhà không hiểu văn hóa nước Việt Nam… Vốn tiếng Anh ở nhà của tôi chỉ là hữu hạn, trong khi ở New Zealand, tiếng Anh được xem là tiếng mẹ đẻ nên từ ngữ rất phong phú, điều này khiến tôi khi nói chuyện với mọi người trong nhà thường xuyên bị hiểu nhầm. Đó là chưa kể cách dạy con cái của người New Zealand khác với người Việt Nam - con cái của họ có cách sống và suy nghĩ cũng khác nên khi sống chung tôi phải cố gắng rất nhiều, tự lập hơn để hòa nhập với gia đình.

Lúc sang New Zealand, tôi chỉ là học sinh lớp 11, chưa thực sự trưởng thành nên khi giao tiếp với bạn học tôi gặp rất nhiều trở ngại. Các bạn học dùng ngôn ngữ khá phong phú, chẳng hạn như gọi nhau thân thiết là bro, thankyou thì gọi ngắn gọn là cheers, hello thì lâu lâu gọi là Kia Ora (tiếng Maori vì New Zealand cũng thuộc lãnh thổ của người Maori), cách dùng phổ biến nhất vẫn là gidday (xin chào)… nên đôi lúc tôi cảm thấy mình như “người ngoài hành tinh”.

Du học sinh Phan Ngọc Thiên Trang (giữa) và hai bạn học cùng lớp (ảnh tác giả cung cấp)

Học sinh trong lớp chủ yếu là người bản địa nên giáo viên nói là hiểu ngay, còn tôi thì phải dùng từ điển để dò lại, chỗ nào chưa kịp hiểu sau giờ học lại nhờ bạn bè giảng thêm. Chương trình trung học ở đây còn có cả kinh tế học, kế toán… trong khi ở Việt Nam tôi chưa được học qua nên đã “vật vã” với những môn học này.  Áp lực về rào cản ngôn ngữ, văn hóa hai quốc gia khác nhau, lại thêm nỗi nhớ nhà nên nhiều lúc tôi muốn bỏ cuộc. Mất gần 1 năm tôi mới bắt đầu hòa nhập, sống vui vẻ với mọi người.

Làm thêm để trang trải cuộc sống

Ở New Zealand, chi phí sinh hoạt đắt đỏ hơn Việt Nam rất nhiều vì sử dụng đồng đô la. Cụ thể, ăn một bữa cơm hết 11 đô la (hơn 200 ngàn tiền Việt Nam) khiến tôi khá choáng.

Xác định số tiền bố mẹ gửi cho hàng tháng tôi khó mà chi tiêu đủ nên khi ổn định việc học được vài tháng, tôi bắt đầu đi làm thêm. Nhờ một người bạn đồng hương qua trước giới thiệu, tôi đã xin được hai việc làm thêm là phát tờ rơi quảng cáo và rửa chén bát cho một gia đình (cũng nhận học sinh quốc tế đến ở). Công việc phát tờ rơi quảng cáo được trả lương theo sản phẩm, nếu tôi làm từ sáng tới chiều thì được khoảng 10 đô la, mua được đúng bữa cơm tối. Tôi cảm thấy mình như bị bóc lột sức lao động. Trung bình mỗi tuần tôi làm thêm khoảng 3-4 ngày nên ảnh hưởng rất nhiều đến việc học, khiến điểm số của tôi rất thấp. Sau đó tôi xác định lại tư tưởng “mình sang đây là để học, phải giành được điểm B trở lên” nên đã hạn chế đi làm thêm.

Khi tôi đã hòa nhập được với cuộc sống nên tự đi xin việc để có thu nhập cao hơn. Tôi xin việc ở rất nhiều nơi nhưng chỉ có một tiệm ăn Hàn Quốc nhận vì những tiệm khác họ cần có kinh nghiệm. Công việc của tôi là rửa chén bát, mỗi tuần làm 2 buổi, lương khá cao nhưng vẫn không đủ chi tiêu.

Khi là sinh viên ĐH, tôi đến ký túc xá ở. Thời gian này tôi tiếp tục làm thêm để có thêm nhiều kinh nghiệm và có thu nhập trang trải cho việc học. Hiện giờ tôi làm cho một nhà hàng Nhật, công việc nhẹ nhàng hơn vì chỉ cuốn sushi thôi.

 Khoảng thời gian được sống và học tập ở New Zealand làm tôi càng yêu đất nước và con người nơi này hơn. Đây có thể nói là những trải nghiệm đẹp nhất trong cuộc đời của tôi để tôi có thể tự hào nói rằng mình rất yêu New Zealand, yêu thành phố Wellington bình yên...

Phan Ngọc Thiên Trang

(Sinh viên ngành quản trị và truyền thông ĐH Massey, New Zeland)

LTS: Không ít bạn trẻ chuẩn bị du học lo lắng không biết cuộc sống nơi xứ người như thế nào, làm sao để vượt qua những khó khăn trong hành trình du học… Giáo dục TP.HCM xin giới thiệu các thông tin bổ ích của những người đã và đang du học nhằm giúp cho các bạn có thêm kinh nghiệm.