Thứ tư, 31/12/2008, 08h12

Tôi đi cai nghiện... game online

LTS: Nếu heroin có thể xui khiến một gã “xì ke” giết người không run tay thì game online cũng có thể biến một game thủ thành sát thủ máu lạnh. Điều đáng báo động là những sát thủ máu lạnh này mới chỉ mới 14-15 tuổi. Điển hình như vụ giết hại cháu Nguyễn Tuấn Anh - 5 tuổi ở Thường Tín, Hà Nội ngày 13-5-2008 của hai game thủ Phạm Đình Cử và Nguyễn Văn Trọng cùng sinh năm 1994. Song, không phải bỗng dưng mà những đứa trẻ mới học lớp 6, lớp 7 trở thành các game thủ…
Bài 1: Những game thủ… “nhicolai”

Các game thủ tham gia trò chơi trong một lớp cai nghiện

Đánh một văn bản bằng chương trình Word, Excel như thế nào Đức, Tú, Khánh… hoàn toàn mù tịt nhưng với những trò chơi của Vina game thì khác. Từ Võ lâm truyền kỳ, Ragnarok, Cửu long tranh bá đến Phong thần, Boom Online trò nào các em cũng rành. Không chỉ dừng lại ở các game made in Viet Nam, nhiều em còn chơi game đẳng cấp quốc tế…
“Em chỉ đấu với các game thủ quốc tế”
Huỳnh Anh Tú - học sinh lớp 9 Trường THCS Bình Thọ, Q.Thủ Đức đã thừa nhận như vậy. Tú kể, hồi năm lớp 6, em thường theo bạn bè tới các tiệm Internet nhưng chỉ để nhìn chứ không chơi. Nhìn game thủ chơi riết nên Tú cũng rành các đường đi nước bước…
Đầu năm học lớp 7, Tú thành lập câu lạc bộ dành cho các game thủ “nhí” với tên gọi: Nhóm Thủ Đức và làm thủ lĩnh. Trung bình mỗi ngày Tú dành ít nhất là 5 tiếng để chơi game, riêng chủ nhật không phải đi học thì chơi 10 tiếng. Từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần, buổi sáng thì học ở trường. Buổi chiều, Tú nói dối là đi học thêm rồi tới điểm hẹn để gặp đồng đội. Điểm hẹn của nhóm Thủ Đức thường là các quán net trên địa bàn Q.Thủ Đức, Q.2, Q.9. Nghe nói ở quán nào có game thủ “cao tay” là nhóm Thủ Đức tới để so tài cao thấp. Có nhiều hôm gặp phải đối thủ ngang tài ngang sức, Tú phải đấu tới 9-10 giờ đêm mới phân thắng bại.
“Sau hơn 2 năm lăn lộn trong thế giới ảo, gặp hàng trăm đối thủ nhưng chỉ đến khi gặp anh Hùng - sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật thì em mới tâm phục khẩu phục. Em và anh Hùng đấu với nhau cả tuần, cuối cùng thì em thua. Nhưng em không thấy buồn vì đã học được rất nhiều từ anh ấy, em có thêm kinh nghiệm để đấu với các game thủ khác”, Tú kể lại.
Không chỉ đấu với các game thủ trong nước, nhóm Thủ Đức còn đấu trực tuyến với các game thủ quốc tế. “Với trò chơi War Craft, em đã từng đấu với các game thủ ở Anh, Pháp, Nhật, Singapore… Đấu 10 trận thì có đến 6 - 7 trận em thắng”, Tú hồ hởi khoe.
Theo các game thủ thì War Craft là một trò chơi đẳng cấp quốc tế, chỉ những game thủ “siêu hạng” mới đủ tài năng để chơi. Nếu so với War Craft thì những trò chơi của Vina game chỉ là “muỗi”, không đáng được so sánh.
Kể về những thành tích của một game thủ, Tú hồ hởi bao nhiêu thì khi nhắc đến gia đình em tâm tư bấy nhiêu. Tú có ba, có mẹ và có cả chị gái nhưng “không ai thèm quan tâm đến em”. Ba là chủ thầu xây dựng, thường xuyên phải đi công trình, có nhiều khi đi cả tháng mới về nhà. Còn mẹ thì bận rộn với cửa hàng vật liệu xây dựng nên không còn nhiều thời gian quan tâm, chăm sóc con trai. Riêng chị gái, tối ngày chỉ biết chát chít với anh rể ở bên Mỹ. Buồn, cô đơn trong chính ngôi nhà của mình nên Tú tìm đến game online. Và trong thế giới ảo, Tú không phải cảm nhận nỗi buồn và sự cô đơn đó nữa…
Mãi đến hè năm lớp 8, ba mẹ mới phát hiện Tú “nghiện” game. “Ngày nào nó cũng xin tiền, khi thì đóng tiền học, lúc là mua sách, sinh nhật bạn. Đôi khi nó còn móc túi của ba mẹ. Đến lúc này vợ chồng tôi mới nhận ra con mình đã hư. Ba đánh, chị mắng, mẹ cầu xin nhưng nó vẫn cứ trơ lì. Có đợt nó kéo quân đi đấu ở Q.2 rồi đánh lộn chảy cả máu đầu…”, chị Hạnh - mẹ của Tú kể lại.
Hơn hai tháng trước đây, hay tinTrung tâm Văn hóa Thể thao Thanh thiếu niên miền Nam mở lớp “Cai nghiện game online và sử dụng Internet có ích”, gần một tháng trời, vợ chồng chị Hạnh gác công việc qua một bên ở nhà thuyết phục con đi “cai nghiện”.
“Đến nay, sau 4 tuần “cai nghiện”, em đã bỏ được game, tuy vậy vẫn thấy nhớ”, Tú hồn nhiên cho biết.
Bán nhà “cai nghiện” cho con
“Gần một năm nay, vợ chồng tôi không còn tâm trí đâu mà làm ăn buôn bán nữa. Ba nó đánh, nhốt vào trong phòng, có lần còn lấy dây sắt xích lại nhưng cứ thoát ra ngoài là thằng nhỏ chạy tới quán net. Thường mỗi lần ba mẹ làm căng là nó bỏ nhà đi luôn, nhanh thì cũng 2 ngày mới về, thường thì là 3 - 4 ngày. Cũng có lần đi đấu ở tỉnh như Bình Dương, Cần Thơ, đi cả tuần mới chịu về nhà. Còn chuyện học hành của nó, nói ra lại mắc cỡ. Cứ dăm ba bữa cô giáo chủ nhiệm lại gọi điện tới nhà “hỏi thăm”, lần nào đi họp phụ huynh cũng “được” nêu tên… Hồi tháng 8 vừa rồi, chúng tôi đành phải bán nhà ở Q.5 về Hóc Môn ở với hy vọng con trai sẽ rời xa trò chơi điện tử”, chị Bình - “thân mẫu” của game Trần Minh Khánh, học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Hồng Đào, Hóc Môn tâm sự.
Minh Khánh tập tành chơi game từ năm lớp 6 ở Trường THCS Trần Bội Cơ, Q.5. Hồi đó gần khu vực cổng trường có mấy quán Internet, tan học, trong lúc chờ ba mẹ tới rước, Minh Khánh thường chạy vào mấy quán này nhìn các anh chị lớp trên chơi. Thấy những trò đua xe, đấm đá, bắn nhau trên màn hình máy tính cũng hấp dẫn nên Khánh bắt đầu mê mẩn. Mấy ngàn đồng mẹ cho ăn sáng, Khánh để dành rồi “nướng” vào các quán net. Thời gian đầu, Khánh chỉ chơi 30 phút - 1 tiếng/ngày, cho đến khi nghiện nặng thì phải chơi ít nhất 10 tiếng/ngày mới đủ “phê”. Cũng như Tú (Thủ Đức), Khánh thường tới các quán net trên địa bàn Q.5 và một số quận lân cận như Q.1, Q.10, Q.11, Q.6 để tìm “đối thủ” tranh tài hơn thua.
“Có hai khu vực mà em rất “nể”, đó là khu vực Nguyễn Tri Phương (Q.10) và khu vực Trần Quang Khải (Q.1). Các quán net ở đây thường tập trung nhiều game thủ có số má, có nhiều anh là sinh viên ngành công nghệ thông tin nên giỏi lắm. Thường thì mỗi khi “đấu” với các anh sinh viên, em hay thua. Ngoài hai khu vực này, ở những khu vực khác em không sợ game thủ nào cả…”, Minh Khánh tươi cười kể về thành tích của mình.
Lật cuốn tập môn giáo dục công dân của Lê Xuân Đức - học sinh lớp 7 Trường THCS Trần Phú, Q.10, tôi phát hiện từ đầu năm học đến nay Đức “dính” hai điểm 0 vì lý do không thuộc bài. Đức còn cho biết, không riêng môn giáo dục công dân mà tất cả các môn học khác, em đều bị cô giáo phê như vậy. Hỏi tại sao lại không thuộc bài, Đức trả lời tỉnh bơ: “Vì chơi game”…
Mới học lớp 7 nhưng Đức đã có 4 năm kinh nghiệm với “môn học”: Game online. Nếu các môn toán, tiếng Việt, ngoại ngữ… càng ngày Đức học càng kém thì ngược lại “môn” game online ngày càng giỏi. Cũng đúng thôi, thời gian Đức dành cho “môn” game online là 6 tiếng/ngày, trong khi các môn học khác chỉ có vài chục phút.
“Tôi vô cùng xấu hổ, mình là giáo viên mà không dạy được con thì làm sao mà dạy học sinh được”, chị Thanh Vân - giáo viên Trường THPT Nhân Trí (mẹ của Đức) tâm sự. Hồi Đức mới tập tành chơi game, mặc dù chị biết nhưng không ngăn cản vì nghĩ rằng chơi game cũng là một cách giải trí, thư giãn. Bởi vậy mỗi khi con xin tiền chơi game, chị Thanh Vân không bao giờ từ chối. Cho đến khi Đức học hành ngày càng sa sút, giáo viên chủ nhiệm thường xuyên gửi giấy về nhà, chị Vân mới nhận ra sai lầm của mình…
“Trước khi thuyết phục được Đức đi cai nghiện, vợ chồng tôi đã phải làm “tư tưởng” với con cả tuần. Tôi phải nói ở lớp cai nghiện vui lắm, có nhiều game thủ giống con, con tới đó sẽ được mở rộng tầm mắt. Hôm đầu tiên đưa con tới lớp cai nghiện, nó cứ nằng nặc đòi về. Sau một tháng thì đã thay đổi nhiều, hiện tại mỗi ngày chỉ chơi 2 tiếng và chỉ chơi ở nhà chứ không ra quán net nữa”, chị Thanh Vân cho biết.
Hòa Triều