Thứ bảy, 14/1/2017, 21h41

Tôi “hiền” lúc nào không hay!

Ngày mới bước vào nghề giáo (1981), lòng tôi tràn đầy nhiệt huyết và rất khắt khe với học sinh trong học tập, rèn luyện. Vào lớp phải nghiêm túc, phải chuẩn bị bài; làm bài tập đầy đủ, phải học thuộc bài; đầu tóc phải gọn gàng, hớt tóc đúng quy định trong nội quy…

Học sinh trung học ở miền nông thôn đã lớn, tiếp giúp được công việc đồng áng, ruộng vườn cho gia đình. Tuy vậy, các em luôn tỏ ra lễ phép, nghe lời thầy cô. Thời buổi bao cấp, thiếu thốn, khó khăn mọi thứ nhưng tình cảm thầy trò vẫn luôn tôn trọng lẫn nhau. Nhưng khi trò mắc khuyết điểm, tôi vẫn “xạc” tới bến, trong lòng luôn nghĩ làm sao để các em chăm học, ngoan thêm vì phụ huynh vùng nông thôn đã gửi gắm tất cả niềm tin vào thầy cô, vào nhà trường.

Tuy thích những giờ dạy của tôi nhưng các em vẫn luôn “sợ” tôi, vì tôi có những yêu cầu cao đối với các em. Nhiều đồng nghiệp cũng góp ý, đừng nên khó khăn với các em nhưng tôi vẫn giữ quan điểm của mình là phải giáo dục các em - bên cạnh tình thương là các biện pháp khác mới có hiệu quả. Nhưng trong ngành càng ngày càng “thu hẹp” những “quyền giáo dục, quyền của giáo viên”! Đó là không được nêu tên, không bắt học sinh vi phạm lên đứng trước toàn trường vào buổi sinh hoạt đầu tuần… Quy định cho rằng: làm như thế là xúc phạm danh dự học sinh! Rồi thầy cô không được to tiếng, la rầy khi học sinh vi phạm… Nếu thầy cô vi phạm thì bị dư luận chỉ trích gay gắt mà không cần tìm hiểu thông tin nhiều nguồn, nhiều phía; miễn là vi phạm thì tất cả mọi tội lỗi đều đổ lên đầu giáo viên.

Tôi trở nên “hiền lành” lúc nào không hay! Thấy học sinh vi phạm; học sinh không chịu học bài, đùa giỡn, sử dụng điện thoại trong giờ học… đều “ngó lơ” cho yên thân. Thời buổi thông tin mạng nhanh nhạy này, sơ ý một chút là nhận hậu quả ngay! Bà xã tôi khuyên: thấy học sinh làm gì thì làm, ai không nhắc nhở thì thôi, mình nhắc nhở làm gì cho nó ghét.

Tất cả những ràng buộc, những quy định có phần nghiệt ngã đối với giáo viên đã triệt tiêu ý chí, tinh thần của họ. Nghề giáo bây giờ khó lắm! Nhiều khi người thầy phải giả câm, giả điếc, giả mù để không nghe, không thấy, không biết! Dù yêu nghề mến trẻ đến mấy, tôi vẫn cảm thấy nhẹ người khi đã về nghỉ hưu. Áp lực từ nhà trường, áp lực từ học sinh, từ phụ huynh, từ xã hội luôn đeo bám, trở thành nỗi ám ảnh mỗi ngày đến trường.

Đúng vậy. Muốn tồn tại với “nghề cao quý” thì mỗi người phải học thuộc lòng chữ “nhẫn” (nhẫn nhịn, nhẫn nhục, kiên nhẫn…). Chữ “tâm” giờ đây cũng cần nhưng không bằng chữ “nhẫn” bởi nhiều khi học sinh không thấy hết được tấm lòng thầy cô mà chỉ thấy cái bên ngoài.

Mỗi khi đọc báo, thấy nhiều học sinh thích vào ngành sư phạm là tôi thấy cảm phục vô cùng! Cảm phục bởi tấm lòng tha thiết yêu nghề, cảm phục bởi vì các em sẽ có dịp “tự rèn luyện”, thử thách lòng mình trong môi trường sư phạm  hiện nay.

Lê Đức Đồng