Chủ nhật, 26/3/2017, 01h53

Tôi muốn làm bác sĩ để cứu người

“Sống là phải có ước mơ”, đó là câu nói mà tôi vẫn tâm đắc nhất. Trong cuộc sống, chúng ta phải luôn có ước mơ và hoài bão. Ước mơ là thứ giúp con người sống có mục đích, trách nhiệm và làm cho cuộc sống của mình càng thêm ý nghĩa hơn.

Sinh viên ngành y trong giờ thực hành. Đây là ngành mà Hồ Tấn Long muốn học sau khi tốt nghiệp THPT. Ảnh: M.Tâm

Tôi cũng có một ước mơ, một ước mơ không to lớn nhưng làm tôi phải mất một thời gian để đạt được. Do đó, tôi càng phải cố gắng thực hiện như ca dao có câu: “Có công mài sắt có ngày nên kim”, “Có chí thì nên”.

Khi còn nhỏ, tôi có rất nhiều ước mơ hồn nhiên, trong sáng. Lúc 5 tuổi thì tôi muốn được là siêu nhân giải cứu thế giới. Năm tôi 10 tuổi thì lại muốn mình là chủ tịch hay nhà khảo cổ. Nhưng bây giờ, tôi đã là học sinh cấp 3, chỉ còn một năm tôi phải bước chân vào ĐH để thực hiện ước mơ của mình, đó là được làm bác sĩ.

Ai trong chúng ta cũng đều có ước mơ kể cả những nhân vật lịch sử hay thiên tài. “Ước mơ” chỉ là hai từ ngắn gọn nhưng nó chứa bao khát vọng, hoài bão của mình. Ước mơ không chỉ là định hướng nghề nghiệp của mình trong tương lai mà nó còn đánh thức đam mê của bản thân. Cuộc sống luôn tồn tại những khó khăn, thử thách nhưng ta phải làm gì để vượt qua điều đó. Và điều đó chỉ thực hiện được nếu ta có ước mơ, hoài bão lớn.

Ước mơ là một trong những mục tiêu sống có giá trị nhất của con người. Bởi vì nó sẽ giúp chúng ta gây dựng được mọi niềm tin vững chắc, nó sẽ đánh thức tiềm năng, đam mê của chúng ta, như thế cuộc sống sẽ ý nghĩa hơn. Nhiều người chỉ vì sợ thất bại nên không dám đương đầu với những thử thách, khó khăn thì chẳng bao giờ thực hiện được ước mơ của mình. Điều đó giống như những bài thơ hay bức tranh sẽ không được vẽ hay viết nên nếu không đặt những cây bút, cây cọ xuống những trang giấy trắng. Nếu ta vấp ngã, thất bại thì hãy luôn biết đứng lên và xem nó như những kinh nghiệm, động lực để ta tiến gần hơn với ước mơ, với thành công giống như tục ngữ có câu: “Thất bại là mẹ thành công”, hay Thomas Edison đã nói: “Tôi chưa thất bại. Tôi chỉ là đã tìm ra mười ngàn cách không hoạt động”.

Ngoài ra, thành công còn được tạo nên bởi sự sáng tạo của mình. Giống như Einstein đã nói: “Trí tưởng tượng còn quan trọng hơn tri thức”. Qua đó, ta thấy được trí tưởng tượng, sáng tạo là điều cần thiết để thực hiện ước mơ. Và đam mê cũng là một trong những điều kiện quan trọng để đạt tới thành công. Ví dụ như Michael Jordan đã bị từ chối tham gia đội tuyển bóng rổ bởi chính đội bóng của trường trung học của mình. Nhưng ông không biết nản lòng, Jordan vẫn tiếp tục tập luyện để theo đuổi đam mê và sau đó đã trở thành huyền thoại bóng rổ thế giới. Qua đó, ta thấy được để thực hiện ước mơ cũng cần phải có sự kiên trì, siêng năng để theo đuổi đam mê như danh ngôn: “Trên con đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng”.

Sau những gì tôi đã nói ở trên, đối với tôi ước mơ là con đường ngắn nhất dẫn tới thành công. Bây giờ, ước mơ của tôi là làm bác sĩ để cứu giúp những người đang bệnh tật. Nhưng để thực hiện điều đó tôi phải học thật tốt để vào Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Cùng với ước mơ ấy, tôi luôn có sự quyết tâm và những động lực để thúc đẩy để tôi đạt được sự thành công. Trước hết, tôi làm sao phải cố gắng để được ba năm liền học sinh giỏi và không được ngủ quên trên chiến thắng để tiếp tục thực hiện ước mơ như Einstein đã nói: “Đừng phấn đấu để thành công mà hãy phấn đấu để mình có ích”.

Đối với tôi chỉ có học tập, sáng tạo và sự can đảm mới thực hiện ước mơ như Walt Disney nói: “Mọi ước mơ sẽ trở thành hiện thực nếu chúng ta đủ can đảm theo đuổi chúng”.

Hồ Tấn Long
(Lớp 11B4, Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM)