Thứ năm, 16/3/2017, 21h00

Tôi muốn làm giáo viên tiếng Anh

Đã bao lần bạn được người khác hỏi về ước mơ? Riêng tôi, câu hỏi này đã dần trở nên quen thuộc: từ bố mẹ, đến họ hàng, rồi thầy cô, bạn bè đều quan tâm tới định hướng sau này của tôi và đôi lúc, tôi cũng tự đặt câu hỏi cho chính mình: “Ước mơ của tôi là gì?”.

Nguyễn Hoàng Long mơ ước sau này trở thành giáo viên dạy tiếng Anh (ảnh minh họa). Ảnh: N.Trinh

Tôi nhớ mình đã từng mơ ước rất nhiều. Ngay khi còn nhỏ, tôi muốn mình trở thành một siêu anh hùng, một người có siêu năng lực để giúp đỡ người khác như siêu nhân trên phim. Khi lớn lên, tôi nhận ra việc trở thành một người có phép thuật là một điều không hề dễ, thậm chí có phần hơi xa vời thực tế. Rồi tôi lại thay đổi ước mơ. Lên tiểu học, tôi muốn bản thân mình trở nên giàu có, có thật nhiều tiền để làm mọi điều mình muốn, xây một căn nhà thật to và đi du lịch ở nhiều nơi trên thế giới. Nhưng làm gì có chuyện “ngồi mát ăn bát vàng”, muốn giàu có thì ai cũng phải nỗ lực làm việc để gặt hái thành công. Lên THPT, tôi đi học vẫn còn được bố mẹ đưa rước vì lo cho tôi sức khỏe yếu mà tự đi lại không an toàn, nên tôi may mắn còn cảm nhận được sự chở che, bảo bọc của bố mẹ. Có những lần nắng gay gắt, có những buổi chiều mưa tầm tã, ngồi sau lưng bố mẹ nhìn thấy những giọt mồ hôi, nhìn thấy những sợi tóc bạc mà tôi chợt thôi thúc bản thân mình: “Phải thành công trước khi bố mẹ già đi”.

Nếu những năm trước tôi còn mơ hồ về định hướng, còn băn khoăn về những dự định của tương lai, còn ấp úng khi được hỏi về nghề nghiệp sau này thì bây giờ đã khác, tôi năm 18 tuổi, ở độ tuổi với những suy nghĩ chín chắn hơn, tôi chọn cho mình một ngành nghề để theo đuổi và tự tin trả lời rằng mình sẽ thành công.

Khi chọn một nghề nghiệp, chắc hẳn chúng ta ai cũng có các yếu tố tác động vào. Bên cạnh có bố mẹ là người truyền cảm hứng, là một người Việt Nam, đương nhiên tôi cũng yêu thích những giá trị văn hóa truyền thống, vẻ đẹp của đất nước mình. Cũng vì yêu mến nét văn hóa, bản sắc dân tộc cho nên tôi muốn mình trở thành một giáo viên dạy Anh văn. Thoạt đầu khi nghe chắc bạn cũng sẽ nghĩ rằng sở thích và ngành nghề của tôi không liên quan gì cả. Nhưng thực chất, tôi muốn mượn tiếng Anh - là thứ tiếng được dùng rộng rãi ngày nay - làm “cầu nối” để tôi có thể giới thiệu, giao lưu nền văn hóa của Việt Nam với các nước bạn, mang Việt Nam đến gần với thế giới hơn. Ngoài ra, tôi muốn bản thân mình luôn cầu tiến, lĩnh hội được những điều hay từ nước bạn để có thể giúp ích cho xã hội.

Tôi cũng muốn bên cạnh việc dạy học, tôi sẽ trở thành một người truyền cảm hứng cho các thế hệ sau: khuyến khích học sinh hội nhập nhưng không quên đề cao, tôn trọng nét đặc sắc của đất nước mình. Một lí do nữa để tôi chọn ngành sư phạm Anh là vì Anh ngữ được xem như ngôn ngữ của quốc tế, hầu hết mọi ngành nghề hiện tại đều đòi hỏi vốn liếng tiếng Anh. Nếu vào được ngành sư phạm Anh, cuộc sống sẽ mở ra cho tôi nhiều cơ hội để tiếp cận với nhiều ngành nghề khác nhau. Từ đó, công việc của tôi sẽ được đảm bảo, cũng như ổn định tài chính, tôi có thể nuôi được gia đình và bản thân.

Tiếp xúc với nghề “gõ đầu trẻ”, ngoài kiến thức và được “sống mãi” thời học sinh, tôi còn nhận được những kỹ năng xã hội. Bản thân là một người hướng ngoại, việc phát triển những kỹ năng mềm là vô cùng cần thiết. Làm giáo viên đứng trên bục giảng dạy là một cách để phát triển khả năng giao tiếp cộng đồng, khả năng nói trước công chúng. Giọng nói và cách ăn nói là một trong số các yếu tố quyết định nên thành công của con người. Đối với tôi, dạy học là một khóa rèn luyện kỹ năng giao tiếp miễn phí mà giáo viên được đặc cách tham gia...

Có cho mình một ước mơ để khát khao theo đuổi ngay từ lúc này là một điều đáng mừng. Vả lại, không ai chấm điểm hay tính phí ước mơ, đừng ngại ngùng mơ ước cũng như đừng chần chừ mơ đến những điều lớn lao. Biết đâu được, từ những “giấc mơ lớn” đó mà sau này Việt Nam chúng ta có những vĩ nhân thì sao? Hãy kiếm một giấc mơ phù hợp và theo đuổi nó. Tôi muốn trở thành một giáo viên. Vậy còn bạn, ước mơ của bạn là gì?

Nguyễn Hoàng Long
(Học sinh lớp 12A8,
Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM)