Thứ hai, 1/3/2010, 09h03

Tội nghiệp "Thần đồng": Trầm cảm, chông chênh

Điểm chung của nhiều “thần đồng” là sau khi được xưng tụng, cuộc sống bị xáo trộn, tuổi thơ hồn nhiên bị đánh mất. Có “thần đồng” rơi vào cảnh tréo ngoe: Ba mẹ không mặn mà với việc cho em đi học
Chắc hẳn nhiều người còn nhớ Phó Đức Bình An, cậu bé từng được xưng tụng là “thần đồng toán học” cách đây khoảng 7 năm. Khi ấy, An mới 4 tuổi (SN 1999) nhưng có trí nhớ đặc biệt, khả năng giải toán cực giỏi, biết đọc trước khi đi học... Bây giờ, đến thăm An tại khu tập thể Quân khu thủ đô (Hà Nội), bố mẹ em nói: “Con tôi không phải là thần đồng!”.
Bình An không bình yên!
Đến khi lên ba, An chưa nói được. Bất ngờ, năm lên bốn, An phát lộ nhiều khả năng đặc biệt: Đọc vanh vách những dòng chữ trên màn hình tivi. “Khi đó tôi mừng lắm nhưng cũng hơi sợ, không biết được ai dạy mà cháu lại biết đọc” - chị Trần Thị Lâm, mẹ An, kể.
Từ đó, Bình An tiếp tục khiến bố mẹ và những người xung quanh sửng sốt. Đầu tiên là thuộc làu bảng cửu chương chỉ trong 10 phút, viết chính xác số thứ tự từ 1 tới 5.000, thuộc hàng trăm số điện thoại, biển số xe của người hàng xóm..., dù không hề được ai dạy bảo.
Một năm sau, khi sắp vào lớp một, Bình An đã thực hiện thành thạo các phép tính trình độ lớp 3, lớp 4. “Sốc” nhất là em có thể tính nhẩm các phép tính cộng, trừ, nhân, chia các số có hai chữ số, khai căn bậc hai của các số lên tới hàng chục ngàn đơn vị.
Với biệt tài ấy, Phó Đức Bình An được gọi là “thần đồng toán học”, được đài truyền hình mời “trình diễn” trong chương trình tôn vinh những kỷ lục VN.
Ít ai ngờ rằng danh hiệu “thần đồng” đã làm khổ em từ đó đến những năm sau này. Điều dễ nhận ra nhất là cậu bé đã mất đi sự hồn nhiên vốn có của một đứa trẻ ở tuổi ăn chưa no, lo chưa tới. Có thời, cứ thấy An ra ngoài chơi là những người xung quanh vây lại, đặt phép tính khó ra để thử tài em.

Từ sau ngày được xưng tụng là “thần đồng”, vẻ hồn nhiên của Phó Đức Bình An không còn, thay vào đó là sự trầm cảm, nhút nhát...
Chị Lâm kể thêm: “Một lần, có 2 người ở Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người đến nhà lấy tên, tuổi của An để lập lá số tử vi, rồi nói với chúng tôi rằng bé An sau này sẽ làm rạng danh dòng tộc, là một thiên tài hiếm có (!?). Khi ấy An là một đứa trẻ nhưng cũng đã phần nào hiểu được những điều người lớn nói, có thể điều đó khiến cháu rơi vào tình trạng trầm cảm, nhút nhát như bây giờ”.
Hiện An vẫn học tốt môn toán và tính nhẩm khá nhanh nhưng bố mẹ của “thần đồng” rất lo lắng.
Anh Phó Đức Điền, bố An, nói: “An nhút nhát lắm, thấy người lạ là không dám nói, nhiều khi bị bạn bè bắt nạt, thậm chí bị đánh cũng không phản ứng”.
Đem ước mơ “trở thành nhà toán học” ngày xưa của An ra hỏi, cả anh Điền và chị Lâm đều bảo: “Chỉ mong cháu đỡ nhút nhát, rụt rè là vợ chồng tôi mừng lắm rồi...”.
“Thần đồng” từng bỏ học
Hôm chúng tôi đến nhà, “thần đồng” Lâm Chí Hiếu (ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) vừa đi xét nghiệm máu ở Bệnh viện Cà Mau về. Cả nhà không giấu được nỗi âu lo vì năm nay đã 8 tuổi nhưng Hiếu chỉ nặng 18 kg, thân hình gầy gò, xanh xao do suy dinh dưỡng nặng.
Ba năm trước, Hiếu được gọi là “thần đồng Cà  Mau” vì chưa đi học mà đã biết đọc tiếng Việt thông thạo, làm toán giỏi.
Chị Lê Thị Hạnh, mẹ Hiếu, chỉ dãy giấy khen của con treo trên vách, khoe: “Hiếu là học sinh xuất sắc của lớp 2B, Trường Tiểu học Sông Đốc 2, thị trấn Sông Đốc. Hai năm qua, cháu luôn đứng đầu lớp và đoạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi được tổ chức tại trường. Hiếu còn viết chữ rất đẹp, có khiếu vẽ tranh và kể chuyện”.
Đến nay, phẩm chất “thần đồng” của Lâm Chí Hiếu vẫn còn được duy trì. Dù mới học lớp 2 nhưng em đã giải được toán lớp 4 và lớp 5. Chúng tôi kiểm chứng bằng những đề bài trong sách toán lớp 4 và lớp 5, bài nào Hiếu cũng giải được.
Với những bài toán nhân, chia 4 - 5 chữ số, Hiếu làm rất nhanh và chính xác, kể cả phương trình bậc 1. Thấy Hiếu giỏi, một gia đình ở gần nhà đã mời em về làm “gia sư” cho con trai, mỗi tháng trả 100.000 đồng.

...và “thần đồng” Lâm Chí Hiếu học từ vựng tiếng Anh rất “siêu”  nhưng con đường học tập đầy chông chênh. Ảnh: Duy - Minh
Tháng trước, anh Lâm Thanh Nhi, cha Hiếu, gửi em học Anh văn tại nhà cô Nguyễn Thanh Thúy ở cùng thị trấn. Hiếu học tới đâu là nhớ đến đó. Bất ngờ trước khả năng của Hiếu, cô Thúy cho em học luôn... chương trình Anh văn lớp 6.
Thế nhưng, sự học của “thần đồng” này không hề suôn sẻ. Một năm sau khi Hiếu được phát hiện có những khả năng đặc biệt, ba mẹ bất ngờ cho em... nghỉ học, viện lý do nhà nghèo. Phải mất nhiều thời gian thuyết phục và cả ủng hộ vật chất từ địa phương, nhà trường cùng một số tổ chức xã hội, ba mẹ của “thần đồng” mới đồng ý cho con đi học trở lại (!).
Thật không vui khi gặp chúng tôi lần này, ba mẹ em vẫn viện lý do nhà nghèo để lấp lửng chuyện ăn học lâu dài của Hiếu: “Thôi thì cho nó học được đến đâu hay tới đó...” - ba Hiếu nói. Vậy là con đường học tập của “thần đồng” vẫn còn chông chênh...
Mơ làm người bình thường
Nhiều “thần đồng” khi lớn lên chỉ ước mơ có được một tuổi thơ bình thường như bao bạn bè khác.
Trần Nam Sơn biết đọc khi mới 3 tuổi và Lê Thị Mai - “thần đồng” toán (cùng ở phường Hà Lầm, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) - nay đã là những người trưởng thành đều cho rằng giá như ngày xưa có một cuộc sống bình thường, giá như không được gọi là “thần đồng” thì họ đã không phải sống chung với áp lực, để rồi lận đận nhiều năm về sau.
Còn bố mẹ của những “thần đồng” mới nổi như Phạm Văn Hùng (ở xã An Thượng, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) - biết đọc khi mới lên ba - cho biết: “Đã bắt đầu thấy sợ danh hiệu “thần đồng!”.
Lý do là, ban đầu “thần đồng” được nhiều người thán phục nhưng sau đó bị làm phiền rất nhiều khiến đời sống tinh thần bị ảnh hưởng.
 Kỳ tới: Đừng bỏ rơi “thần đồng”!
Mạnh Duy - Nhân Minh/ NLĐ