Thứ bảy, 17/3/2018, 10h31

TP.HCM: Cam kết bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp

Sáng 17-3, UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TP với gần 300 doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP với chủ đề “Đột phá cơ chế, cùng DN phát triển TP.HCM nhanh, bền vững”.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các DN tại hội nghị. Ảnh: Q.Huy

Tham dự có Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân; Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong; Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP Tô Thị Bích Châu; Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm và đại diện lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện.

Vẫn còn “trên nóng dưới lạnh”

Tại đây, đại diện các hiệp hội, DN thừa nhận, lãnh đạo TP đã lắng nghe, nỗ lực giải quyết những khó khăn vướng mắc và có nhiều hoạt động hỗ trợ DN. Tuy nhiên, DN TP và DN cả nước (chủ yếu là vừa, nhỏ và siêu nhỏ) cần nhiều hơn nữa các cơ chế, biện pháp hỗ trợ...

Ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP - đánh giá, một số quy định hiện nay chưa phù hợp như: yêu cầu xuất xứ sản phẩm trong lĩnh vực đấu thầu khiến DN Việt đứng ngoài cuộc hoặc chỉ được là nhà thầu phụ ngay trong chính các dự án đầu tư công của TP. Quy định này cần cụ thể hóa thành những yêu cầu mà DN có thể đáp ứng được.

Theo bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP, hiện nay Trung ương và chính quyền TP “chuyển” rất nhanh trong ban hành các chính sách mới hoặc điều chỉnh các quy định cho phù hợp thực tế hoạt động của DN nhưng khi xuống đến các sở, ngành chức năng và các địa phương thì hay bị ách tắc. Tình trạng “trên nóng dưới lạnh” trong thực hiện các thủ tục hành chính vẫn còn tồn tại. Đề nghị lãnh đạo các sở, ngành phải chịu trách nhiệm trực tiếp trong lĩnh vực của mình khi thực thi hành chính công, từ đó mới có thể giải quyết thủ tục hành chính cho DN một cách triệt để, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN.

Bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó Tổng Giám đốc Công ty Saigon Food, kiến nghị UBND TP chỉ đạo quyết liệt để các DN trong Hiệp hội Lương thực, thực phẩm TP được đấu thầu đưa sản phẩm an toàn vào trường học. Các DN sẽ dùng công nghệ để phụ huynh có thể theo dõi, kiểm soát, thậm chí chọn món ăn cho con mình.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm cho rằng, hiện tại, công tác VSATTP là nỗi lo của cả TP. Vì vậy, khi hiệp hội áp dụng CNTT, cam kết đảm bảo bữa ăn bán trú cho HS TP vừa an toàn, vệ sinh, vừa đảm bảo đủ dinh dưỡng, TP ủng hộ.

Mỗi năm chỉ kiểm tra DN một lần

Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, những năm qua kinh tế tư nhân đã trở thành một động lực trực tiếp của TP, hiện chiếm 53,6% tổng giá trị GDP TP và 67,2% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Năm 2016, số DN thành lập mới tăng 15%, số vốn đăng ký tăng 42%. Năm 2017, DN thành lập mới cũng tăng 15% nhưng số vốn đăng ký tăng 200%; TP được xếp thứ 2 trong số 10 TP năng động nhất thế giới. 4 DN Việt Nam được xếp hạng trong nhóm 2.000 DN lớn nhất thế giới đều có trụ sở tại TP.HCM.

Dịp này, nhằm thu hút đầu tư và kêu gọi nguồn lực từ các DN góp phần vào việc xây dựng TP ngày càng phát triển, sớm trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại và KHCN, UBND TP đã đưa ra danh mục 127 dự án có tổng vốn đầu tư trên 500 tỷ đồng thuộc các nhóm dự án trọng điểm cấp quốc gia và các dự án xã hội hóa. Trong đó có 46 dự án hạ tầng giao thông, 5 dự án hạ tầng kỹ thuật, 5 dự án giảm ngập nước, 2 dự án nông nghiệp, 18 dự án chỉnh trang đô thị và xây dựng nhà ở tái định cư, 7 dự án giáo dục, 44 dự án văn hóa và thể thao.

Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh: “TP cam kết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của DN. Công tác thanh tra kiểm tra DN lồng ghép nhiều nội dung và chỉ kiểm tra duy nhất 1 lần trong năm. Lãnh đạo TP sẽ giảm 30% các cuộc họp, dành thời gian để đi thực tế nắm bắt khó khăn của DN. Đồng thời, phấn đấu thời gian để giải quyết thủ tục của tổ công tác liên ngành về đầu tư giảm 50% so với quy định. Năm 2018, TP sẽ lập Tổ liên ngành về đất đai để hỗ trợ mặt bằng, đất đai cho DN. Đồng thời, đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng, DN, kích cầu đầu tư, thành lập quỹ phát triển dự án, quỹ bù đắp tài chính để hỗ trợ các dự án đầu tư theo hình thức PPP hợp tác công tư”.

Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khẳng định vai trò của cộng đồng DN đối với sự phát triển của TP để có những con số tăng trưởng ấn tượng như năm 2017, thu hút đầu tư đạt 365.710 tỷ đồng, thu ngân sách hơn 348.000 tỷ đồng, đầu tư nước ngoài trong 2 năm 2016-2017 đạt 10,06 tỷ USD, gần bằng với thu hút trong 5 năm 2011-2015 là 10,36 tỷ USD.

Theo Bí thư Thành ủy, năm 2018 là năm đầu tiên TP triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội, hiện UBND TP đã xây dựng đề án ủy quyền cho các sở, ngành, thủ trưởng các sở, ngành, UBND quận, huyện, chủ tịch UBND quận, huyện thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của UBND TP, Chủ tịch UBND TP. TP sẽ tiếp tục đẩy mạnh đổi mới cơ chế tạo và sử dụng các nguồn lực có hiệu quả hơn.

Trong năm 2018 TP triển khai đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2025”. Đây là nền tảng cho TP phát triển hướng tới 4 mục tiêu của đô thị thông minh là đảm bảo mức tăng trưởng kinh tế tương đối cao, phát triển bền vững; dịch vụ phát triển, môi trường sống tốt, hạ tầng, y tế, giáo dục tốt; người dân được chính quyền phục vụ tốt; người dân và tổ chức xã hội tham gia quản lý và giám sát.

Lê Quang Huy