Thứ bảy, 20/8/2016, 10h31

TP.HCM: Chú trọng đào tạo nghề trọng điểm

Một số ý kiến đề xuất cần đổi tên một số ngành nghề không còn phù hợp trong thời kỳ hội nhập, cũng như không hấp dẫn doanh nghiệp tuyển dụng đã đưa ra tại Hội nghị các trường trung cấp nghề (TCN) trên địa bàn thành phố, tổ chức chiều 19-8.

Ông Nguyên Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ TB-XH TP.HCM chủ trì hội nghị

Hội nghị các trường TCN trên địa bàn TP.HCM do ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ TB-XH TP.HCM tổ chức nhằm rà soát đánh giá thực trạng, bàn giải pháp đẩy mạnh nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực nghề nghiệp của thành phố.

Lao động nghề vẫn chiếm ưu thế

Theo ông Nguyễn Phước Nguyện, Phó phòng Dạy nghề (Sở LĐ TB-XH TP.HCM), chương trình nâng cao chất lượng dạy nghề gắn với thực hiện chỉ tiêu 85% lao động qua đào tạo nghề nghiệp đang làm việc tại TP.HCM, trong bối cảnh Việt Nam là thành viên của khối cộng đồng ASEAN đã được được những kết quả khích lệ. Trước mắt sẽ tập trung đào tạo 8 lĩnh vực ngành nghề gồm: Dịch vụ kỹ thuật, điều dưỡng, kiến trúc, khảo sát, y khoa, nha khoa, kế toán và du lịch.

Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề tại TP.HCM vẫn còn những hạn chế nhất định. Theo ông Nguyện, đến nay 80% các trường công lập của thành phố không đạt chuẩn về diện tích (30.000m2 ở ngoại thành và 10.000m2 ở nội thành). Dù khó khăn nhưng các trường cũng có nhiều cố gắng trong đầu tư xây dựng, đảm bảo quy mô và diện tích tối thiểu trong đào tạo cho HS (trung bình 4m2/ HS).

Hội nghị cũng thẳng thắn nhìn nhận mặt hạn chế nữa là chất lượng đào tạo nghề chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp và thị trường lao động. Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị còn nghèo nàn và không đồng bộ, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả đào tạo.

Ông Trần Anh Tuấn, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM cho biết: Thị trường lao động trình độ TCN vẫn chiếm ưu thế. Tuy nhiên cơ cấu ngành nghề có sự dịch chuyển, đi vào cụ thể, chuyên ngành và đòi hỏi người lao động cần các kỹ năng, nắm kiến thức pháp luật và đặc biệt là trình độ ngoại ngữ…

Đại diện Phòng Việc làm (Sở LĐ TB-XH TP.HCM) cho biết thành phố hiện có 46 doanh nghiệp xuất khẩu lao động, 20 chi nhánh đặt tại TP.HCM với các đối tác: Nhật, Hàn, Đài Loan. Đây là những thị trường lao động có thu nhập cao. Qua khảo sát của các doanh nghiệp, ngành điều dưỡng Đức và Nhật cần lao động tốt nghiệp TC-CĐ được tiếp nhập vào viện y tế, viện dưỡng lão của các nước này.

Lao động xuất khẩu các ngành xây dựng, cơ khí đáp ứng được yêu cầu trình độ nghiệp vụ cơ bản, người lao động có kỹ năng nhưng không đáp ứng được trình độ ngoại ngữ, phải mất từ 6-8 tháng đào tạo.

Cung cấp lao động cho thị trường châu Âu

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động phát biểu tại hội nghị

Ông Nguyễn Cao Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu Việc làm TP.HCM báo cáo, trong 7 đầu năm 2016, qua trung tâm đã có 33.000 lao động có việc làm; khoảng 2.000 doanh nghiệp tuyển dụng trực tiếp hoặc online trên website của trung tâm. Theo ông Thắng, từ kinh phí hỗ trợ 1 triệu đồng/ tháng của BHXH, người thất nghiệp có nhu cầu học nghề rất cao, cụ thể hiện nay có trên 1.000 hồ sơ đã được giải quyết.

Để đẩy mạnh phát triển dạy nghề, Sở LĐ TB-XH TP.HCM xác định sẽ tập trung bồi dưỡng giáo viên dạy nghề trong và ngoài nước. Bên cạnh đó còn tổ chức đào tạo nghề xuất khẩu lao động, đào tạo nghề cho người dân tộc thiểu số, lao động nông thôn và lao động đặc thù khác.

Ông Lâm lưu ý các trường tập trung đầu tư sâu các lĩnh vực có nhu cầu lao động cao, đào tạo nghề lao động nông thôn,  nghề cho người dân tộc thiểu số. Riêng đào tạo nghề trọng điểm phải xác định đối tượng tuyển sinh, vùng nào cần thiết và trên hết là phải có kế hoạch phối hợp, dự báo để xác định nghề và chọn các trường đủ điều kiện cơ sở vật chất, năng lực để đào tạo.

Theo ông Lâm, đào tạo nghề từ kinh phí BHTN cũng là giải pháp kéo giảm tỉ lệ thất nghiệp. Thời gian tới, sở sẽ tham mưu với UBND TP và kiến nghị các bộ, ngành tạo hành lang pháp lý an toàn để các trường làm tốt công tác tuyển sinh, đào tạo nghề có địa chỉ, cung cấp lao động chất lượng cho thị trường lao động châu Âu.

T.Anh